Viêm khớp đầu gối là bệnh tiến triển gây đau, sưng và cứng khớp. Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp gối phổ biến nhất. Có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm các triệu chứng của viêm khớp đầu gối.
Viêm khớp gối là bệnh lý thường gặp
1. Viêm khớp gối là gì ?
Có hơn 100 loại tình trạng ảnh hưởng đến khớp, các mô xung quanh khớp và các mô liên kết khác. Trong đó, hai loại viêm khớp gối phổ biến nhất là thoái hóa khớp (Osteoarthritis – OA) và viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis – RA).
Thoái hóa khớp gối là dạng viêm khớp gối phổ biến nhất. Đây là một tình trạng mà sụn khớp gối bị phá vỡ và xương bên dưới sụn bắt đầu thay đổi. Những thay đổi này tiến triển chậm và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Thoái hóa khớp thường gặp ở người lớn tuổi.
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là một bệnh tự miễn chủ yếu tấn công vào các khớp ở bàn tay, cổ tay và đầu gối. Trong tình trạng này viêm khớp gối dạng thấp, lớp lót của khớp gối vị viêm gây tổn thương mô khớp, dẫn đến đau mạn tính.
Viêm khớp gối cũng có thể xảy ra sau chấn thương đầu gối như rách sụn, chấn thương dây chằng hoặc gãy đầu gối. Các triệu chứng viêm khớp có thể xuất hiện sau chấn thương vài năm.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây viêm khớp đầu gối như các bệnh tự miễn, nhiễm trùng, bệnh vảy nến, gout…
2. Triệu chứng thường gặp của viêm khớp gối là gì ?
2.1. Cơn đau khớp tăng dần
Đau khớp gối thường bắt đầu từ từ, mặc dù một số trường hợp cơn đau xuất hiện đột ngột. Lúc đầu, bạn có thể thấy đau gối vào buổi sáng hoặc sau khi nằm, ngồi một lúc lâu, đau khi leo cầu thang, đứng lên từ tư thế ngồi hoặc quỳ. Đi bộ nhiều cũng có thể bị đau.
Đau đầu gối sau khi ngủ dậy có thể là một triệu chứng của thoái hóa khớp. Các triệu chứng thoái hóa khớp gối có thể tiến triển nhanh hoặc tiến triển chậm trong vài năm, có thể xấu đi và sau đó duy trì ổn định trong một thời gian dài hoặc có thể tiến triển xấu từng ngày. Các yếu tố có thể khiến cơn đau tăng bao gồm thời tiết lạnh, áp lực lên gối và hoạt động quá mức.
Đối với trường hợp viêm khớp dạng thấp, các triệu chứng thường bắt đầu ở các khớp nhỏ hơn. Chúng có nhiều khả năng xảy ra đối xứng, ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể. Kèm theo đó, khớp có thể nóng và đỏ. Các triệu chứng RA thường xuất hiện trong vài tuần nhưng cũng có thể trở nên trầm trọng trong vài ngày. Bệnh tiến triển có thể gây ra các đợt bùng phát.
Khớp sưng và nóng là triệu chứng của viêm khớp gối
2.2. Khớp gối sưng đỏ
Viêm khớp gối đi kèm với tình trạng viêm, sưng khớp.
Với thoái hóa khớp gối, có thể gây ra:
– Sưng khớp, sờ vào cứng do sự hình thành của các gai xương.
– Sưng khớp, sờ vào mềm vì tình trạng viêm làm tích tục chất lỏng xung quanh khớp.
Sưng khớp thường dễ nhận thấy hơn sau khi bất động một thời gian dài, ví dụ khi ngủ dậy. Vùng da ở đầu gối có thể đỏ tấy, sờ vào thấy ấm nóng.
Ở viêm khớp dạng thấp, sưng khớp là phổ biến. Ngoài ra, nó có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi. Điều này là do RA là bệnh tự miễn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
2.3. Cứng khớp
Theo thời gian, các tổn thương ở khớp có thể khiến cấu trúc khớp gối bị cứng, nhất là vào buổi sáng. Khi sụn bị bào mòn, xương cọ xát vào nhau tạo ra các gai xương. Bề gặp xương gập ghềnh khiến chúng khó uốn cong hoặc duỗi thẳng ra.
Viêm khớp dạng thấp có thể khiến gân nối cơ với xương bị tổn thương, điều này ảnh hưởng đến sự ổn định của đầu gối.
2.4. Khớp gối phát ra âm thanh lạo xạo
Khi uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối, bạn có thể nghe thấy lạo xạo, lục khục. Những triệu chứng này có thể xảy ra khớp bị mất dịch khớp và sụn khớp bị bào mòn. Bề mặt xương thô ráp với sự phát triển của gai xương khiến các khớp phát ra tiếng khi cọ vào nhau trong quá trình vận động. Cả viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp đều có thể dẫn đến tổn thương sụn.
Viêm khớp gối gây triệu chứng cứng khớp
2.5. Giảm khả năng vận động khớp
Những thay đổi về xương và sụn xảy ra do viêm khớp gối hoặc sau chấn thương đầu gối có thể khiến khớp gối khó cử động một cách linh hoạt khi đi lại, đứng lên ngồi xuống và thực hiện các chuyển động khác.
Viêm khớp gối khiến bạn khó gập và uốn cong đầu gối do đau và sưng khớp. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần sử dụng gậy hoặc khung tập để có thể di chuyển và giữ thăng bằng.
2.6. Khoảng trống xung quanh xương đầu gối
Một số tổn thưởng của bệnh viêm khớp gối không thể quan sát bằng mắt thường, ví dụ sụn khớp bị mòn đi. Sụn chiếm không gian xung quanh xương, là nơi làm đệm cho khớp. Khi sụn bị phá vỡ hay bào mòn nó sẽ để lại một khoảng trống xung quanh xương đầu gối.
Hình ảnh này có thể quan sát được bằng cách chụp X-quang.
2.7. Đầu gối biến dạng
Viêm khớp gối nghiêm trọng, tiến triển có thể dẫn đến biến dạng đầu gối.
Các đợt bùng phát của viêm khớp dạng thấp khiến khớp sưng và đỏ. Về lâu dài, tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể khiến sụn và gân bị tổn thương vĩnh viễn. Điều này có thể ảnh hưởng đến hình dạng của đầu gối.
Khi bị thoái hóa khớp, các cơ xung quanh đầu gối có thể yếu đi, dẫn đến tình trạng trũng xuống. Đầu gối có thể bắt đầu hướng về nhau hoặc cong ra ngoài.
3. Điều trị viêm khớp gối
Cách điều trị viêm khớp gối sẽ tùy thuộc vào loại viêm khớp gối mà bạn mắc phải.
Đến gặp bác sĩ nếu có triệu chứng viêm khớp gối
Có một số phương pháp điều trị như:
– Nghỉ ngơi hợp lý.
– Giảm cân ở người thừa cân béo phì.
– Thường xuyên tập thể dục, ví dụ tập thái cực quyền, đi bộ, đạp xe và bơi lội.
– Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và viêm, tiêm corticosteroid để giảm viêm, nhóm thuốc DMARDs để ổn định bệnh…, và các loại thuốc khác tùy theo tình trạng cụ thể.
– Tập luyện các bài co giãn, chống co rút, dính khớp, teo cơ.
– Phục hồi chức năng, vật lý tri liệu
– Chườm nóng, xoa bóp, tắm muối khoáng.
– Kem bôi ngoài da.
– Châm cứu.
– Phẫu thuật chỉnh hình.
– …
Nếu bạn bị viêm xương khớp, bạn cần khám và điều trị với bác sĩ cơ xương khớp để có kết quả tích cực nhất.
Nếu các biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc viêm khớp gối đe dọa khả năng vận động thì bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật cho viêm khớp như:
– Phẫu thuật một phần để sửa chữa.
– Thay khớp nhân tạo.
4. Khi nào đi khám bác sĩ
Đối với các tình trạng viêm khớp gối, bạn cần đi khám ngay khi có các triệu chứng để được tiếp cận sớm với các biện pháp điều trị. Điều này giúp bạn có nhiều cơ hội áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu, hạn chế việc phải sử dụng nhiều thuốc hay phẫu thuật, hạn chế biến chứng và ảnh hưởng khả năng vận động.
Theo Bệnh viện ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh