Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ được triển khai từ năm 2020 đến hết năm 2024, góp phần nguồn lực rất có ý nghĩa vào mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Ngày 13/11, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp đánh giá tiến độ Dự án nhằm ghi nhận kết quả đã đạt được và rà soát các mục tiêu, hoạt động chưa hoàn thành để tập trung thực hiện, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành mục tiêu trong thời gian một năm còn lại của Dự án. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan, Ban Quản lý Dự án và chủ nhiệm Dự án, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị
Đại diện cho đoàn công tác đánh giá của Ngân hàng Thế giới, bà Nguyễn Thùy Anh đã có báo cáo đánh giá chi tiết cho từng mục tiêu, hợp phần của Dự án. Thể hiện những kết quả khả quan của Dự án như hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nâng cấp cơ sở nhà cửa cho y tế tuyến cơ sở, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cũng như áp dụng công cụ bảng điểm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã. Tuy nhiên, Dự án còn có những tồn tại, khó khăn vướng mắc đặc biệt là chậm tiến độ về mua sắm trang thiết bị tại các tỉnh cho trạm y tế. Ông Christophe Lemiere, Trưởng Ban phát triển con người của Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận xét: đây là Dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân khá tốt trong nhóm các Dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và mong muốn các hoạt động năm 2024 cần lên kế hoạch sớm để đảm bảo kết quả mục tiêu cuối cùng của Dự án, tranh thủ tối đa nguồn vốn vay ưu đãi đã được bố trí cho Việt Nam.
PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát biểu
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nhấn mạnh:
Nhìn chung theo đánh giá của World Bank, Dự án tương đối đạt yêu cầu (về tiến độ đạt mục tiêu phát triển của dự án cũng như tiến độ thực hiện) ở mức độ trung bình, Dự án đã đạt được nhiều kết quả tuy nhiên chưa đạt được như mục tiêu và tiến độ mong muốn như thiết kế ban đầu.
Phân tích kỹ hơn: Nếu nhìn vào chỉ số kết quả trung gian của Dự án (đánh giá 5 chỉ số trung gian) thấy kết quả đánh giá giữa kỳ 2022 so với mục tiêu cuối kỳ 2024 còn khá xa trừ chỉ số thứ 5. Phần trăm (%) trạm y tế xã áp dụng giải pháp giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ (phiếu chấm điểm chất lượng) là điểm sáng của dự án 23% trạm y tế đã áp dụng vượt so với kế hoạch 20%. Còn lại 4 chỉ số so với kết quả mong muốn đến 2024 khoảng cách còn xa.
Tuy nhiên, cũng có điểm tích cực: Từ khi đánh giá giữa kỳ tới nay thấy tốc độ cải thiện tương đối đáng kể đặc biệt chỉ số thứ 4. (Từ chỗ 2.954 cán bộ được hỗ trợ đào tạo đến nay đã tăng lên 6.000 so với mục tiêu cuối cùng là 7.000 thấy được tiến độ gần mục tiêu. Còn lại 3 chỉ số còn lại tốc độ cải thiện chưa được nhiều (vẫn còn chậm) còn khoảng cách với mục tiêu mong muốn 2024.
Theo PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, ở đây cũng cần phân tích thêm: Trong 5 chỉ số trung gian thì 3 chỉ số đầu do các tỉnh triển khai thực hiện: Theo cơ chế mới là chủ đầu tư. Còn chỉ số thứ 5 hoàn toàn do Ban Quản lý Dự án Trung ương triển khai thực hiện chỉ số thứ 4 là có sự hỗ trợ trực tiếp của Ban Quản lý Dự án Trung ương.
Có thể thấy kết quả không đồng đều những chỉ số do Ban Quản lý Dự án Trung ương trực tiếp hỗ trợ tương đối tốt, còn chỉ số do chủ đầu tư thực hiện chưa được như mong muốn. Điều này nói lên trong quá trình thay đổi cơ chế quản lý dự án trao quyền tự chủ tối đa cho địa phương triển khai, thực hiện dự án. Qua đó, thấy được năng lực quản lý dự án của các địa phương chưa theo kịp quá trình chuyển đổi mô hình quản lý dự án.
Tuy nhiên, phân tích đánh giá tiến độ từng tỉnh thấy tiến độ triển khai thực hiện Dự án đồng đều, có một số tỉnh khá tốt, một số tỉnh đạt yêu cầu và một số tỉnh còn chậm. Điều này cho thấy một lần nữa rõ ràng phụ thuộc vào năng lực triển khai Dự án của địa phương vì vẫn là cơ chế chung. Thứ hai, sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án Trung ương, World Bank cho Dự án rất công bằng hỗ trợ các tỉnh như nhau đối với những tỉnh chậm hơn được tăng cường giám sát, tăng cường hỗ trợ. Vì vậy, cần bổ sung kết luận việc thành công của Dự án phụ thuộc rất nhiều vào năng lực triển khai Dự án của từng địa phương. Đặc biệt, ở những địa phương mới ở mức đạt yêu cầu và chậm cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới đạt kết quả như mong muốn.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá Dự án chỉ còn hơn một năm để hoàn thành các hoạt động, mục tiêu Dự án cũng như đảm bảo vấn đề giải ngân. Do vậy, các đơn vị liên quan cần rà soát, xác định ưu tiên và lập kế hoạch sớm cho năm 2024, tập trung thực hiện để đạt được mục tiêu.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị cụ thể các mốc thời gian cam kết phải hoàn thành theo nhóm hoạt động cho từng đơn vị, Vụ, Cục, Ban Quản lý Dự án và các tỉnh chịu trách nhiệm. Đồng thời, yêu cầu tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế, của Ban Quản lý Dự án Trung ương, đặc biệt với các tỉnh, các hoạt động còn chậm tiến độ.
Bảo Ngọc