Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (25/12/2008 – 25/12/2023), sáng ngày 15/12/2023, tại Tòa nhà Hương Anh Group (Hà Nội), Hội đã tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề hoạt động đào tạo huấn luyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐ). Các Phó Chủ tịch: TS. Lê Đình Tiến, PGS.TS.BS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh. Cùng các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, đơn vị doanh nghiệp là thành viên của Hội.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cho biết: “Buổi tọa đàm hôm nay hết sức có ý nghĩa, quy tụ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, trong đó có thể chất, vận động dưỡng sinh, dinh dưỡng dưỡng sinh, tâm lý dưỡng sinh, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên,… Điều đó cũng nói rằng, hoạt động của Hội lâu nay tiến hành rất phong phú, sâu rộng”.
Có thể nói rằng, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam tiến hành hoạt động giáo dục, truyền thông về sức khỏe cộng đồng sâu rộng về nội dung, phong phú về hình thức. Hoạt động của Hội đang đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước, trong phạm vi vừa là dự phòng, vừa là then chốt, vừa là nền tảng.
Ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam tại buổi tọa đàm
Tại tọa đàm này, ông Nguyễn Hồng Quân cũng mong muốn rằng, mỗi cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động CSSKCĐ trong suốt thời gian qua sẽ tự nhìn nhận, xem xét, mỗi người nói ra quan điểm, kinh nghiệm, cách làm, đưa ra những đánh giá khách quan. Hội sẽ lắng nghe các ý kiến, cùng nhau chia sẻ để những hoạt động của Hội có thể làm tốt hơn, lan tỏa rộng hơn.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS.BS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam bày tỏ: “Trong 3 nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã có rất nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng và Nhà nước thừa nhận, đã đóng góp vào việc nối dài công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong cả nước.
PGS.TS.BS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu tạo buổi tọa đàm
Cùng với ngành y tế, Hội đóng góp 1 phần rất quan trọng, đó là nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, những phương pháp để cộng đồng chủ động bảo vệ mình, bảo vệ những người thân yêu, cũng như cuộc sống xã hội. 15 năm qua, các đơn vị của Hội đã làm được rất nhiều việc, trong đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đóng vai trò quan trọng, quyết định. Bởi vì nếu không có hoạt động này thì chúng ta không thể trang bị cho các thành viên của các đơn vị, các chuyên gia, các kỹ thuật viên, các truyền thông viên,… nắm được, quán triệt được những phương hướng, phương châm về phòng bệnh của Đảng và Nhà nước, nắm được chủ trương của Hội và biết được những mục tiêu của từng đơn vị để chúng ta thực hiện truyền thông đến cộng đồng. Chính vì thế, vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe hết sức quan trọng. Nó làm cho cộng đồng của chúng ta từ chỗ không biết, chưa biết và biết nhưng chưa tin cậy cho đến biết, thực hiện và thành thói quen”.
Cũng theo PGS.TS.BS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh, để làm được những điều trên, cần phải có 1 đội ngũ trung gian đó là các chuyên gia, nhà truyền thông, cán bộ, nhân viên trong từng đơn vị. Trong 15 năm qua, từng đơn vị đã có rất nhiều sáng tạo, nhiều việc làm hay, kinh nghiệm tốt, nhưng họ chưa có cơ hội để tập hợp tất cả kinh nghiệm đó, để lắng nghe, chia sẻ, học tập, trao đổi, tiếp nhận cái hay, thực hiện cái đúng và giảm đi những khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động giáo dục truyền thông SKCĐ.
