Mới đây, chị N.V.T (35 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng sốt cao 40oC, đau bụng vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn, đại tiện xong thì giảm đau. Trực tiếp thăm khám cho chị T., TS.BS Hoàng Minh Đức, Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện HN Việt Đức nhận thấy chị có những triệu chứng điển hình của bệnh lý Crohn: Tình trạng viêm đường ruột (Imflammatory bowel disease- IBD) mạn tính, có tính chất tự miễn, từ thực quản đến hậu môn. Người hay mắc bệnh này thường ở độ tuổi 20-40, nam nhiều hơn nữ .
TS.BS Hoàng Minh Đức cho biết: Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi trùng nhưng đến nay chưa có bằng chứng. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do quá trình tự hoạt hóa miễn dịch của cơ thể: Những tế bào và protein bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại, virus, nấm, và những xâm nhập bên ngoài khác lại đi chống lại các tế bào đường ruột. Như vậy, thông thường, hệ thống miễn dịch được kích hoạt chỉ khi cơ thể được tiếp xúc với những yếu tố có hại, nhưng trong bệnh Crohn, hệ thống miễn dịch là bất thường và bị kích hoạt trong khi không có mặt của bất kỳ tác nhân gây bệnh nào được biết đến. Hậu quả là tình trạng viêm mãn tính và loét của đường ruột.
Biểu hiện
Biểu hiện của bệnh Crohn gồm 2 thể: cấp và mạn.
Thể cấp tính bệnh có biểu hiện và diễn biến giống viêm ruột thừa cấp: có sốt cao 39-40oC, đau bụng vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn, đại tiện xong thì giảm đau; bệnh nhân buồn nôn hoặc nôn, có khi đi ngoài lỏng, phân có thể có máu; bụng chướng, ấn đau, đôi khi sờ thấy một khối dài ở hố chậu phải
Thể mạn tính: Bệnh tiến triển từ từ, kéo dài 2-4 năm hoặc có khi hơn. Người bệnh thường đến khám với các triệu chứng như ở thể cấp tính, kèm theo thiếu máu và các biến chứng như thủng ruột, hẹp lòng ruột, rò từ hồi tràng vào đại tràng, bàng quang và các cơ quan lân cận khác.
Chẩn đoán bệnh Crohn khó vì đoạn viêm thường là đoạn hồi tràng, nằm ở vùng hố chậu phải, triệu chứng gần giống với viêm ruột thừa cấp, lao manh tràng, lao ruột, u nang buồng trứng xoắn, viêm buồng trứng, vòi trứng, vỡ chửa ngoài dạ con.
Khi nào thì người bệnh nên đi khám
Người bệnh nên đi khám khi họ có các yếu tố sau:
– Tuổi: 20 – 40 tuổi
– Tiền sử gia đình: có một người thân, như cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con có bệnh này
– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất phát triển bệnh Crohn.
– Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen, diclofenac, piroxicam… có thể gây ra bệnh Crohn.
Tiến triển khi không điều trị bệnh là gì?
– Tắc ruột: Bệnh Crohn theo thời gian sẽ làm ruột dày lên gây hẹp và tắc.
– Loét thủng
– Rò tiêu hóa (fistula) sang bàng quang, âm đạo, tử cung.
– Ung thư. Nguy cơ ung thư lên đến hơn 90%, đặc biệt ở đại tràng.
Xét nghiệm chẩn đoán xác định
– Xét nghiệm máu
– Tìm máu trong phân
– Soi đại tràng và sinh thiết (sigmoidoscopy).
– Chụp cắt lớp vi tính (CT).
Điều trị
Tùy giai đoạn và mức độ, biến chứng của bệnh mà lựa chọn điều trị nội khoa hay ngoại khoa.
– Nội khoa: Mục tiêu của điều trị là giảm viêm:
Thuốc chống viêm: Sulfasalazine; Mesalamine; Corticosteroid
Thuốc ức chế miễn dịch: Các thuốc này cũng giảm viêm dựa trên tác động lên hệ thống miễn dịch bằng cách làm giảm các phản ứng miễn dịch. Thuốc ức chế miễn dịch bao gồm: Azathioprine và mercaptopurine; Infliximab; Adalimumab.
Thuốc kháng sinh: Metronidazole; Ciprofloxacin.
Các thuốc khác: Gồm các thuốc điều trị những rối loạn do bệnh gây ra như tiêu chảy, thiếu máu, đau bụng, suy dinh dưỡng, chậm phát triển ở trẻ em.
Phẫu thuật
Chỉ định:
+ Điều trị nội khoa thất bại
+ Các biến chứng như thủng ruột, rò, hẹp hay tắc ruột, áp xe. Tùy theo tổn thương mà cắt bỏ đoạn ruột tắc, đóng rò…
Phẫu thuật Crohn là chỉ tạm thời do bệnh thường dễ tái phát. Cách tốt nhất là phẫu thuật kết hợp điều trị nội để giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức