Sinh ra trong bối cảnh đất nước mất độc lập, nhân dân mất tự do, với tư duy độc lập sáng tạo, người thanh niên xứ Nghệ đã dành cả cuộc đời mình để tìm đường cứu nước, hoạt động, lãnh đạo cách mạng, cống hiến vì nền độc lập dân tộc, tự do – hạnh phúc Nhân dân.
Tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc
Với tư duy độc lập sáng tạo, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, tháng 6/1911, người thanh niên xứ Nghệ (Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) đã lên tầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Với hành trang giản dị, lòng yêu nước gắn liền với thương dân, chuyến đi không ồn ào, Người đã xin làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc Latouche – Tréville của hãng vận tải Hợp nhất lựa chọn hướng đi hoàn toàn mới – sang phương Tây tìm đường cứu nước cứu dân, với mục đích “xem xét họ làm ăn thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Tàu Đô đốc Latouche – Tréville của hãng vận tải Hợp nhất
Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đi khắp các châu lục, làm đủ mọi nghề, trực tiếp lao động và sinh hoạt với các tầng lớp nhân dân nghèo khổ ở các nước, Người đã thấu hiểu cuộc sống khốn khó và ước muốn của họ cũng giống như Nhân dân An Nam – đó là làm thế nào để giải phóng các tầng lớp nhân dân khỏi ách áp bức, bóc lột?
Người đã mất 10 năm (1911 – 1920) đến các nước, khảo sát các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới để tìm và lựa chọn con đường cách mạng phù hợp với Việt Nam, con đường đó phải hoàn toàn giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, hoàn toàn đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân như Người hằng “ham muốn”: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.”1
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité. Qua đó đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc – con đường cách mạng vô sản: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”2. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”3.
Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Việc tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước giải phóng dân tộc đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Nhưng làm sao để đưa con đường đó vào thực tiễn cách mạng là một vấn đế lớn và khó. Do vậy, 10 năm tiếp theo của hành trình tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã làm nốt những phần còn lại mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra: truyền bá lý luận cách mạng, mở lớp huấn luyện cán bộ, chuẩn bị các điều kiện thành lập tổ chức lãnh đạo cách mạng – Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (6/1 – 7/2/1930)
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, nhưng Nhân dân phải được giác ngộ, phải được tổ chức và được lãnh đạo bằng một đảng tiên phong với một đường lối chính trị đúng đắn thì mới trở thành lực lượng có sức mạnh to lớn. Bởi vì, cách mạng muốn thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”4. Xuất phát từ nhận thức vai trò quyết định của Đảng đối với thắng lợi của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1929, trước yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam, Người đã từ Xiêm đến Hương Cảng triệu tập Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hơn một tháng tiến hành (từ 6/1 – 7/2/1930), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo cách mạng, từ đó tạo tiền đề cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.
Lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân
Sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã từng bước được trang bị về lý luận cách mạng, xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, tiến hành tập dượt đấu tranh qua ba cuộc tổng diễn tập (phong trào cách mạng 1930 – 1931, phòng trào dân chủ 1936 – 1939, phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945 trực tiếp là cao trào kháng Nhật cứu nước). Giữa tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, kẻ thù duy nhất của cách mạng đã gục ngã, thời cơ cách mạng đã tới, dưới sự nhận định, lãnh đạo sáng suốt kịp thời của Đảng và Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã nhanh chóng vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong vòng 2 tuần cuối tháng 8/1945, toàn bộ chính quyền đã về tay Nhân dân ta. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu
Cách mạng tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa đế quốc trong hơn 80 năm, ách thống trị của phát xít Nhật 5 năm, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế suốt 1000 năm. Việt Nam từ xứ thuộc địa nửa phong kiến mất độc lập, trở thành nước độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời – Nhà nước cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, có quyền quyết định vận mệnh của mình; Đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do.
