Thân xác An rời Bệnh viện Bà Rịa về nhà hôm 2/12/2020, trong khi trái tim, thận và gan của anh được đưa đi ba miền đất nước ghép cho bốn người.
Anh An (tên đã thay đổi), 30 tuổi, không may chết não sau tai nạn giao thông tối 28/11/2020. Anh được duy trì sự sống mỏng manh bằng máy thở, thuốc vận mạch liều cao và các thiết bị hỗ trợ hồi sức tích cực. Mẹ anh, bà Lành (tên đã thay đổi), 63 tuổi, một cựu chiến binh, gục ngã khi bác sĩ thông báo con trai không thể cứu chữa.
Suốt bốn ngày đứng ngoài cửa phòng bệnh, biết sẽ không có phép màu nào có thể hồi sinh đứa con đang nằm mê man, người mẹ chợt nhớ đến ý nguyện của chính mình là sẽ hiến tạng khi qua đời. Bà bàn với các con nguyện vọng hiến tạng An, cứu những người khác. Các con bà đồng ý ngay. Họ có cùng suy nghĩ, nếu một phần cơ thể An còn hoạt động, dù ở bất kỳ nơi đâu, thì anh vẫn còn sống, còn hiện diện trên đời.
“Con mất. Chúng tôi đau đớn vô cùng. Nếu cứ như vậy đưa về chôn cất, con cũng sẽ tan vào hư vô, kết thúc một cuộc đời không ý nghĩa”, bà Lành nghẹn ngào, ngày 7/1, khi nhớ lại thời khắc quyết định ấy.
Nhớ lại lúc bà Lành tìm gặp để đề đạt nguyện vọng hiến tạng con, bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, cho biết ông rất xúc động và bất ngờ. Đây là trường hợp đầu tiên mà thân nhân người chết não chủ động liên hệ bệnh viện để xin hiến tạng.
“Tôi thực sự khâm phục sự hiểu biết, lòng dũng cảm và hy sinh của người mẹ. Bà khóc nhiều nhưng hành động rất dứt khoát, hỗ trợ bệnh viện tối đa trong các thủ tục cần sự đồng thuận của cả gia đình”, bác sĩ Hương nói.
Ngày 7/1, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (phải) và bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, trao tặng gia đình kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Ảnh: Thư Anh.
Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa nhanh chóng kết nối với bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiến hành các thủ tục y khoa và pháp lý, thông báo cả nước để nhanh chóng chọn người nhận tạng phù hợp, tổ chức nhận và chuyển tạng đi…
Đêm 31/11/2020, các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy gồm bác sĩ hồi sức cấp cứu, hồi sức ngoại thần kinh, điều phối viên, nhân viên xét nghiệm tới Bệnh viện Bà Rịa. Một lần nữa, các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, dùng mọi phương pháp điều trị tối ưu nhằm tìm kiếm cơ hội sống cho bệnh nhân. Mặc dù vậy, sau ba ngày hai đêm, các bác sĩ không thể giành lại được mạng sống bệnh nhân. Anh đã chết não.
Khi ấy, các chuyên gia điều phối hiến ghép tạng bắt đầu thảo luận với gia đình bà Lành về những thủ tục sẽ diễn ra. Khi gia đình ký hồ sơ cam kết, kế hoạch tiếp nhận và điều phối, vận chuyển tạng mới bắt đầu khởi động. Một mẫu máu của bệnh nhân được chuyển gấp về Chợ Rẫy, trải qua các xét nghiệm chẩn đoán chức năng các bộ phận cơ thể, cùng những xét nghiệm về miễn dịch để tuyển chọn người nhận tạng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bốn tạng gồm tim, gan và hai thận của chàng trai có thể hiến ghép cho người khác. Tuy nhiên do anh mang nhóm máu hiếm AB, tạng chỉ ghép được cho người cùng nhóm máu.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy thời điểm đó, chỉ có hai bệnh nhân đủ điều kiện nhận thận của An. Danh sách chờ ghép tim, gan không có ai nhóm máu AB. Cuối cùng, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tìm được một bệnh nhân ở Huế suy tim nặng có các chỉ số phù hợp để nhận tim, một bệnh nhân tại Hà Nội phù hợp nhận gan của An.
Trưa 2/12/2020, ba ê kíp bác sĩ từ TP HCM, Huế, Hà Nội cùng có mặt tại Bệnh viện Bà Rịa, thực hiện các phẫu thuật tiếp nhận tạng hiến phù hợp bệnh nhân ghép ở đơn vị mình.
Theo bác sĩ Thu, quá trình vận chuyển tạng đến các đơn vị nhận ở cả ba miền là thách thức lớn nhất khi điều phối tạng của An. Nguyên nhân là thời gian bảo quản tạng ngoài cơ thể rất ngắn, với gan là 12 giờ, thận 24 giờ. Trái tim chỉ có thể thiếu máu nóng tối đa 6 giờ. Trong khi đó, Vũng Tàu không có sân bay. Lộ trình duy nhất là đi đường bộ tới sân bay Tân Sơn Nhất ở TP HCM, từ đó lên máy bay về Huế và Hà Nội.
“Chúng tôi tính toán chặt chẽ từng phút, ép mình không được phép xảy ra sơ sót”, bác sĩ Thu nhớ lại.
Tiên đoán thời gian vận chuyển tạng có thể tắc đường, các bác sĩ liên hệ trước với lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM đề nghị điều tiết giao thông, hỗ trợ dẫn đường. Hãng hàng không Vietnam Airlines ưu tiên bỏ qua thủ tục check-in, để ê kíp bác sĩ đưa tạng lên máy bay đúng giờ.
Chiều 2/12/2020, trái tim anh An được đưa ra khỏi cơ thể đầu tiên, bảo quản trong thùng chuyên dụng và di chuyển ngay tới sân bay Tân Sơn Nhất để đi Huế. Lá gan đi chuyến xe tiếp theo, ra sân bay về Hà Nội. Cuối cùng là hai quả thận được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy cách Bà Rịa hơn 120 km. Các xe cứu thương chuyển tạng đều có xe cảnh sát hộ tống.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất, hai chuyến bay ngay khi tiếp nhận “hành khách” đặc biệt đã cất cánh. Trái tim của An được kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép cho nam bệnh nhân 34 tuổi. Lá gan được bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép cho một nam bệnh nhân.
Tất cả tạng đều về tới đơn vị nhận trong chuẩn “giờ vàng” và được ghép ngay. Có 4 cuộc đời đã được hồi sinh hôm ấy. Hiện, các bệnh nhân được ghép tạng của An đều đã ổn định sức khỏe, hồi phục tốt, xuất viện.
Anh An được gia đình và bệnh viện đưa về quê nhà an nghỉ. Đây cũng là chuyến đi cuối cùng của anh. (Nguồn vnexpress.net)
Thư Anh