Thịt lợn chủ yếu chứa protein và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, hầu như không chứa carbohydrate – yếu tố chính làm tăng đường huyết. Do đó, về mặt lý thuyết, ăn thịt lợn không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở cách chế biến và tần suất tiêu thụ.
Thịt lợn chế biến dưới dạng chiên (rán) hay nướng thường chứa nhiều dầu mỡ, chất béo không lành mạnh, làm tăng nguy cơ kháng insulin – một yếu tố gây rối loạn chuyển hóa và gián tiếp ảnh hưởng đến đường huyết.
Ngoài ra, các món thịt lợn tẩm bột chiên, hoặc chế biến cùng với các loại sốt nhiều đường và tinh bột như thịt kho tàu, thịt xào với nước sốt ngọt, có thể gián tiếp làm tăng đường huyết.
(Ảnh minh họa: Suppor)
Việc ăn quá nhiều thịt lợn mỡ cũng làm tăng lượng cholesterol và mỡ máu, gây ra tình trạng thừa cân, béo phì – những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đái tháo đường loại 2.
Thói quen ăn thịt lợn mỗi ngày cũng có thể dẫn đến sự mất cân đối dinh dưỡng, khi cơ thể thiếu hụt chất xơ từ rau củ và ngũ cốc nguyên hạt, làm tăng khả năng hấp thụ đường vào máu.
Để hạn chế những rủi ro này, nên kết hợp thịt lợn với rau xanh, giảm phần mỡ, ưu tiên các cách chế biến lành mạnh như hấp, luộc, nướng không dầu.
Tóm lại, ăn thịt lợn mỗi ngày không trực tiếp làm tăng đường huyết, nhưng cần chú ý đến cách chế biến và cân bằng với các nhóm thực phẩm khác. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
Theo Healthline