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Từ nhận thức đó, Người đã chủ trương phải xây dựng một nhà nước kiểu mới, nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Người chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”5. “Các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của Nhân dân, nghĩa là để gánh vác việc chung, chứ không phải để đè đầu Nhân dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp, Nhật”. Nhà nước Việt Nam mới, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật dân chủ chứ không phải theo ý muốn cá nhân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật cả về quyền lợi và nghĩa vụ; cán bộ công chức nhà nước phải là những người có phẩm chất đạo đức và năng lực “vừa hồng vừa chuyên”, phải gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954) và đế quốc Mĩ xâm lược (1954 – 1975) của dân tộc ta. Trong đó, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn. Cùng với Trung ương Đảng, Người đã hoạch định, tổ chức, lãnh đạo quân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Pháp và đường lối kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đó là đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, vừa kháng chiến vừa kiến quốc; Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vạch ra chiến lược đại đoàn kết toàn dân và chỉ đạo thực hiện chiến lược đó phát huy hiệu quả to lớn đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, Người đã có cống hiến lớn trong lĩnh vực vũ trang toàn dân, xây dựng các lực lượng vũ trang Nhân dân, quân đội Nhân dân và tiến hành chiến tranh Nhân dân. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm chiến tranh của nhiều nước trên thế giới, Người đã vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện của nước ta để xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân dựa trên sức mạnh của lực lượng chính trị quần chúng đề ra đường lối chiến tranh Nhân dân với nghệ thuật quân sự lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.
Trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh thời đại, đoàn kết quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa. Do vậy, từ rất sớm, Người đã khẳng định: “cách mạng Việt Nam là một bộ phận của các mạng vô sản thế giới”, “giúp bạn là tự giúp mình”. Trên cơ sở đó, Người đã không ngừng xây đắp tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, qua đó đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù xâm lược, tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân thế giới và nâng cao vị thế của dân tộc, đất nước Việt Nam.
Để lại di sản to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta một di sản vô cùng quý giá, đó là Tư tưởng, Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là tài sản tinh thần vô giá mà mọi thế hệ con người Việt Nam hôm nay và mai sau phải luôn ra sức học tập và làm theo, gìn giữ và phát huy, coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.
Cả cuộc đời 79 mùa xuân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách để mọi lớp người Việt Nam noi theo, làm theo. Đó là tư tưởng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Trung với nước, Hiếu với dân”, vì Độc lập, Tự do, vì chủ nghĩa xã hội với tinh thần “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, vì Hạnh phúc của Nhân dân nhằm thực hiện ham muốn tột bậc của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là đạo đức trong sáng, “dĩ công vi thượng”, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đạo đức trong sáng đó được thể hiện qua hành động cách mạng thực tế “nói đi đôi với làm”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không tham ô, tham nhũng, luôn kính trọng dân, gần dân, thương dân, tin dân, hy sinh vì dân với tinh thần: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Phong cách giản dị, chân thành, khiêm tốn, dân chủ và nêu gương của Người, lòng nhân ái bao la, vị tha đến mức quên mình, hy sinh, dâng hiến và hoá thân vào Dân, vào Nước của Người… thực sự đã trở thành một biểu tượng về văn hoá – đó là văn hoá Hồ Chí Minh – tiêu biểu, kết tinh văn hoá dân tộc và thời đại.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, từ năm 2006, Đảng ta đã có chủ trương mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Cho đến nay, “việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu văn hoá, thành giá trị trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng. Cái gì trở thành văn hoá, cái đó trở nên sâu sắc, lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Nhận thức đúng, hành động sáng tạo, văn hoá Hồ Chí Minh sẽ truyền dẫn nguồn xung lực quan trọng để chúng ta xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo động lực cho chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sáng tạo; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nắm bắt thời cơ, vận hội mới, vượt qua mọi thách thức, nguy cơ để xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”6.
Từ những cống hiến to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam và thế giới, có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể, ngày 9/9/1969 nhấn mạnh: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta và Nhân dân thế giới… Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 379
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 10 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 127
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.9, tr.314
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.2, tr.267-268
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.5, tr.698
- Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023”
- Điếu văn của BCH TW Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969
Thạc sỹ Vũ Văn Chương