Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần quan tâm sức khỏe sinh sản, đi khám định kỳ và tuyệt đối không chủ quan khi có dấu hiệu đau bụng, chậm kinh,… tránh những biến chứng đáng tiếc nếu không được xử trí kịp thời.
Tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải với đủ loại triệu chứng của người bệnh khi nhập viện (đau ngực, đau bụng, khó thở, đột quỵ…). Bản lĩnh quan trọng của nhân viên y tế làm việc tại đây là nhận biết được trường hợp nào có nguy cơ cao, trường hợp nào phải ưu tiên xử trí kịp thời, giữa hàng trăm triệu chứng lâm sàng gần giống nhau của các bệnh cảnh. Ca lâm sàng dưới đây là 1 ví dụ:
Bệnh nhân (nữ, 38 tuổi) vào viện vì lý do đau bụng hạ vị và quanh rốn ngày thứ 2. Lúc vào viện bệnh nhân tỉnh, đau bụng nhiều (mức độ 8/10), điều dưỡng tiếp đón đo các dấu hiệu sinh tồn đều ổn định (mạch 84, huyết áp 120/80), tuy nhiên qua khai thác kỹ, chị cho biết có ra máu đen âm đạo trong 3 ngày nay. Điều dưỡng tiếp đón ngay lập tức báo cho bác sĩ cấp cứu dấu hiệu trên.
Ngay sau đó, bệnh nhân được sắp xếp vào khu vực nguy cơ cao với biển cảnh báo màu cam. Bác sĩ cấp cứu hỏi bệnh và thăm khám: thấy bệnh nhân đau bụng mức độ nhiều, kèm theo ra máu âm đạo, chậm kinh 8 ngày, bụng có dấu hiệu chướng và phản ứng thành bụng, nghi ngờ bụng ngoại khoa. Và phản xạ hàng đầu không bao giờ quên được là phải loại trừ chảy máu ổ bụng do chửa ngoài tử cung vỡ ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Song song với thăm khám lâm sàng, máy siêu âm tại giường đươc huy động để thực hiện thăm dò, thấy có dịch tự do ổ bụng, dịch khoang gan thận và dọc rãnh đại tràng, nghi ngờ khối cạnh tử cung trái. Ngay lập tức, quy trình được khởi động: Bệnh nhân được hoàn thành bilan phẫu thuật, xét nghiệm beta HCG, đặt hai đường truyền dịch lớn, monitor theo dõi sát huyết động, mời hội chẩn chuyên khoa Sản cấp tại giường. Các xét nghiệm cần thiết được thông báo cho khoa xét nghiệm chạy cấp. Bác sĩ chuyên khoa Sản có mặt giải thích tình trạng cho bệnh nhân và gia đình, song song với đó thì kết quả beta HCG được trả về là hơn 3000.
Chỉ sau khoảng hơn 30 phút, bệnh nhân đã được chuyển phòng mổ, lúc chuyển mổ HA 120/80, mạch 80 l/ph. Kết quả chẩn đoán trong phẫu thuật: Chửa ngoài tử cung trái, có 500 ml máu cục trong ổ bụng. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt khối chửa và vòi tử cung trái. Cuộc phẫu thuật hoàn toàn thuận lợi.
Đây là một trong những trường hợp lâm sàng vẫn thường gặp ở khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhưng cũng có vài điều nhỏ rút ra được như sau:
– Thứ nhất: Đau bụng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đừng bao giờ quên chửa ngoài tử cung – GEU. Và đôi khi, chửa ngoài tử cung vỡ lại thường gặp ở các phòng cấp cứu đa khoa hơn bởi vì bệnh nhân đơn giản vào viện do đau bụng.
– Thứ hai: Siêu âm tại giường dần trở thành phổ biến trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Đây là công cụ hỗ trợ tốt cho bác sĩ lâm sàng định hướng chẩn đoán trong những trường hợp sốc, đa chấn thương… Vì vậy bác sĩ hồi sức cấp cứu cần phải biết siêu âm, ít nhất là cơ bản.
Trên đây là một trường hợp được chẩn đoán nhanh chóng và chuyển phẫu thuật khi chưa có tình trạng sốc. Ở khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nữ vào viện trong tình trạng sốc mất máu vì chửa ngoài tử cung vỡ, và bệnh nhân ngay lập tức được đẩy thẳng phòng mổ chỉ sau một vài phút quét siêu âm tại giường.
Nhân trường hợp này, các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần quan tâm sức khỏe sinh sản, đi khám định kỳ và tuyệt đối không chủ quan khi có dấu hiệu đau bụng, chậm kinh,… tránh những biến chứng đáng tiếc nếu không được xử trí kịp thời.
ThS.BS Vũ Đình Hùng – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội