Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng,… nhất là với những người có bệnh nền.
Đối với người bệnh đái tháo đường có hệ miễn dịch suy giảm, sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh đái tháo đường mắc bệnh sốt xuất huyết có tiểu cầu thấp hơn so với những người bình thường. Số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao.
Sốt xuất huyết làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm tăng quá trình trao đổi chất và điều này có thể dẫn đến sự biến động của lượng đường trong máu và cản trở quá trình điều trị để kiểm soát lượng đường trong máu ở người đái tháo đường.
Không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu, vì vậy những người bị đái tháo đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như xuất huyết, hội chứng sốc dengue, nếu không may mắc bệnh.
Khi nghi ngờ bị xuất huyết với biểu hiện đặc trưng nhất là sốt cao liên tục trên 38 độ C mà không giảm khi uống thuốc hạ sốt thì nên làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, không tự ý điều trị tại nhà.
Cách tốt nhất để chống lại bệnh sốt xuất huyết là kiểm soát và làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh. Người dân nên thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ đồ dùng có chứa nước đọng để giảm nơi muỗi đẻ trứng; đậy kín các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật dụng chứa nước trong mùa mưa như vỏ xe cũ, chén bát cũ, xô chậu cũ,…; có thể thả cá trong nước để tiêu diệt trứng muỗi, lăng quăng,… Dùng các phương pháp bảo vệ bản thân như mang vớ dài, dùng thuốc hay thiết bị đuổi muỗi, ngủ trong mùng và tránh những nơi có ổ dịch sốt xuất huyết.
Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, giúp chống chọi với bệnh. Đồng thời, khi người bệnh đái tháo đường bị ốm, đặc biệt là sốt xuất huyết, mức đường huyết sẽ dao động thất thường, khiến hiệu quả điều trị không cao và có nguy cơ gặp biến chứng hôn mê do tăng đường huyết nếu không giám sát đường huyết chặt chẽ. Vì vậy, người bệnh cần uống đầy đủ thuốc và đo đường huyết ít nhất 2 lần/ngày vào sáng sớm và sau ăn, theo dõi bằng nhật ký và đi khám ngay nếu thấy đường huyết dao động thất thường hoặc tăng cao.
Sau khi hết sốt trong khoảng thời gian từ 3 – 7 ngày phát bệnh, bệnh nhân không nên chủ quan đã khỏi bệnh vì đây là giai đoạn nguy hiểm nhất có thể bị xuất huyết hoặc nặng hơn là hội chứng sốc dengue. Cần cảnh giác với các biểu hiện như vật vã, li bì, buồn nôn và nôn, đau cơ khớp, xuất huyết, người bệnh cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh tự điều trị tại nhà.
Thiên Thanh