Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Đông (Hà Nội) đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp mắc thủy đậu, trong đó có cả người lớn và trẻ nhỏ.
Theo BSCKII. Trần Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, khoa đang điều trị nội trú và ngoại trú cho gần 10 bệnh nhân mắc thủy đậu. Nhiều trường hợp bệnh tưởng nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng.
Đơn cử là trường hợp bệnh nhân Đ.T.T.H. (trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) khi mắc thủy đậu bị sốt, đau đầu, đau họng và ngứa rát toàn thân. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, các nốt phỏng thủy đậu vẫn còn xuất hiện nhiều trên mặt và toàn thân.
Tại Khoa Nhi cũng đang điều trị cho một bệnh nhi 9 tháng tuổi, mắc bệnh nhưng chưa được tiêm phòng thủy đậu. Được biết, bệnh nhi vẫn còn xuất hiện nhiều nốt thủy đậu trên mặt, trên người và bị viêm phổi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường, bệnh nhân thường có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt phỏng nước (bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân).
BSCKII. Nguyễn Thùy Dương, Trưởng Khoa Nhi khuyến cáo: Để phòng chống bệnh thủy đậu, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà, tránh bệnh tiến triển nặng.
Thủy đậu không chỉ là bệnh ngoài da để lại sẹo, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai ảnh hưởng đến thính lực… Thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền mạn tính. Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng bệnh thủy đậu và tránh biến chứng hiệu quả nhất.
Mạnh Hà