Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng, vì bệnh nhân phải đủ sức vượt qua được cuộc phẫu thuật do mất máu, dịch thể, stress… Để phẫu thuật đạt kết quả tốt, bệnh nhân cần được nuôi dưỡng tốt cả trước và sau phẫu thuật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ở những bệnh nhân nuôi dưỡng kém trước phẫu thuật có tỉ lệ nhiễm khuẩn tăng, tỉ lệ tử vong tăng và gặp nhiều biến chứng hơn so với những bệnh nhân đuợc nuôi dưỡng tốt.
Thế nào là một cuộc đại phẫu…
“Đại phẫu giống như chạy marathon bởi vì cơ thể phải gánh chịu rất nhiều áp lực và…..không một ai có thể tưởng tượng được rằng chạy marathon mà phải nhịn ăn hoặc uống trong đêm trước hoặc sáng của ngày hôm đó, nhưng chúng ta lại luôn luôn yêu cầu người bệnh làm điều này”. – GS Paul Wischmeyer, Giám đốc Viện Nghiên cứu lâm sàng Duke, Hoa Kỳ-DCRI
Tầm quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh phẫu thuật
Trong phẫu thuật, dinh dưỡng đóng vai trò quan trong, vì người bệnh phẫu thuật phải đủ sức vượt qua được cuộc phẫu thuật do mất máu, dịch thể, stress, … để phẫu thuật đạt kết quả tốt, người bệnh cần được nuôi dưỡng tốt trước, trong và sau phẫu thuật.
Dinh dưỡng trước phẫu thuật
– Nhiều Protein: đây là thời điểm quan trọng nhất, vì bệnh ngoại khoa thường làm cho cơ thể mất nhiều protein do chảy máu, tiết dịch, vết thương, do viêm, do bỏng nặng…
– Nhiều Glucid: cung cấp năng lượng và glucid còn làm cho gan tích trữ được nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng thuốc mê.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng tăng cường ít nhất 1 tuần đối với người bệnh bị suy dinh dưỡng.
Dinh dưỡng trong ngày phẫu thuật
– Trước phẫu thuật một ngày: nên ăn nhẹ, thức ăn mềm, ít chất xơ để giảm gánh cho bộ máy tiêu hoá. Bữa chiều ăn ít hơn bữa trưa.
– Sáng hôm sau người bệnh nhịn ăn, có thể uống nước trong (nước lọc, nước điện giải, hoặc nước đường) dừng uống 2h trước phẫu thuật.
– Uống 400mL-800mL dung dịch đường (Maltodextrin hoặc tương đương) 12,5% theo 2 cách:
+ Cách 1: uống trước 6h sáng nếu phẫu thuật trước 12h hoặc uống trước 10h30 nếu phẫu thuật chiều (sau 12h) hoặc uống trước 16h chiều nếu phẫu thuật tối (sau 18h).
+ Cách 2: uống hết đến 2h trước phẫu thuật
– Cách pha 200mL dung dịch đường 12,5%: 25g đường phức (Maltodextrin + 180mL nước ấm.
Dinh dưỡng sau phẫu thuật
– Với các phẫu thuật ngoài đường tiêu hoá: Có thể cho bệnh nhân ăn đường miệng sau khi hết tác dụng thuốc gây mê/tê và cho vận động sớm, hoặc nuôi dưỡng ống thông và/hoặc tĩnh mạch trường hợp bệnh nhân có suy dinh dưỡng trước phẫu thuật, tiên lượng nặng trong quá trình phẫu thuật
– Với phẫu thuật tiêu hóa giai đoạn khởi động ruột.
+ Ngày thứ 2-3 sau mổ, ăn đường miệng (Ăn lỏng: cháo, nước ép trái cây, sữa 50mL cách nhau 1-2h giờ, tăng dần theo đáp ứng)
Phẫu thuật tiêu hóa giai đoạn chuyển tiếp:
– Ngày thứ 3-5 sau mổ cho ăn đường tiêu hoá tăng dần và giảm dần dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch:
– Cháo (đủ thành phần đạm, bột đường, béo, rau/củ) đặc hơn, 100 – 200 mL/lần,
4- 6 bữa/ngày
– Xen kẽ là nước quả, sữa chua, sữa công thức.
– Có thể phối hợp dinh dưỡng tĩnh mạch nếu bệnh nhân có suy dinh dưỡng, ăn rất kém trước phẫu thuật.
Giai đoạn phục hồi: Giai đoạn này, cần một chế độ cao năng lượng và chất đạm để người bệnh phục hồi về dinh dưỡng và giúp vết thương mau liền. Protein (đạm) có thể đến 1,5-2,0g/kg/ngày. Năng lượng có thể tới 35-40kcal/kg/ngày. Tăng cường các vitamin và khoáng chất.
Một số trường hợp đặc biệt
– Bệnh nhân xuất huyết cần nhiều sắt.
– Bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, chấn thương, vết thương chảy dịch nhiều… cần nhiều protein.
– Bệnh nhân suy dinh dưỡng, ung thư … cần bổ sung dinh dưỡng tăng cường miễn dịch
– Bệnh nhân dùng nhiều kháng sinh cần bổ sung lợi khuẩn, vitamin…
Lan Anh