Bị khàn tiếng suốt 2 tháng, cụ ông Đ.Đ.H (81 tuổi) ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đi khám thì bất ngờ phát hiện có khối u ác tính vùng thanh quản, chưa di căn.
Cách đây 2 tháng, ông H có biểu hiện ho ít đờm, khàn tiếng. Nghĩ mình chỉ bị bệnh hô hấp thông thường nên ông đã không đi khám. Khi tình trạng kéo dài không giảm, ông H đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám thì bất ngờ phát hiện bị ung thư thanh quản. May mắn vì phát hiện khi bệnh đang ở giai đoạn sớm nên khả năng điều trị đạt hiệu cao.
Kết quả nội soi cho thấy dây thanh trái của bệnh nhân có khối sùi còn khu trú ở dây thanh. Bệnh nhân được chỉ định sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Kết quả cho thấy ông H mắc ung thư thanh quản giai đoạn sớm, chưa di căn.
Sau khi được hội chẩn bởi các bác sĩ hàng đầu chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ một bên dây thanh bằng dao laser.
Sau 30 phút mổ nội soi bằng dao laser, người bệnh đã dần phục hồi. Sau 3 ngày điều trị người bệnh đã ổn định và được ra viện.
Người bệnh ổn định sau phẫu thuật u thanh quản bằng dao laser
TS. BS Nguyễn Thế Đạt, Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng – Mắt – Răng hàm mặt, cho biết: “Ung thư thanh quản xếp thứ 4 trong các ung thư ở vùng tai mũi họng và đầu cổ. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì sẽ đạt hiệu quả chữa trị cao. Với thể trạng bệnh của ông H, vì phát hiện ở giai đoạn sớm, khi khối u còn khu trú ở một bên dây thanh nên việc cắt bỏ khối u kết hợp với phác đồ điều trị ung thư sẽ đạt được hiệu quả rất cao.”
Hiện nay, Bệnh viện Đđa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai phương pháp phẫu thuật nội soi cắt dây thanh bằng dao laser, giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa tổn thương thanh quản, thời gian phẫu thuật nhanh, mất máu ít và khả năng bảo tồn được giọng nói cao hơn nhiều so với các phương pháp phẫu thuật theo đường ngoài cổ thông thường”.
Việc thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý, tránh sử dụng rượu và thuốc lá là vô cùng cần thiết để giảm thiểu tối đa nguy cơ phát triển ung thư nói chung và ung thư thanh quản nói riêng. Đồng thời, cần bảo vệ giọng nói, không lạm dụng giọng nói làm tổn thương thanh quản và chủ động bảo vệ tai mũi họng luôn được khỏe mạnh.
Khi nào nên đi khám tầm soát ung thư thanh quản?
Ung thư thanh quản là bệnh lý ác tính, nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa, người dân nên duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và thực hiện tầm soát ung thư ít nhất 1 năm/lần.
Người bệnh cần đến các cơ sở uy tín kiểm tra ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường sau:
– Ho, khàn tiếng kéo dài.
– Bị khàn giọng ngay cả khi không mắc bệnh tai mũi họng.
– Hụt hơi, mất hơi và nhanh bị mệt khi nói.
– Luôn có cảm giác vướng, nghẹn ở vùng cổ.
– Có hiện tượng sụt cân nhanh.
Theo đó, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với những dấu hiệu như khàn tiếng kéo dài, ho, nuốt vướng, hạch cổ… Đặc biệt với những người có thói quen hút thuốc lá hoặc uống rượu là những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao. Khi có những dấu hiệu như trên, người dân cần đến khám tại các sơ sở y tế uy tín để được thăm khám, phát hiện bệnh kịp thời và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