ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan
Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp – Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan – Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp – Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Vấn đề xương khớp thường gặp ở lứa tuổi học sinh?
Thưa BS, lứa tuổi học sinh có thời gian ngồi học rất dài, điều này có thể gây bất lợi gì cho sức khỏe xương khớp nói chung ạ?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Ở trẻ em bộ xương lúc này còn đang phát triển; nếu như trẻ ngồi tư thế không đúng mà các bậc phụ huynh không chú ý điều chỉnh; thì chính những thói quen xấu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lên bộ xương của trẻ đặc biệt là cột sống.
Cột sống chúng ta gồm 3 phần: cột sống cổ, cột sống ngực và cột sống lưng; ở cột sống cổ và cột sống lưng có một độ cong sinh lí giúp chịu được lực tải của cơ thể. Nếu tư thế ngồi không đúng, những lực tải bất thường này sẽ làm biến dạng cột sống từ đó xảy ra các tình trạng như: vẹo cột sống, gù cột sống.
2. Gù, vẹo cột sống ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Bạn hãy tưởng tượng cột sống giống như cột trụ của một ngôi nhà; nâng đỡ vào bảo vệ toàn bộ cơ quan bên trong.
– Cột sống ngực sẽ ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp; khi trẻ bị gù, vẹo đồng nghĩa với việc chức năng hô hấp không được bảo đảm.
– Ở vùng cột sống ngực và cột sống lưng nếu trẻ bị gù, vẹo sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Vì thế các bậc cha mẹ cần chú ý để bảo đảm làm sao hệ xương lúc nhỏ của trẻ được phát triển tốt nhất.
3. Tư thế ngồi học của trẻ thế nào là đúng chuẩn?
Riêng với tư thế ngồi học, thế nào là tư thế xấu, thế nào là tư thế chuẩn?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Cột sống của chúng ta với 2 độ cong ở vùng cổ và vùng thắt lưng chịu được toàn bộ lực tải của cơ thể. Khi tư thế ngồi của trẻ không chuẩn thì việc chịu lực sẽ thay đổi. Như thế nào sẽ là tư thế ngồi chuẩn?
– Giữ được ba độ cong sinh lí ở cổ, ngực, lưng.
– Dái tai, vai, xương chậu của bạn phải trên một đường thẳng.
– Ở phần dưới cơ thể chúng ta nên nhớ, khi trẻ ngồi đùi phải vuông góc với thân mình, đầu gối ngang với xương hông hoặc cao hơn một tí xíu. Cẳng chân gần như phải thẳng góc với vùng đùi.
– Tư thế tốt nhất: đầu gối phải cao hơn xương hông do đó cổ chân phải ra phía trước so với đầu gối. Khi ngồi nguyên cả phần mông của trẻ phải ở phía sâu trong ghế và lưng trẻ có thể tựa được vào sau phần ghế.
– Bàn chân phải được chạm dưới đất hoặc phải được trụ bởi một thanh đỡ ở phía dưới bàn; vì khi trụ như vậy mới đỡ bớt được lực tải của cơ thể lên trên vùng lưng.
Tư thế ngồi phân bố lực đều sẽ giúp cột sống được giữ thẳng ở độ cong sinh lí
Ở cánh tay của trẻ, tốt nhất cánh tay phải được đặt dọc theo thân hình; khi viết bàn tay và trục của cẳng tay phải được thẳng góc. Như vậy trẻ sẽ giữ được thẳng trục của cột sống không sợ bị gù, vẹo hoặc lệch trục trong tư thế ngồi.
Những tư thế rất hay gặp ở trẻ là ngồi chồm lên phía trước, nghiêng lưng qua phải hoặc qua trái, nếu ngồi lâu như vậy sẽ bị mất đi phân bố lực bình thường. Khi trẻ ngồi sai như vậy cột sống có thể sẽ bị vẹo qua phải, quẹo qua trái, những tư thế đó hoàn toàn phải tránh.
4. Trẻ dùng smartphone nhiều sẽ bị ảnh hưởng thế nào đến cột sống?
Trẻ dùng smartphone, ipad nhiều sẽ bị ảnh hưởng thế nào đến cột sống ạ?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Có lẽ ai cũng sẽ quen thuộc với hình ảnh trẻ sử dụng điện thoại, ipad bò lê trên sàn nhà, giường ngủ, ghế tựa,… đây là những tư thế xấu. Đây là vấn đề luôn được đề cập tới không chỉ ảnh hưởng trên hệ xương của trẻ mà còn ảnh hưởng đến nhiều yếu tố như mắt, não, và các bộ phận khác trên cơ thể. Vì thế phải hạn chế thời gian sử dụng và khi trẻ sử dụng các dụng cụ này cũng cần tuân thủ theo tư thế chuẩn.
Nếu như trẻ để điện thoại, ipad trên bàn thì phải ngồi đúng tư thế giống với tư thế ngồi học. Khi cầm điện thoại (smatphone) cũng cần ngồi thẳng không cúi quá sâu hoặc nghiêng qua phải, qua trái thì cũng sẽ ảnh hưởng đến trục của cột sống.
