Bệnh nhân là chị Lê Thanh H (48 tuổi), ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội được chẩn đoán suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 năm nay. Tay phải của chị phải làm nhiều cầu nối động mạch và tĩnh mạch để lọc máu do các cầu nối này liên tục bị tắc.
Khoảng 2 tháng nay chị thấy toàn bộ tay bên phải xuất hiện phù to rất nhanh, các cầu nối không hoạt động được. Do chỉ phù to ở tay phải nên chị H đã đến nhiều cơ sở y tế điều trị nhưng chưa phát hiện ra bệnh. Bệnh nhân vào Khoa Can thiệp Tim mạch -Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Quân y 103.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sỹ đã phát hiện toàn bộ hệ thống tĩnh mạch tay phải giãn to và có tổn thương hẹp nặng tĩnh mạch chủ trên. Thông thường với các bệnh nhân bị hẹp tĩnh mach chủ trên như chị H thì triệu chứng sẽ biểu hiện là phù ở mặt, cổ, lồng ngực, phù cả 2 tay, cổ thường to bạnh, phù kiểu áo khoác. Tuy nhiên, do giải phẫu tĩnh mạch chi trên bên trái của chị H bất thường, không đổ trực tiếp vào tĩnh mạch chủ trên nên chị H chỉ biểu hiện phù ở tay bên phải. Do chị H có nhiều bệnh nền nặng nên các bác sỹ đã quyết định chọn phương pháp can thiệp nội mạch, nong bóng vị trí hẹp của tĩnh mạch chủ trên để giảm tối đa các nguy cơ tai biến, biến chứng có thể xảy ra.
Sau can thiệp tình trạng sức khỏe của chị H cải thiện nhanh chóng, đặc biệt là toàn bộ tay phải đã giảm phù rõ rệt sau 1 tuần điều trị. Hiện tại bệnh của chị H đã ổn định và đã được ra viện tiếp tục chạy thận nhân tạo ngoại trú.
Bình thường tĩnh mạch chủ trên nhận máu bởi 2 tĩnh mạch thân cánh tay đầu bên phải và bên trái. Tĩnh mạch chủ trên có vai trò đưa máu từ phần đầu, cổ, hai tay và ngực về tim. Khi có tình trạng hẹp hoặc tắc tĩnh mạch chủ trên bệnh nhân sẽ biểu hiện các triệu chứng của hội chứng tĩnh mạch chủ trên như: ho, khó thở, khó nói, khó nuốt kèm theo giãn các tĩnh mạch và phù nề ở cổ, mặt, ngực, 2 tay, nửa trên người. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt khi có bất thường giải phẫu của các tĩnh mạch đổ về tĩnh mạch chủ trên thì các triệu chứng sẽ biểu hiện kín đáo hơn, không điển hình dẫn tới việc chẩn đoán xác định bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bệnh lý hẹp, tắc tĩnh mạch chủ trên thường do các khối u chèn ép tĩnh mạch chủ trên từ bên ngoài vào, hiếm gặp hơn là các trường hợp lọc máu chu kỳ có cầu nối động tĩnh mạch dẫn tới tình trạng động mạch hóa tĩnh mạch, cục huyết khối làm hẹp, tắc tĩnh mạch chủ trên.
Phương pháp can thiệp nội mạch điều trị hẹp tĩnh mạch chủ trên bằng nong bóng hoặc kết hợp đặt giá đỡ tĩnh mạch có tỷ lệ thành công cao, ít xâm lấn, biến chứng thấp, thời gian nằm viện ngắn và có thể áp dụng trên các người bệnh lớn tuổi, nhiều bệnh nền phức tạp. Tuy nhiên, đối với người bệnh có giải phẫu hệ tĩnh mạch chi trên bất thường và có nhiều các cầu nối động – tĩnh mạch ở tay thì biểu hiện của hẹp, tắc tĩnh mạch chủ trên có thể không điển hình. Do đó, người bệnh vẫn cần được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời bởi các bác sỹ có kinh nghiệm với các phương tiện hiện đại.
Tài liệu tham khảo
1. Eldefrawy A., Arianayagam M., Kanagarajah P., Acosta K., & Manoharan M. (2011). ‘‘Anomalies of the inferior vena cava and renal veins and implications for renal surgery’’. Central European journal of urology, 64(1), 4.
2. Lok, Charmaine E., et al. (2020). ‘‘KDOQI clinical practice guideline for vascular access: 2019 update’’. American Journal of Kidney Diseases 75.4 : S1-S164.
3. Duque, Juan C., et al. (2017) ‘‘Dialysis arteriovenous fistula failure and angioplasty: intimal hyperplasia and other causes of access failure’’. American Journal of Kidney Diseases 69.1: 147-151.
Bác sĩ Hoàng Văn Quân – Khoa can thiệp Tim mạch – Bộ môn Trung tâm Tim mạch,
Bệnh viện Quân y 103