Trong các ngày 1/12 – 2/12/2023, tại TPHCM, Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam (VNAGE) tổ chức Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29. Đây là lần thứ 3 hội nghị được tổ chức tại TPHCM, quy tụ khoảng 1.200 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa – gan mật trong nước và quốc tế về tham dự.
Trung tướng, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng – Chủ tịch VNAGE phát biểu khai mạc Hội nghị
5 loại ung thư tỷ lệ mắc nhiều tại Việt Nam có 3 loại liên quan đến tiêu hoá
Thông tin được Trung tướng, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị: Trong số 5 loại ung thư có số ca mắc mới cao nhất ở nước ta hiện nay có 3 loại thuộc cơ quan tiêu hóa là gan, dạ dày, đại trực tràng, còn lại là phổi và vú.
Trong đó, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, trở thành bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.000, cướp đi sinh mạng hơn 25.000 người.
Ung thư dạ dày đứng thứ 4 với khoảng gần 18.000 ca mắc mới, gần 15.000 người tử vong. Ung thư đại trực tràng mỗi năm ghi nhận gần 16.000 người mắc và hơn 8.000 người chết vì căn bệnh này.
Nguyên nhân khiến các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa tăng là do gene di truyền, tuổi tác, môi trường, chế độ ăn, bia rượu… Trong số nhóm ung thư tiêu hóa, ung thư gan – mật – tụy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Và ung thư tiêu hoá đang có xu thế trẻ hoá.
Người đứng đầu Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam cho rằng những con số này đòi hỏi cần đầu tư nghiên cứu về bệnh đường tiêu hóa để góp phần chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả, giảm gánh nặng bệnh tật.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên động viên BTC Hội nghị
Ung thư đường tiêu hóa thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng mờ nhạt, mơ hồ, không điển hình như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi… nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. Hiện nay, với công nghệ nội soi, các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại, ung thư đường tiêu hóa có thể phát hiện, chữa khỏi ở giai đoạn sớm.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư đường tiêu hóa như gene di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống, chế độ ăn uống… Trong đó, thói quen gây bệnh hàng đầu là uống rượu thường xuyên gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ít rau, ăn thực phẩm muối mặn lâu ngày như cà, dưa muối, ăn thực phẩm cháy sém, thịt nướng, đồ ăn quá nóng hay quá lạnh…
Mọi người nên khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao hoặc có các triệu chứng đường tiêu hóa. Người có nguy cơ cao mắc ung thư tiêu hóa là trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người thân bị ung đường tiêu hóa, tiền sử viêm dạ dày, từng phát hiện có khuẩn HP, đại tiện ra máu… Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, không chủ quan.
Bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dầu mỡ và thịt đỏ, hạn chế thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói, nấm mốc và các chất độc hại khác. Không dùng các thực phẩm nghi ngờ bị hỏng hoặc bảo quản quá lâu ngày. Thận trọng khi dùng các sản phẩm nhựa để đựng, che phủ thức ăn; đặc biệt là dùng sản phẩm nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.
Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa bia rượu. Bổ sung nhiều rau quả, thực phẩm giàu chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa như trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, rau xanh, cà tím… Nên nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, tránh căng thẳng, stress kéo dài. Cần duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh các mối nguy hiểm môi trường, tránh hóa chất…
Hội nghị quy tụ khoảng 1.200 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa – gan mật về tham dự
10 chuyên đề với 72 bài báo cáo, bao quát các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiêu hóa
Hội nghị năm nay Ban tổ chức đã nhận hàng trăm báo cáo, sau khi thảo luận, bàn bạc và thống nhất đã lựa chọn 72 báo cáo khoa học của các chuyên gia đầu ngành, giáo sư, y bác sĩ trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia có nền y học phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ và 65 báo cáo viên đến từ các bệnh viện trên toàn quốc. Các báo cáo này sẽ trình bày trong 10 chuyên đề, trong đó 4 chuyên đề về đào tạo liên tục. Việc đào tạo liên tục (CME) là một việc quan trọng và được Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam duy trì đều đặn từ năm 2020 đến nay và được nhiều bác sĩ quan tâm.
PGS.TS Vũ Văn Khiên – Tổng Thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam thông tin: “Hội nghị có 3 báo cáo viên đến từ Nhật Bản là những chuyên gia về tiêu hóa – gan mật, đặc biệt là bệnh lý ung dạ dày, ung thư đại tràng. Các chuyên gia đến từ Singapore báo cáo chuyên đề về bệnh lý ruột mãn tính (IBD). Ngoài ra, chuyên gia quốc tế còn báo cáo về một tình trạng đang có xu hướng gia tăng tại châu Á, trong đó có Việt Nam, đó là béo phì”.
Đề cập đến những điểm mới của hội nghị năm 2023, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết thêm: “Một là lĩnh vực đường tiêu hóa, đề cập đến các vấn đề phát hiện, sàng lọc các bệnh lý đường tiêu hóa trên, đặc biệt là ung thư như ung thư dạ dày, ung thư thực quản và việc ứng dụng các kỹ thuật nhằm phát hiện các ung thư đường tiêu hóa dưới.
Hai là về bệnh lý gan mật, điểm nhấn là các báo cáo sử dụng các kỹ thuật mới như siêu âm nội soi, kỹ thuật nội soi phóng đại màu hoặc sử dụng công nghệ AI nhằm phát hiện sớm các tổn thương. Bên cạnh đó, có một số bài trình bày về các tác nhân, yếu tố nguy cơ dễ đưa đến hình thành các bệnh lý về dạ dày, đại tràng, cũng như ung thư dạ dày”.
Hội nghị vinh danh 5 nhà khoa học tiêu biểu năm 2023
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và thực hành lâm sàng trong lĩnh vực tiêu hóa được đề cập, Hội nghị khoa học lần này còn giới thiệu Bản đồng thuận (bản cập nhật mới nhất 2022) về chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng. Đây là một rối loạn mạn tính của đường tiêu hóa trên không do bất kỳ tổn thương thực thể nào gây nên, với tỷ lệ mắc vào khoảng 20% trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, theo GS.TS Mai Hồng Bàng, trong thực hành lâm sàng, các thầy thuốc lĩnh vực tiêu hóa còn nhiều băn khoăn trong chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng do chưa có tài liệu hướng dẫn chính thức. Vì vậy, VNAGE đã xây dựng Bản đồng thuận về chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng lần thứ nhất năm 2022.
“Bản đồng thuận gồm 14 khuyến cáo về 2 lĩnh vực: Chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán; điều trị khó tiêu chức năng. Tôi trân trọng giới thiệu đến quý đồng nghiệp Bản đồng thuận lần thứ nhất này và rất mong tài liệu sẽ giúp ích trong công tác thực hành lâm sàng”- GS.TS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29, lãnh đạo VNAGE đã vinh danh các đơn vị tài trợ; tổng kết và trao giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ 2023; cấp chứng chỉ CME đến các thầy thuốc tham dự Hội nghị theo quy định… Cũng nhân dịp này, VNAGE đã vinh danh 5 giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học tiêu biểu có nhiều cống hiến vì sự nghiệp khoa học Tiêu hóa Việt Nam: GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, PGS.TS Phạm Thị Thu Hồ, GS.TS Lê Quang Nghĩa, BS.CK2 Trần Ngọc Bảo, BS Hoàng Trọng Châu. Đây là năm thứ 2 ban tổ chức tổ chức lễ vinh danh này.
Hiền Thảo (tổng hợp)