Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam thành lập theo Quyết định số 1710/QĐ-BNV, ngày 25/12/2008. Hội được thành lập do công sức và tâm nguyện của bác Vũ Oanh và PGS.TS Dương Xuân Đạm cùng với một số ông bà trong ban sáng lập ra Hội.
Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (sau xin viết tắt Hội) với cái tên đầy ý nghĩa, thiêng liêng… có tôn chỉ, mục đích: Đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; góp phần cùng ngành y tế tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi được giáo dục chăm sóc sức khỏe từ cơ sở, thực hiện thắng lợi chủ trương xã hội hóa công tác y tế và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chủ tịch Hội khóa I Vũ Oanh tặng Bằng khen cho Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Chính
Ngày 14/3/2009 Hội đã tổ chức Đại hội lần thứ Nhất thành công tốt đẹp, đã bầu Ban Chấp hành Trung ương. Bác Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch Hội, với 6 Phó Chủ tịch, Ban kiểm tra. PGS. TS. Nguyễn Thị Chính vinh dự được giao làm Phó Chủ tịch Thường trực. Sau đại hội với biết bao khó khăn vất vả về ổn định tổ chức, phân công trách nhiệm, xây dựng kế hoạch, để Hội phát triển và thực hiện ngay những nội dung đã đề ra trong đại hội trong những năm tiếp theo. Thành lập các phòng ban chuyên môn để hoạt động trong phạm vi cả nước. Hội đã dần dần ổn định về mặt nhân sự, phân công trách nhiệm cho Thường vụ và Ban Chấp hành Hội với thành phần đầy đủ 3 miền Bắc, Trung, Nam, nông thôn, miền núi… Hội đã bầu ban kiểm tra tại đại hội do Đại tá Trịnh Vinh Pha làm Trưởng ban, sau đó đã thành lập các ban chuyên môn: Văn phòng Hội do KS Nguyễn Minh Hòa, Chánh văn phòng, ban tổ chức thi đua khen thưởng, ban hợp tác quốc tế, ban kinh tế tài chính, ban truyền thông, ban dự án trong nước và quốc tế, ban khoa học và công nghệ… Đặc biệt nổi bật trong nhiệm kỳ này Hội đã kết nối, hợp tác với Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Phật giáo Trung ương, Bộ Y tế…
Trong thời gian này, Hội đã kết hợp với Hội Xúc tiến Ngoại giao Nhật Bản trao tặng cho Hội 20 xe ô tô cứu thương, với đầy đủ các tiện nghi cấp cứu hiện đại ngay trên xe, để cấp cứu kịp thời cho những bệnh nhân tai nạn giao thông, bệnh nặng ở các tỉnh đưa về tuyến trên, nhưng không thu phí. Dự án xin 20 xe cứu thương của Hội Xúc tiến Ngoại giao Nhật Bản tài trợ cho Hội bắt đầu triển khai từ năm 2010 đến năm 2013 hoàn tất mọi thủ tục, như chuyển đổi tay lái nghịch thành tay lái thuận và làm công văn phân cho các bệnh viện và các đơn vị hội viên liên kết có nhu cầu sử dụng. Năm 2012 là 10 chiếc xe, năm 2013 là 10 chiếc xe với những thủ tục nhập từ Nhật Bản và phân cho các bệnh viện, đơn vị liên kết bao công sức không thể quên được bởi sự cố gắng phía bạn và phía Việt Nam, của 8 ban, bộ, ngành và sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, để những xe cứu thương có mặt tại Việt Nam. Dự án sữa XO của Hàn Quốc đã ủng hộ tiền cho Hội và 10.000 hộp sữa XO đã được trao tặng cho hơn 40 bệnh viện phụ sản các tỉnh như: Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Bình Phước, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội… Dù xa xôi, nắng nóng giữa tháng 6, tháng 7, nhưng chính các đồng chí trong ban dự án đã đến từng bệnh viện phát sữa cho chị em mang thai và mới sinh… việc làm này của Hội hết sức ý nghĩa và nhân văn.
