Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổ biến, cho đến nay có hơn 380 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới, ước tính cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD, bệnh này là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên toàn cầu.
Bệnh COPD được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn lưu lượng khí thở do sự bất thường của đường thở và/hoặc phế nang, thường gây nên bởi sự phơi nhiễm đáng kể với các hạt bụi hoặc khí độc hại và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vật chủ bao gồm cả sự bất thường trong quá trình phát triển của phổi.
Ai có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh gồm yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào (gồm cả hút thụ động) có nguy cơ mắc COPD cao nhất, cao gấp 3,4 lần nhóm không hút thuốc đối với cả 2 giới (Theo nghiên cứu của PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự).
Một trong những yếu tố nguy cơ khác của COPD có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp, tỷ lệ mắc COPD có thể lên tới 15% ở những người tiếp xúc với nghề nghiệp và cao hơn nữa nữa có phối hợp hút thuốc lá. Các lĩnh vực nghề nghiệp như công nhân luyện kim, công nhân xây dựng, dệt may và các lĩnh vực tiếp xúc với hoá chất, thuốc trừ sâu ≥ 20 năm… có nguy cơ mắc COPD cao hơn những ngành nghề khác.
Khi nhận thấy triệu chứng ho, khó thở và khạc đờm kéo dài, nên đi khám sớm để đo chức năng hô hấp. Từ đó chẩn đoán xác định, đánh giá nguy cơ để được tư vấn điều trị duy trì chức năng phổi, không làm chức năng phổi suy giảm.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chữa khỏi được không?
Đây là một bệnh mạn tính, có thể điều trị được nhưng không thể khỏi hoàn toàn. Đa số các trường hợp tử vong do COPD đều xảy ra trong đợt cấp của bệnh.
Đợt cấp COPD là một biến cố cấp tính đặc trưng bởi sự xấu đi của các triệu chứng hô hấp vượt quá dao động bình thường hàng ngày dẫn tới việc thay đổi các biện pháp điều trị. Đợt cấp khiến người bệnh phải nhập viện điều trị, tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh COPD, tăng tốc độ suy giảm chức năng phổi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.
Chiến lược sống hòa bình với COPD
Đối với những người mắc COPD, việc thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số chiến lược giúp người bệnh chung sống hòa bình với COPD:
– Bỏ thuốc lá, thuốc lào: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây COPD và tăng nguy cơ gây ung thư phổi, các bệnh lý tim mạch. Bỏ thuốc lá, thuốc lào được coi là 1 biện pháp điều trị đơn giản và có hiệu quả nhất vì đã loại bỏ nguyên nhân chính gây bệnh. Bỏ hút thuốc không thể làm bệnh nhân khỏi bệnh nhưng sẽ làm tăng hiệu quả các thuốc điều trị, giảm triệu chứng, giảm được tần suất đợt cấp và làm bệnh giảm tiến triển.
– Tuân thủ sử dụng thuốc dự phòng: Sau khi điều trị ổn định đợt cấp của COPD, điều trị duy trì tại nhà đóng vai trò hết sức quan trọng. Đơn thuốc bác sĩ kê cho người bệnh gồm các loại thuốc uống hoặc thuốc hít, thuốc xịt. Các thuốc này bản chất là các thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài, có thể kết hợp với thành phần corticoid dạng phun hít hoặc không.
Người bệnh cần duy trì đều đặn và đúng thao tác sử dụng các thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất. Người bệnh nên thường xuyên đánh giá, trao đổi với bác sĩ về cách dùng đúng của các dụng cụ, những tác dụng phụ gặp phải và những khó khăn trong quá trình sử dụng các dụng cụ hít xịt, không tự ý thay đổi liều thuốc.
– Ăn uống khoa học lành mạnh: Dinh dưỡng là vấn đề rất được quan tâm với người bệnh mắc COPD. Hậu quả của suy dinh dưỡng ở người bệnh COPD là làm giảm tính đàn hồi của phổi và chức năng hô hấp; giảm khối lượng, giảm sức cơ của cơ hô hấp; thay đổi cơ chế miễn dịch tại phổi; dễ nhiễm trùng tại phổi.
Khoảng 25-40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Vì vậy, người bệnh COPD cần được bổ sung đầy đủ calo từ đạm, mỡ, chất đường bột nếu như không bị hạn chế do bệnh đồng mắc khác như suy thận, tăng huyết áp hay đái tháo đường. Tuy nhiên, ở người bệnh có tăng khí Carbonic (CO2) trong máu, không nên ăn quá nhiều chất đường bột vì các sản phẩn chuyển hóa của loại thức ăn này có thể làm tăng loại khí này trong máu.
Tăng cường ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin (đặc biệt vitamin E, vitamin C), khoáng chất từ rau củ quả đa màu sắc, đa chủng loại. Trường hợp người bệnh có khó thở thì nên chia nhỏ bữa ăn, tránh để dạ dày chèn ép cơ hoành. Những thực phẩm gây đầy bụng nên tránh như: bắp cải, bông cải (trắng, xanh), củ cải, dưa cải, cà muối, hành tây, dưa leo. Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng táo bón bằng việc ăn nhiều chất xơ, vì người bệnh phải rặn có thể khởi phát đợt cấp.
– Vận động: Người bệnh cần được tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, tập thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe, nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng các hoạt động thể chất bằng các biện pháp như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, tập thở cơ hoành.
Kỹ thuật thở hoành được thực hiện như sau:
Bước 1: Ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai.
Bước 2: Đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.
Bước 3: Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển.
Bước 4: Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.
Nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen. Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi, nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.
– Tiêm chủng: Tiêm phòng là biện pháp dự phòng quan trọng nhằm giảm nguy cơ mắc đợt cấp vì mắc cúm hoặc viêm đường hô hấp do phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây đợt cấp COPD. Vì vậy, người bệnh cần được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, vắc xin phòng phế cầu khuẩn 5 năm một lần.
– Giữ môi trường trong lành: Cần chú ý cải thiện môi trường sống, tránh để người bệnh tiếp xúc với khói bụi vì đây là một nguyên nhân gây đợt cấp, đặc biệt khi chuyển mùa, khi người bệnh tiếp xúc với khói bụi, sương mù kích thích trực tiếp đường hô hấp có thể dẫn đến đợt cấp của bệnh.
Để chung sống hoà bình với COPD người bệnh cần có lối sống lành mạnh, sự hỗ trợ từ gia đình và việc tuân thủ điều trị theo hướng dẫn. Việc hiểu rõ bệnh, biết cách chăm sóc bản thân, và duy trì tinh thần lạc quan chính là chìa khóa giúp người mắc COPD sống một cuộc sống chất lượng và ý nghĩa hơn.
BS. Nguyễn Mạnh Cường – Viện Điều trị cán bộ cao cấp Quân đội