Ngày 28/7, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nam (78 tuổi) có địa chỉ tại Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng được người nhà đưa đến viện trong tình trạng khó thở, mất ý thức, toàn thân tím lạnh, mạch không bắt được.
Kíp trực khẩn trương tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, soi thanh quản phát hiện dị vật là cục thạch đen kích thước 7x3cm mắc ở ngã ba hầu họng, tiến hành gắp bỏ dị vật và đặt ống nội khí quản. Sau xử trí người bệnh có mạch trở lại, tiếp tục được thở máy, duy trì vận mạch, theo dõi sát sao toàn trạng, hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu.
Các bác sỹ Khoa cấp cứu cho biết: Dị vật đường thở là tai nạn khá thường gặp và nguy hiểm có thể gây giảm hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Nếu không xử lý kịp thời, tình trạng này có thể để lại những hậu quả nặng nề suy hô hấp do tắc đường thở, tổn thương não dẫn đến tử vong. Đối với các trường hợp người bệnh có nguy cơ cao như: người cao tuổi, ý thức không tỉnh táo, người có những rối loạn phản xạ về nuốt do trước đó có tổn thương thần kinh trung ương… cần hết sức thận trọng trong quá trình ăn uống, tránh ăn những đồ ăn dễ gây sặc, hóc. Biến chứng dị vật đường thở sẽ tùy thuộc vào kết cấu, kích thước của dị vật. Với trường hợp bệnh nhân trên, đã cao tuổi có tiền sử tai biến mạch máu não khả năng nhai nuốt kém, khi ăn thạch mềm, trơn, dễ nuốt hoặc trôi khối thức ăn từ khoang miệng có kích thước lớn gây bít tắc hoàn toàn đường thở, là biến chứng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Thạch đen Cao Bằng
Để phòng tránh dị vật đường thở và các biến chứng nguy hiểm của bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện một số biện pháp sau đây:
Khi ăn tốt nhất nên chú ý ăn chậm, nhai kỹ và đặc biệt không cười đùa hay khóc khi ăn để tránh việc bị hóc dị vật như xương gà, xương cá,…
Nếu nhận thấy có dấu hiệu khó nuốt hay khó thở thì cần phải đến bệnh viện để điều kiểm tra xem nguyên nhân là gì, từ đó tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, áp xe, viêm phổi…
Nếu không may bị hóc dị vật, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời, không nên tự ý xử trí tại nhà;
Đối với những người bệnh bị rối loạn chức năng nhai, nuốt hay có tiền sử bệnh thần kinh, tâm thần, người giả, trẻ em nhỏ tuổi thì cần đặc biệt lưu ý phòng tránh các nguy cơ hóc dị vật, vì những đối tượng này có nguy cơ hóc dị vật cao hơn.
Nếu phát hiện trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc thì phụ huynh, cô giáo không nên hoảng hốt hay la hét trẻ vì có thể khiến cho trẻ giật mình và sợ hãi thì dễ bị hóc hơn. Lưu ý thêm là không nên cho trẻ cầm các vật hay đồ chơi đưa vào mồm ngậm và mút, đồng thời cũng không nên cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc.
Mạnh Hà