Từ năm 2011 – 2013 Hội nhận được 3 dự án về an toàn vệ sinh thực phẩm của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế giao. Dự án đã tổ chức truyền thông cho các tỉnh về thực phẩm an toàn, không an toàn và phương pháp điều trị khi xảy ra ngộ độc thực phẩm rất có ý nghĩa. Dự án này đã làm thay đổi về cách chọn lọc thực phẩm an toàn đối với chị em phụ nữ ở các tỉnh như: Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh… Dự án đã nghiệm thu đúng yêu cầu của Bộ Y tế.
Dự án sách “Cẩm nang sức khỏe cộng đồng”, do PGS.TS Dương Xuân Đạm, Phó Chủ tịch Hội làm chủ biên và nhiều tác giả có trình độ biên soạn, với hơn 500 trang đã cập nhật những bệnh thường gặp và những thông tin mới trong giáo dục chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng cho các lứa tuổi khác nhau.
Không thể quên được những hình ảnh rất đẹp của gần 5.000 người ở những buổi trình diễn Thái cực trường sinh, Dưỡng sinh kinh lạc ở nhiều tỉnh trong cả nước và được trình diễn tại quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Hội đã trao cờ cho những đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc triển khai luyện tập chăm lo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng ở nhiều tỉnh và các quận, huyện trong cả nước. Đặc biệt, Chi hội Đông A Nam Định đã có buổi đồng diễn dưỡng sinh kinh lạc rất đẹp và đáng nhớ…. Hội đã có biết bao tấm lòng vàng được ghi nhận và được nhận Kỷ niệm chương Hội trao. Đồng thời, nhiều cá nhân và các đơn vị đã có nhiều đóng góp cho Hội đã được nhận Giấy khen của Bộ Y tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam
Văn phòng đầu tiên của Hội được đặt tại số 44A Tràng Thi, trong 3 năm từ 2009 – 2012, do PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hội tài trợ tiền thuê nhà. 3 năm tiếp theo 2012 – 2015, do Ths. Nguyễn Ngọc Bền, Phó Chủ tịch Hội tài trợ tiền thuê nhà và các trang thiết bị văn phòng tại tòa nhà Á Châu Bích, số 164 Khuất Duy Tiến với diện tích hơn 100m2. Từ 2015 – 2016, Văn phòng Hội lại chuyển về phố Cự Lộc, Thanh Xuân. Trong thời gian hoạt động của Hội đã có sự cố gắng đóng góp về vật chất và tinh thần của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các ban của Hội, các trung tâm, các viện, chi hội được thành lập ở nhiều nơi trong cả nước. Qua mỗi lần hội nghị Ban Chấp hành một năm một lần, Hội lại được xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III, từ tháng 3/2016 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cùng với 6 Phó Chủ tịch, 30 Ủy viên Ban Thường vụ và hơn 100 Ủy viên Ban Chấp hành mới đã phát huy những thành tích của nhiệm kỳ I. Nhiệm kỳ này hoạt động của hội cũng hết sức sôi động và phong phú, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, thành lập mới các ban, các khối, các viện, trung tâm, chi hội và các câu lạc bộ ra đời trong cả nước hoạt động sôi nổi, vẫn duy trì phong trào dưỡng sinh kinh lạc, dưỡng sinh tâm thể tại các tỉnh và các quận, huyện giúp tăng cường sức khỏe cho cộng đồng… Khối thẩm mỹ sắc đẹp và spa ra đời, khối doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các ban của Hội như: Ban Truyền thông, Ban Thi đua Khen thưởng, Ban Tổ chức, Hợp tác Quốc tế…
Văn phòng của Hội trong thời gian này cũng luôn thay đổi với sự giúp đỡ của các cá nhân, tập thể ủng hộ, nên Hội hoạt động rất hiệu quả. Trong nhiệm kỳ này, phải nói tới Lễ kỷ niệm 10 năm của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã được tổ chức long trọng, đông đủ quan khách, ban, ngành… Hội nghị đã nhận được những sự ủng hộ quý báu của một số cá nhân, tổ chức bằng tiền và hiện vật nên hội nghị tổ chức thành công tốt đẹp. Hội đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và đã có 3 đồng chí được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chỉnh phủ là 3 Phó Chủ tịch PGS.TS NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, PGS.TS TTND Dương Xuân Đạm và PGS.TS Nguyễn Thị Chính. Với nhiều các ban, viện, trung tâm, chi hội của Hội và những cá nhân đã có những hoạt động nổi bật đã được Bộ Y tế và Hội tặng Bằng khen.
