Sáng ngày 5/9 trời trong xanh, hơn 22 triệu học sinh cả nước chào đón năm học 2023 – 2024 với không khí hân hoan.
Hòa trong không khí hân hoan chào đón năm học mới, nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2023 – 2024 vào sáng hôm nay ngày 5/9.
Các em học sinh trường Tiểu học Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến trường dự Lễ Khai giảng năm học 2023 – 2024
Tại Hà Nội, học sinh các trường tập trung và nhà trường tổ chức đón học sinh đầu cấp từ 7h.
Lễ Khai giảng trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội)
Lễ khai giảng tại các trường bắt đầu với việc chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và bao gồm các hoạt động như: Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường; các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian…).
Lễ Khai giảng trường THCS Nguyễn Trãi
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tại Hà Nội, Lễ Khai giảng được các trường tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Nam học sinh cấp hai với đồng phục quần trắng, áo trắng, nữ thướt tha trong tà áo dài
Sau khai giảng, các trường cần duy trì nề nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng…
Các bé mầm non hào hứng đến trường
Trong không khí rộn ràng, háo hức chuẩn bị cho ngày khai trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên thể hiện sự kỳ vọng về một năm học với nhiều chuyển biến trong chế độ, chính sách cho giáo viên và nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Những mầm non tương lai của đất nước
Trong năm học 2023 – 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Lễ Khai giảng năm học 2023 – 2024 trường THCS Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương, hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.
Cô và trò trường THCS Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Đối với việc chuẩn bị các điều kiện về phòng học, thư viện, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như khó khăn khác nhau của mỗi địa phương nên việc đáp ứng điều kiện cho đổi mới còn nhiều hạn chế.
Các em học sinh tự tin đến trường
Một năm học mới lại bắt đầu, các đề xuất về chế độ, chính sách dành cho đội ngũ giáo viên đang từng bước có sự chuyển biến tích cực. Đây được coi là động lực quan trọng để mỗi nhà giáo trên cả nước yên tâm công tác; để mỗi thầy, cô đang hàng ngày bám bản, bám làng, gieo con chữ nơi vùng sâu, vùng xa có thêm niềm tin và sức mạnh gắn bó với học trò, với nghề dạy học; không ngừng nỗ lực, phấn đấu, dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Học sinh trường Tiểu học Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 đã dành khoảng 8.400 tỷ đồng để đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, đồng thời, xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lần đầu tiên điểm trường Ông Bình (Đà Nẵng) có một lễ khai giảng đúng nghĩa, tiếng trống trường lần đầu vang lên tại đây, các em lần đầu được đón vào trường với những bộ đồng phục mới tinh (Nhóm: Bạn thương nhau – Đà Nẵng, Theo: Việc tử tế)
Năm học mới sắp bắt đầu, mặc dù còn nhiều khó khăn, các địa phương đều đang nỗ lực để đảm bảo quyền đi học của con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt nhất là lễ chào cờ, lần đầu nhạc Quốc ca vang lên giữa rừng núi này, thiêng liêng và đây cảm xúc. Rất đặc biệt! (Nhóm: Bạn thương nhau – Đà Nẵng, Theo: Việc tử tế)
Để trẻ em các vùng đồng bào dân tộc quay trở lại trường đông đủ trong năm học mới đòi hỏi nhiều nỗ lực. Đặc biệt, trẻ em gái có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác bởi nạn tảo hôn, gia cảnh khó khăn hoặc vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Giáo viên nhiều trường đã phải thường xuyên đến tận nhà, vận động các gia đình cho con em tiếp tục đến trường.
Lễ Khai giảng một điểm trường xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Cả nước hiện có hơn 1.400 trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Mục tiêu là tạo điều kiện và huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào các dân tộc.
Học sinh toàn trường với màu cờ sắc áo
Những trang sách mới, những bữa cơm đủ đầy dinh dưỡng hơn và những lớp học mới được sửa sang, hành trình gieo chữ trên những vùng đất khó vẫn miệt mài như thế ở nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S.
12 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024
1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
4. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. 5. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.
6. Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
7. Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.
8. Hội nhập quốc tế trong giáo dục.
9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
11. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Nguyễn Trang (tổng hợp)