Tới dự có PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, GS.TS Lê Đức Hinh – Nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam, PGS.TS Phan Việt Nga – Chủ tịch Hội Chống Động kinh Việt Nam, Ban Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai. Đặc biệt, Hội nghị quy tụ các báo cáo viên là giáo sư, nhà khoa học, tiến sĩ, bác sĩ – những chuyên gia đầu ngành đến từ Hội Đột quỵ Việt Nam, Hội Đột quỵ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các Trường Đại học, Bệnh viện lớn trong nước và quốc tế cùng gần 2.000 hội thảo viên tham dự trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom.
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS. TS Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Đột quỵ là một chuyên ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn nhất của y học lâm sàng. Đột quỵ luôn phải chạy đua với thời gian, giờ vàng để tìm kiếm cơ hội sống cho người bệnh. Người cán bộ trong lĩnh vực này phải không ngừng nghiên cứu khoa học, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và có mô hình tổ chức hiệu quả”. PGS. TS Nguyễn Tuấn Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Sự ra đời của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Đột quỵ và bệnh lý mạch máu não tại Trường ĐH Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội, Hội Đột quỵ TP Hà Nội được thành lập đã khẳng định quyết tâm phát triển hệ thống chuyên sâu về đột quỵ”.
Tiếp nối thành công từ Hội nghị năm 2022 tập trung bàn về những thách thức và cơ hội trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh đột quỵ thì hội nghị lần này có cách tiếp cận sâu rộng đa chuyên ngành với gần 40 tham luận khoa học cập nhật mới nhất về dự phòng, chẩn đoán, điều trị, can thiệp, phục hồi mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, với những ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị đột quỵ, xây dựng mạng lưới kết nối các chuyên ngành để tối ưu hóa điều trị đột quỵ.
Chiều ngày 27 tháng 10, Hội nghị dành riêng 2 phiên hội thảo cho các vấn đề điều dưỡng và phục hồi chức năng với bệnh nhân đột quỵ, thu hút sự quan tâm lớn, có gần 400 hội thảo viên tham dự thực tế và 500 người theo dõi qua zoom, cùng những thảo luận hết sức sôi nổi. Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế lâu dài ở người trưởng thành. Tuy vậy, sau quá trình điều trị tích cực thì chăm sóc và phục hồi chức năng đúng cách và hiệu quả sẽ đem kết quả hồi phục khả quan cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và người bệnh có thể hoàn toàn trở lại cuộc sống như người bình thường. 6 báo cáo đã cập nhật những phương pháp mới trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, với sự kết hợp khoa học giữa chăm sóc toàn diện của điều dưỡng trong suốt quá trình điều trị và đánh thức khả năng phục hồi của não với nhiều quy trình của y học hiện đại.
Đột quỵ là một tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp xảy ra khi một phần não bị thiếu máu hoặc chảy máu, dẫn đến tổn thương nhanh chóng các tế bào thần kinh và mất chức năng của não. Đột quỵ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh và gia đình như: Liệt, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, hôn mê và tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới, chiếm 11% tổng số ca tử vong hàng năm. Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau tim mạch và ung thư, chiếm gần 20% tỷ lệ tử vong.
Các phiên hội thảo trong ngày 28/10 với nhiều chủ đề khoa học sâu sắc, hữu ích cập nhật về chuyên môn liên quan tới Đột quỵ, bệnh lý mạch máu não với những tiếp cận từ nhiều góc độ, nhiều chuyên ngành, phối kết hợp các chuyên khoa trong suốt quá trình chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, hồi sức tích cực, chăm sóc, phục hồi chức năng, quản lý và dự phòng bệnh tiên phát và tái phát với mục đích tạo cơ hội tối ưu cho người bệnh khi đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế, góp phần xây dựng hệ thống điều trị đột quỵ Việt Nam có vị thế cao trên bản đồ đột quỵ thế giới.
Đây cũng là hội nghị quốc tế đầu tiên từ sau khi thành lập Hội Đột quỵ TP Hà Nội, cũng là dịp để Ban Chấp hành ra mắt trước các hội viên, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế trên tinh thần phụng sự sứ mệnh Vì người bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời, hội nghị cũng là dịp Trung tâm Đột quỵ- Bệnh viện Bạch Mai đạt được chứng nhận kim cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới.
Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2023 thành công, là một bước thúc đẩy tiến trình phát triển của chuyên ngành đột quỵ Việt Nam trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm đang là một trong những nguy cơ lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Theo Bệnh việ Bạch Mai