Trong những năm gần đây, phải nói Thường trực và Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã có rất nhiều cố gắng, để ổn định văn phòng, cũng như xây dựng chiến lược phát triển Hội cho những năm tiếp theo. Chủ tịch Nguyễn Hồng Quân đã phân công trách nhiệm cho mỗi Phó Chủ tịch phụ trách từng mảng công việc. Trong thời gian này, Hội cũng gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19 nhưng Hội vẫn làm việc và có những hỗ trợ rất tích cực cho các dân cư, vùng miền bị COVID-19. Đặc biệt, trong TP. Hồ Chí Minh, đã góp phần hạn chế tổn thất về kinh tế, xã hội đối với người dân. Văn phòng đại diện Hội tại TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động từ thiện trong đại dịch và sau đại dịch, để giảm bớt khó khăn cho cộng đồng với những sáng kiến của Trưởng Đại diện Văn phòng Phạm Đình Vương và các hội viên thực hiện.
Đại dịch COVID-19 đã gây nên nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, sức khỏe con người, song Hội vẫn có những đóng góp nhất định, hạn chế lây nhiễm của đại dịch và giúp đỡ những tỉnh, thành phố có khó khăn trong đại dịch. Giờ đây sau khi hết đại dịch COVID-19, lãnh đạo Hội lại đưa ra những hoạt động mới cho phù hợp với tình hình mới. Trong những năm gần đây, Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã có nhiều cố gắng thành lập thêm những viện, trung tâm, chi hội các câu lạc bộ mới ở nhiều tỉnh trong cả nước, nên phong trào hoạt động dưỡng sinh tâm thể, dưỡng sinh kinh lạc, hội nghị, hội thảo khoa học được tổ chức nhiều hơn, nhằm tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng những kiến thức chăm lo sức khỏe chủ động tại cơ sở, bản thân và cộng đồng. Một số ban đã được thành lập mới, như Ban Thể dục Thể thao – Văn hóa, các viện nam y, các khối dưỡng sinh, khối sắc đẹp spa, khối doanh nghiệp – doanh nhân, câu lạc bộ và các viện nghiên cứu về sức khỏe ra đời với nhiều hoạt động phong phú, độc đáo và hiệu quả.
Ghi lại những dấu ấn thật sâu sắc và ý nghĩa mà Hội đã hoạt động sôi nổi, đầy nhiệt huyết của nhiều lãnh đạo Hội cũng như các hội viên trong 15 năm qua. Giờ đây bác Vũ Oanh, nguyên Chủ tịch Hội nhiệm kỳ I – Chủ tịch danh dự của Hội không còn nữa, đồng chí Nguyễn Thiện Trưởng nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực không còn nữa, nhưng bộ máy hoạt động của Hội, những Phó Chủ tịch mới được bổ sung cũng đang tích cực hoạt động cho Hội. Chủ tịch Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch Thường trực TS. Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cùng các Phó Chủ tịch khác PGS.TS NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh, PGS.TS. Nguyễn Thị Chính, TS TTND Lê Thị Hằng, TS. Vương Văn Việt, Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản và Doanh nhân Vũ Việt Anh là những Phó Chủ tịch đã và đang có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội trong hiện tại và tương lai. Có thể nói Hội đã toàn tâm toàn ý, đồng tâm hiệp lực cùng nhau xây dựng và phát triển Hội. Hội có trụ sở tại Tầng 3 Cung Trí Thức, số 1, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Với Tổng thư ký mới Đại tá Tạ Quang Vinh luôn có mặt tại văn phòng làm việc, để cập nhật những hoạt động của Hội kịp thời và sâu rộng trong cả nước.