5. Cân nặng của ba lô, cặp sách đối với học sinh thế nào là phù hợp?
Theo BS, cân nặng của ba lô, cặp sách đối với các lứa tuổi: tiểu học, trung học như thế nào là phù hợp?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Người ta vẫn luôn khuyên rằng cân nặng 1 chiếc balo của trẻ càng được giảm tải càng tốt, cân nặng vác trên lưng của đứa trẻ phải luôn dưới 5 kg hoặc 3kg.
Tuy nhiên trên thực thế những trẻ phải học liên tục ở trường thì balo chứa rất nhiều thứ, bao gồm: thức ăn; tập, sách của các môn; thậm chí có những balo trẻ đeo lên đến gần 10kg. Khi trẻ phải đeo balo nặng như vậy đè trên lưng thì không hề tốt.
Gần như tất cả các khuyến cáo hiện nay không cho trẻ xách balo một phía, vì như vậy trục của cột sống sẽ bị lệch qua một bên, khiến trẻ bị gù, vẹo rất dễ dàng. Tốt nhất nên giảm tải balo của trẻ và đồng thời nên mang ở giữa lưng để giữ vững trục của cột sống.
6. Cách phát hiện sớm các tật gù lưng, vẹo cột sống ở trẻ?
Nhờ BS hướng dẫn các bậc cha mẹ các dấu hiệu để có thể phát hiện sớm các tật gù lưng, vẹo cột sống ở trẻ để kịp thời điều chỉnh?
ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan:
Để khám và phát hiện sớm tình trạng gù, vẹo cột sống không phải là điều dễ dàng, và nếu như bạn có thể nhìn thấy tình trạng này ở trẻ bằng mắt thường thì đã không còn sớm nữa. Trong những trường hợp này chúng ta phải cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của chẩn đoán hình ảnh cũng như bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, cha mẹ cần cố gắng quan sát để có thể phát hiện sớm nhất những biểu hiện báo hiệu trẻ sẽ bị gù, vẹo.
Để nhận biết trẻ bị gù, vẹo cột sống, cha mẹ có thể quan sát trẻ, tốt nhất là ở phía sau:
– 2 vai của trẻ phải ngang nhau, nếu thấy một bên cao, một bên thấp có thể là dấu hiệu vẹo cột sống
– Khi trẻ cởi áo ra tắm theo quan sát nếu thấy phần dưới của xương bả vai, 2 đầu xương bả vai không trên một đường thẳng (ngang nhau) mà bị lệch, có thể là dấu hiệu vẹo cột sống
– Eo của trẻ phải cân đối, trong trường hợp bị lệch qua một bên thì đó cũng chính là biểu hiện của vẹo cột sống.
– Chiều dài của bàn tay trẻ khi buông xuống nếu bình thường chiều dài của 2 bên phải ngang nhau, nếu một bên cao, một bên thấp thì đây cũng là biểu hiện của gù, vẹo cột sống.
Nếu nhìn ở phía trước:
– Lồng ngực của trẻ bị gồ ra phía trước hoặc sau lưng bị gồ ra phía sau quá nhiều thì đó là những biểu hiện của gù cột sống.
Tất cả những biểu hiện này nếu phát hiện cần đưa trẻ đi khám ngay ở các bệnh viện có chuyên khoa Cơ xương khớp hoặc Chấn thương chỉnh hình để được điều trị kịp thời.
Một vài bài tập giúp cải thiện cột sống lưng cho trẻ:
Các bài tập giúp cải thiện cột sống lưng cho trẻ do HLV Tăng Trúc Vân – Chủ nhiệm CLB Giáng Xuân (Nhà Văn hóa Lao động quận Tân Bình) hướng dẫn.
7. Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ sức khỏe xương khớp cho con?
Lời khuyên của BS dành cho các bậc cha mẹ để giúp trẻ bảo vệ sức khỏe xương khớp?
Gù vẹo cột sống sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ về sau bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến thẩm mĩ khiến trẻ không tự tin khi ra ngoài xã hội.
Để có thể tránh được tình trạng này chúng ta có các nguyên tắc sau giúp bộ xương trẻ phát triển toàn diện, bao gồm 3 yếu tố:
– Chế độ dinh dưỡng: phải đảm bảo đầy đủ chất đặc biệt là protein và canxi. Hai chất này đều có trong sữa vì thế trong giai đoạn từ lúc sanh đến giai đoạn trẻ học cấp 1, trung học nếu được nên duy trì cho trẻ uống sữa để đầy đủ protein và canxi.
– Giấc ngủ: Chúng ta nên nhớ chiều cao của trẻ phát triển nhiều nhất trong lúc đang ngủ. Ở trẻ em dưới bậc tiểu học phải bảo đảm ngủ ít nhất 8 – 10 giờ mỗi ngày. Lớn hơn thì trẻ có thể ngủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Bảo đảm giấc ngủ cho trẻ là góp phần cho sự phát triển của bộ xương một cách tốt nhất.
– Vận động: trẻ phải được vận động thường xuyên, tiêu biểu như ở các trường học trẻ thường được nghỉ giữa giờ hay sau mỗi tiết 45 phút sẽ giải lao để trẻ có cơ hội được thay đổi tư thế ngồi. Trong những giờ nghỉ giải lao (ra chơi) khuyến khích trẻ vận động tối đa có thể. Đồng thời ở nhà cũng phải chú ý cho trẻ hoạt động hết mức. (Nguồn alobacsi.com)
Thanh Quang – Hiền Thục