Trào ngược dạ dày – thực quản là một bệnh lý phổ biến của đường tiêu hóa. Biểu hiện là các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, cảm giác nóng rát sau cương ức do acid dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản gây các biến chứng viêm loét thực quản, hẹp thực quản, ung thư thực quản, viêm đường hô hấp trên.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Sau đây là một số hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng giúp hỗ trợ điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Thực phẩm nên ăn
– Thực phẩm ít acid:
+ Trái cây ít acid: Như chuối, dưa gang, táo (không phải táo chua), và quả lê.
+ Rau xanh: Như cải xanh, súp lơ, cải bó xôi, giúp giảm lượng acid trong dạ dày.
– Thực phẩm giàu chất xơ:
+ Ngũ cốc nguyên hạt: Như yến mạch, gạo lứt, và bánh mì nguyên cám.
+ Rau củ và đậu: Như khoai lang, đậu xanh, và đậu lăng, giúp tiêu hóa tốt và giảm nguy cơ trào ngược.
– Protein từ nguồn ít béo:
+ Thịt nạc: Như gà không da, cá, và thịt lợn nạc.
+ Đậu hũ và các sản phẩm từ đậu nành.
+ Trứng trắng: Giàu protein, ít chất béo.
– Sữa ít béo hoặc không béo: Sữa ít béo hoặc không béo sẽ tốt hơn cho người bị trào ngược dạ dày.
Thực phẩm cần hạn chế
– Thực phẩm nhiều acid:
+ Trái cây và nước ép có nhiều acid: Như cam, chanh, cà chua, và các sản phẩm từ cà chua.
+ Đồ uống có ga và đồ uống chứa caffeine: Như cà phê, trà đen, nước ngọt có ga.
– Thực phẩm nhiều chất béo và dầu mỡ:
+ Thức ăn chiên rán: Như khoai tây chiên, gà rán, và các món chiên khác.
+ Thực phẩm nhiều mỡ: Như xúc xích, bơ, kem, và các loại thịt đỏ có nhiều mỡ.
– Gia vị cay và thực phẩm kích thích:
+ Ớt, tiêu, tỏi, hành: Những gia vị này có thể kích thích dạ dày và làm tăng triệu chứng trào ngược.
+ Socola: Chứa caffeine và có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới, gây trào ngược.
Thói quen ăn uống và lối sống
– Ăn thành nhiều bữa nhỏ: Thay vì ăn 3 bữa lớn, hãy chia thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày.
– Tránh ăn quá no hoặc ăn quá nhanh: Nhai kỹ và ăn chậm để dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
– Tránh nằm ngay sau khi ăn: Hãy đợi ít nhất 2-3 giờ sau bữa ăn trước khi nằm nghỉ.
– Nâng cao đầu giường khi ngủ: Giúp giảm hiện tượng trào ngược vào ban đêm.
– Tránh mặc quần áo chật: Vì quần áo chật có thể gây áp lực lên dạ dày.
Chế độ ăn uống phù hợp không chỉ giúp kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
BS Hồng Nam – Bệnh viện Nam Thăng Long