Vì vậy, PGS.TS.BS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh mong muốn và hy vọng, trong buổi tọa đàm này, tất các thành viên sẽ cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong các đơn vị để thấy được những thành quả của hoạt động GDCSSKCĐ trong thời gian vừa qua như thế nào? Cùng nhau chia sẻ để thấy được hoạt động đào tạo, huấn luyện mà bấy lâu nay các đơn vị đã và đang làm ra sao? Từ đó, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích để từng đơn vị, mỗi cá nhân, các nhà lãnh đạo của các tổ chức, cũng như Hội có được bài học, thống nhất được sự chỉ đạo từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở để Hội tiếp tục làm tốt theo Nghị quyết số 20-NQ/TW là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
“Chúng tôi hy vọng, các đơn vị thông qua buổi tọa đàm sẽ nói lên được những khó khăn, những thuận lợi, những điều làm cho hoạt động của mình đang ngày một phát triển tốt lên và những điều đang làm cản trở cho sự phát triển nói chung trong hoạt động của đơn vị mình và trong hoạt động giáo dục và đào tạo”, PGS.TS.BS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Diễm Hương, Phó Trưởng Ban truyền thông và Giáo dục (Hội GDCSSKCĐ Việt Nam), Giám đốc Trung tâm Hương Anh Fitness & Yoga chia sẻ tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Diễm Hương, Phó trưởng Ban truyền thông và Giáo dục (Hội GDCSSKCĐ Việt Nam), Giám đốc Trung tâm Hương Anh Fitness & Yoga cho hay: Hương Anh Fitness & Yoga là đơn vị tiên phong tổ chức những sự kiện yoga có tiếng vang lớn trong cộng đồng như Festival yoga mùa đông, Festival yoga mùa hè, Yoga Fitness zumba dance,… quy tụ những master yoga nổi tiếng Quốc tế và Việt Nam. Hương Anh cũng là đơn vị luôn đồng hành cho các phongh trào thể dục thể thao của Việt Nam, của Ủy ban Olympic Việt Nam, phong trào giải thi của Liên đoàn yoga Việt Nam tổ chức. Đào tạo ra những vận động viên yoga quốc gia, những huấn luyện viên yoga quốc tế, góp phần tạo ra nguồn nhân tài cho đất nước, cải thiện sức khỏe cho cộng đồng Việt Nam.
Để làm được những điều này, Hương Anh cũng có những thế mạnh nhất định, đó là cơ sở vật chất và trang thiết bị; đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao; đầu tư cho truyền thông, quảng cáo;… Tuy nhiên, Hương Anh vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, dù tập luyện yoga và gym rất tốt những nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa ý thức được việc phải chăm sóc sức khỏe và rèn luyện mỗi ngày. Việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc sức khỏe chủ động cần rất nhiều thời gian và công sức. Hương Anh luôn xem trọng việc đảm bảo chất lượng giảng dạy và đào tạo. Hương Anh không bán thương hiệu như các trung tâm khác đang làm. Chính vì vậy, nhiều học viên ở xa muốn đi học ở Hương Anh cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Trần Thị Diễm Hương, bộ môn yoga là bộ môn rất tuyệt vời cho sức khỏe của con người, giúp cân bằng Thân – Tâm – Khí, giúp con người sống hòa hợp và yêu thương. Bộ môn này cần được phổ biến và lan tỏa rộng rãi cho cộng đồng người dân Việt Nam được biết là học tập. Trung tâm Hương Anh rất mong Hội GDCSSKCĐ Việt Nam hỗ trợ kết nối và đưa ra sự tư vấn làm cách nào để yoga được vào là một học phần chính quy dạy trong các trường từ mầm non, tiểu học, trung học, Đại học, Cao đẳng,… Hỗ trợ Hương Anh kết nối với các thành viên hội viên trong Hội để được lan tỏa yoga sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn. Tin chắc rằng, bộ môn này sẽ giúp cải thiện sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam, giúp mọi người khỏe mạnh và hạnh phúc.
TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Chủ tịch HĐQL Trung tâm GDCSSKCĐ Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm
Đi sâu vào các hoạt động đào tạo huấn luyện, TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Chủ tịch HĐQL Trung tâm GDCSSKCĐ Hà Nội nêu lên những hoạt động nổi bật của Trung tâm trong thời gian qua, tập trung vào: Tuyên truyền giáo dục kiến thức về CSSKCĐ; Kỹ năng lãnh đạo và quản lý đổi mới, phát triển tổ chức khoa học công nghệ; Triển khai hoạt động cơ sở CSSK không xâm lấn bằng Y học cổ truyền; Huấn luyện các phương pháp triển khai các hoạt động thiện nguyện tại cộng đồng; Tổ chức các hội thảo về GDCSSK tại các doanh nghiệp theo các chủ đề bệnh lý; Đào tạo nhân lực CSSK; Đào tạo phương pháp xây dựng dự án KHCN trong CSSK;…
Hoạt động của Trung tâm cũng gặp những thuận lợi như kết nối được với nhiều đơn vị, cá nhân có nhu cầu; nhận thức về CSSK của người dân có sự thay đổi rõ rệt sau COVID-19. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn còn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và gặp phải vấn đề suy thoái kinh tế hậu COVID-19. Do đó, tại buổi tọa đàm này, TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía Hội GDCSSKCĐ Việt Nam trong việc tổ chức và truyền thông.
Tiếp nối buổi tọa đàm, là các báo cáo về: Mô hình CSSK Người cao tuổi tại cộng đồng của Công ty cổ phần đầu tư SKCĐ HBL. Hoạt động đào tạo huấn luyện của Trung tâm đào tạo và CSSKCĐ VMC Việt Nam; Tràm Viên Minh; Thực dưỡng Khai Minh;…
Sau khi lắng nghe các báo cáo cùng những kiến nghị của các đơn vị, TS. Lê Đình Tiến, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam chia sẻ: “Muốn chăm sóc tốt sức khỏe của chính chúng ta thì công tác giáo dục đào tạo phải đặt lên hàng đầu và rất quan trọng, bởi vì nó làm thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng. Từ thay đổi nhận thức của mọi người thì mới có được hành động và thực hành đúng, mới đảm bảo được là chúng ta làm tốt công tác GDCSSKCĐ. Qua buổi trình bày hôm nay, tôi thấy rất đa dạng, phong phú và tương đối đầy đủ, từ những đơn vị chuyên làm công tác đào tạo; đến những đơn vị vừa làm công tác đào tạo giáo dục nhưng có kết hợp hướng dẫn người bệnh chăm sóc sức khỏe của mình; còn có những đơn vị vừa kết hợp tuyên truyền, giáo dục và sản xuất ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe của cộng đồng, sản phẩm thực dưỡng,… Tất cả những cái đó đều quan trọng đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tôi cho rằng, tất cả những điều này đều nằm trong lĩnh vực hoạt động của Hội. Các đơn vị đều có kinh nghiệm và làm rất tốt. Sau buổi hôm nay, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học sẽ có nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể đưa ra được những định hướng, giải pháp giúp chúng ta làm tốt hơn trong công tác đào tạo và giáo dục. Đồng thời, cũng tăng cường sự nghiệp GDCSSKCĐ”.
TS. Lê Đình Tiến, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu sau khi nghe các báo cáo
Qua đây, TS. Lê Đình Tiến mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những buổi tọa đàm, chia sẻ cùng nhau. Hiện nay, Hội đã phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ CSSKCĐ và chương trình này sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và cung cấp các dịch vụ về CSSKCĐ, làm sao đáp ứng được chất lượng ngày càng cao, nhưng đồng thời, cũng phải đáp ứng được những quy định của nhà nước, để người dân yên tâm hơn. Thực tiễn cho thấy, thị trường quá đa dạng, xen kẽ, người dân không biết tin tưởng vào đâu, nếu Hội lựa chọn được những sản phẩm tốt của hội viên và có chứng nhận cho những sản phẩm tốt đó và thẩm định được tính an toàn của sản phẩm thì Hội có thể giới thiệu ra cộng đồng để người dân được hưởng lợi.
TS. Lê Đình Tiến cũng hy vọng rằng, các thành viên của Hội GDCSSKCĐ Việt Nam sẽ luôn luôn phát huy năng lượng, tâm huyết, có cái tâm của người làm nghề y để mỗi cá nhân, tổ chức phát triển một cách tốt đẹp nhất. Đây cũng là cách giúp cho Hội cùng phát triển, đóng góp cho sự nghiệp GDCSSKCĐ, sự nghiệp to lớn của Đảng và nhà nước.
Có thể thấy, buổi “Tọa đàm hoạt động đào tạo huấn luyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng” đã đào sâu vào các vấn đề sức khỏe đang rất được quan tâm hiện nay. Đồng thời, phát huy được tiềm năng CSSK của những sản phẩm được dày công nghiên cứu, những mô hình hữu ích cho cộng đồng. Hy vọng, sau buổi tọa đàm, các cá nhân, đơn vị thành viên đều giải quyết được những vấn đề mà đơn vị mình gặp phải, đồng thời đưa ra các phương án tối ưu để sản phẩm ngày càng phát triển, nhân rộng ra cộng đồng, đảm bảo tính an toàn, giúp ích cho sức khỏe mỗi người dân.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các khách mời đã tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nghiên cứu của các đơn vị:
Đại biểu cùng các khách mời chụp ảnh kỉ niệm sau tọa đàm
Thu Trang