Những hội thảo khoa học luôn đặt ra được các phó chủ tịch và các trưởng ban, các viện nghiên cứu, các trung tâm, quan tâm tổ chức rất thành công và tốt đẹp ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hội thảo Giáo dục sớm cho trẻ từ 0- 6 tuổi của Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển tiềm năng con người do Phó Chủ tịch Nguyễn Võ Kỳ Anh chủ trì thực hiện đã tạo được tiếng vang và xây dựng được mô hình giáo dục sớm cho trẻ, để có thể triển khai trong cả nước. Hội nghị về Bảo tồn dược liệu quý của Việt Nam do Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Thản chủ trì thực hiện. Hội thảo Nghiên cứu về Cây sa sâm Việt Nam do Công ty CP Dược mỹ phẩm Sa Sâm Việt thực hiện, do hội chủ trì hội thảo rất thành công.
Hội thảo khoa học Doanh nghiệp, Doanh nhân với khoa học và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng do PGS.TS Nguyễn Thị Chính chủ trì thực hiện, đã có kỷ yếu khoa học của các nhà khoa học rất đáng trân trọng. Hội nghị phổ biến chính sách khoa học công nghệ của Nhà nước tới các doanh nghiệp, doanh nhân của trong và ngoài Hội, kết hợp với Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ – Bộ KH và CN do PGS.TS Nguyễn Thị Chính và TS Lê Đình Tiến chủ trì thực hiện. Hội nghị qui tụ khối sắc đẹp và spa của hội do TS. TTND Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội chủ trì thực hiện. Những phong trào về bóng đá, văn nghệ, thể dục, thể thao mở ra sôi nổi ở nhiệm kỳ này do TS. Vương Văn Việt và Vũ Việt Anh chủ trì thực hiện.
Chánh Văn phòng mới do ông Phạm Công Bổng cùng với các cán bộ của chi hội khối văn phòng thực hiện cũng đã có những đổi mới thiết thực để hoạt động tốt hơn. Hội đã tổ chức tốt ngày hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mặt khác Hội đã ký kết hợp tác với nhiều đơn vị khác nhau để tăng thêm sức mạnh như: Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Quân dân y, Hiệp hội Thực phẩm chức năng, Hội Nông nghiệp tuần hoàn… Viện nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi và y tế cộng đồng do GS Lê Ngọc Trọng – Viện trưởng trực thuộc Hội, giờ đây là PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Viện trưởng cũng đã có những hội thảo về môi trường nước sạch đối với người cao tuổi và cộng đồng, cũng như các hội nghị khác mà Viện đang hướng tới trong tương lai, nhằm nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân từ cấp cơ sở về môi trường sống ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng của Hội, do TS. Vương Văn Việt làm Tổng Biên tập, cùng Ban Biên tập, thực hiện đều đặn những bài viết về hoạt động của Hội kịp thời và sâu sắc. Đặc biệt những bài thuốc, kinh nghiệm, phương pháp phòng, chữa bệnh hay, dễ áp dụng, những gương sáng trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, những hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa nhân văn của Hội tại Ngã Ba Đồng Lộc mới đây, càng thấy rõ vai trò và trách nhiệm của Hội đã hòa cùng với những hoạt động chung của xã hội…
Còn nhiều lắm những thành tích Hội đã làm được trong 15 năm qua, không thể nói hết được. Với tinh thần tích cực hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội, Trung ương Hội đã và đang chuẩn bị khẩn trương, thiết thực, để mọi người hiểu hơn nữa về những đóng góp to lớn của lãnh đạo Hội, của hội viên, thành viên trong thời gian qua và những phương hướng hoạt động của Hội trong những năm tiếp theo, để Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam mãi trường tồn và phát triển bền vững trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính
Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam