Người mắc lupus ban đỏ cần căn cứ theo mức độ bệnh để có chế độ ăn uống phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, làm giảm tác dụng phụ của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh tự miễn hay gặp và có biểu hiện thương tổn ở nhiều cơ quan như da, khớp, hạch bạch huyết, gan, thận, tim, phổi…Điều trị bệnh có nhiều liệu pháp phù hợp với tình trạng bệnh, trong đó liệu pháp thường dùng là sử dụng glucocorticoid. Sử dụng glucocorticoid lâu ngày có thể dẫn đến giảm khối cơ, tăng tích nước, tăng đường máu, loãng xương.
Người mắc lupus ban đỏ cần căn cứ theo mức độ bệnh để có chế độ ăn uống phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, làm giảm tác dụng phụ của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho bệnh nhân Lupus
Mục đích của chế độ dinh dưỡng
– Cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, duy trì cân nặng nên có
– Ngăn ngừa sự teo cơ
– Phòng ngừa loãng xương
– Hạn chế tích nước.
Nguyên tắc dinh dưỡng
+ Đủ năng lượng: 30-35Kcal/ kg cân nặng nên có/ ngày; phân bố thành phần các chất dinh dưỡng cân đối:
+ Protid (chất đạm): 15-20% tổng năng lượng (trường hợp có suy thận cần giảm đạm theo mức độ suy thận).
+ Glucid (chất bột đường): 55-60% tổng năng lượng
+ Lipid (chất béo): 20-25% tổng năng lượng
+ Bổ sung canxi và Vitamin D
+ Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng như: Kẽm, vitamin E, A, C…
+ Kiểm soát lượng muối: dưới 6g/ ngày.
Lời khuyên dinh dưỡng
Lựa chọn thực phẩm
a. Thực phẩm nên dùng
– Nhóm chất bột đường: gạo, mì, ngô, khoai củ và các sản phẩm chế biến (miến, bún, phở…)
– Nhóm thịt: Các loại thịt nạc, cá nạc, tôm, cua…
– Nhóm sữa: các loại sữa động vật giàu canxi, phomai…
– Rau xanh: Ăn đa dạng các loại rau củ. Đặc biệt các loại rau lá, nhiều chất xơ: Rau muống, rau ngót,…
– Nhóm chất béo: Dầu thực vật (dầu đậu nành, oliu, dầu vừng…)
– Quả chín: Ăn đa dạng các loại quả, mỗi ngày nên ăn 200-300g quả chín.
– Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều kẽm: ngao, sò, hàu…
– Các thực phẩm giàu sắt: Các loại thịt, đậu đỗ, mộc nhĩ, nấm hương…
b. Thực phẩm hạn chế dùng
– Các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như: đồ hộp, thịt nguội.
– Phủ tạng động vật: lòng, tim, gan, óc, bầu dục…
– Mỡ động vật: Thịt mỡ, da gà, da vịt…
– Các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt hộp, cá hộp, giò, chả…
c. Thực phẩm không nên dùng
– Dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.
– Các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
Chú ý: Đảm bảo an toàn thực phẩm: Chọn các thực phẩm tươi, sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Trường hợp bệnh Lupus gây tổn thương tại một số cơ quan
Do bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh có khả năng gây tổn thương tại nhiều cơ quan/ bộ phận trên cơ thể, nên tùy từng cơ quan bị tổn thương của bệnh để có chế độ về dinh dưỡng phù hợp. Ngoài các nguyên tắc như trên cần chú ý nương nhẹ cơ quan bị tổn thương.
Tổn thương về thận.
Các tổn thương về thận là một trong những dạng thường gặp nhất trên người bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Viêm cầu thận: Chú ý chế độ ăn giảm chất đạm ở giai đoạn viêm, có thể 0.8g/kg/ ngày. Khi hồi phục đưa lượng đạm về giới hạn bình thường. Kết hợp với chế độ giảm muối ở mức độ vừa phải, điều chỉnh theo điện giải đồ.
Hội chứng thận hư không suy thận: Chế độ ăn cần tập trung tăng cường protein để bù đắp lượng thiếu hụt. Lượng đạm ăn vào có thể 1.2-1.4g/ kg/ ngày hoặc theo nhu cầu khuyến nghị cộng thêm lượng protein mất qua nước tiểu trong 24h. Giảm cholesterol và các chất béo từ động vật.
Suy thận: Lượng đạm ăn vào cần giảm theo mức độ suy thận; điều chỉnh lượng muối ăn dựa theo điện giải đồ. Trường hợp tăng kali máu chú ý điều chỉnh lượng rau quả. Khi Kali máu > 5.0 mmol/l cần ngừng ăn rau xanh, quả chín.
Viêm ruột trong lupus
Tùy tình trạng tổn thương để lựa chọn dạng chế biến và đường nuôi dưỡng phù hợp. Trường hợp tổn thương nặng gây các triệu chứng kém hấp thu, đi ngoài nhiều lần… cần kết hợp dinh dưỡng đường tiêu hóa với dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Chú ý bổ sung kẽm giúp làm lành niêm mạc đường ruột và một số thực phẩm, chế phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua, probiotic… Chế biến thực phẩm dạng mềm, lỏng, dễ hấp thu.
Cử nhân dinh dưỡng Đỗ Át K, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV Bạch Mai