Sau loạt bài về “Nhiều sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu hàng giả” mà Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng phản ánh. Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi hơn 400 sản phẩm, số phiếu công bố khống và yêu cầu các nhà máy rà soát tình hình sản xuất mỹ phẩm.
Những năm gần đây, tình trạng buôn bán hàng hóa mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo, kém chất lượng… diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để mời chào nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng cũng đã có rất nhiều bài viết cảnh báo người tiêu dùng về việc nhiều sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng, chứa chất cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu hàng giả. Đặc biệt, có nhiều hãng mỹ phẩm “làm số công bố khống” để sản xuất mỹ phẩm chui.
Trong tháng 5/2023, Sở Y tế Thành phố Hà Nội đã thành lập các Đoàn kiểm tra tiến hành rà soát các đơn vị, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Sau khi tiến hành rà soát, hậu kiểm, ngày 5/6, Sở Y tế Thành phố Hà Nội đã có công văn số 2793/QĐ- SYT quyết định về việc thu hồi hành loạt sản phẩm, số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không đủ điều kiện lưu hành thị trường.
Quyết định của Sở Y tế Thành phố Hà Nội về việc thu hồi số công bố các sản phẩm mỹ phẩm
Nội dung công văn nêu rõ:
Điều 1: Thu hồi 402 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm với lý do: Đơn vị sản xuất có văn bản báo cáo không sản xuất, ngừng ủy quyền công bố các sản phẩm và đề nghị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Hunel chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung báo cáo và thông báo cho các đơn vị được ủy quyền công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Điều 3: Các phòng, ban, Sở Y tế, Nghiệp vụ Dược, Quản lý hành nghề y dược tư nhân, thanh tra Sở, Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Hunel và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Tiếp nhận quyết định của Sở Y tế Thành phố Hà Nội, Phòng Y tế quận Thanh Xuân cũng đã ra Công văn số 83/PYT về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm các cơ sở y tế ngoài công lập, cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn quận biết, đồng thời yêu cầu các cơ sở khẩn trương tự rà soát, thu hồi, không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm trên.
Công văn của Phòng Y tế quận Thanh Xuân về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm
Một điều đáng lo ngại là mặc dù thông báo thu hồi được ban hành nhưng theo tìm hiểu của Phóng viên, đến nay có rất ít đơn vị, cơ sở thực thi nghiêm túc. Ngoài một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc theo quyết định của Sở Y tế Thành phố Hà Nội, thì vẫn còn tình trạng một số nhãn mỹ phẩm nằm trong danh sách bị thu hồi nhưng vẫn bán tràn lan trên thị trường, đơn cử như sản phẩm Tuyết Ngọc Nhan, Sun Cream thuộc thương hiệu Henny; Suns Creen thuộc thương hiệu Dr Halimia, các sản phẩm mang thương hiệu Mộc Nhan của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại mỹ phẩm Mộc Nhan, các sản phẩm mang thương hiệu Bicos của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Bicos Việt Nam, sản phẩm Collagen Night Cream, collagen Day Cream mang thương hiệu Nissa của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thảo Trang, các sản phẩm mang thương hiệu Hagarde của Công ty cổ phần mỹ phẩm thiên nhiên Mộc Hà… và còn rất nhiều sản phẩm khác nữa.
Nhiều sản phẩm mặc dù bị thu hồi số công bố nhưng vẫn bán tràn lan trên thị trường
Từ những tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng dường như văn bản yêu cầu thu hồi các sản mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng của Sở Y tế Thành phố Hà Nội đã bị các doanh nghiệp, công ty nhập khẩu, phân phối, sản xuất “coi như không có giá trị”?
Bởi lẽ, dù đã hết thời hạn lưu hành trên thị trường của những sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chỉ tiêu chất lượng này từ ngày 5/6. Nhưng đến nay, dường như các doanh nghiệp, công ty phân phối những sản phẩm này chưa có động thái thu hồi sản phẩm khi chúng vẫn được bày bán tràn lan từ những cửa hàng mỹ phẩm, các trang mạng xã hội, đại lý mỹ phẩm đến các siêu thị lớn.
Từ việc văn bản số 2793/QĐ- SYT nhưng doanh nghiệp cố tình “chây ỳ” việc thu hồi sản phẩm, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đề nghị các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm này. Tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, để doanh nghiệp công khai vi phạm luật, còn sức khỏe của người dân thì bị đe dọa…
Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này đến bạn đọc!
PV