Bệnh gout đặc trưng bởi sự lắng đọng các tinh thể acid uric gây viêm khớp. Bệnh thường gặp ở nam giới sau 40 tuổi, thường có những đợt cấp, tái phát nhiều lần rồi trở thành mãn tính. Có nhiều yếu tố góp phần làm tăng acid uric máu và bệnh gout, được chia thành các yếu tố làm giảm bài tiết acid uric (tăng huyết áp, bệnh thận, một số thuốc điều trị như aspirin, thiazide, cyclosporine, thuốc kháng lao, …), các yếu tố làm tăng sản xuất acid uric (chế độ dinh dưỡng), di truyền, gia đình, tuổi, …
1. Vai trò của dinh dưỡng trong bệnh gout
Gout là hậu quả của tăng acid uric máu, thường gây nên những triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng như viêm khớp cấp tính, bệnh thận gout, viêm thận kẽ, sỏi thận… Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc gout hiện nay rất cao ở nam giới. Theo thống kê của bệnh viện Bạch Mai trong 10 năm (1991-2000), bệnh gout đứng hàng thứ hai trong các bệnh khớp với chiếm 19,2%.
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị bệnh gout, bao gồm điều trị nội khoa bằng thuốc kháng viêm, thuốc giảm acid uric máu; điều trị ngoại khoa bằng cách cắt bỏ nốt tophi; thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng, vận động, … Trong đó, chế độ dinh dưỡng trong điều trị và dự phòng bệnh gout đóng vai trò hết sức quan trọng. Ăn ít protein và thực phẩm có nhiều nhân purin sẽ giúp giảm tổng hợp acid uric và vừa giảm được gánh nặng cho thận về đào thải acid uric.
2. Hướng dẫn dinh dưỡng dành cho người bệnh gout
2.1. Nguyên tắc dinh dưỡng
- Đảm bảo đủ năng lượng: 30 – 35 kcal/kg cân nặng/ngày. Nhu cầu năng lượng giảm đối với bệnh nhân thừa cân béo phì.
- Protein: 1g/kg cân nặng. Lượng protein giảm hơn khi có các biến chứng về thận như viêm cầu thận cấp, suy thận cấp, suy thận mạn. Ngoài ra, người bệnh gout nên lưu ý chọn những thực phẩm có chứa ít purin (bảng 1).
- Chất béo (Lipid): Lipid chiếm 20 – 22% tổng năng lượng cả ngày, trong đó có 1/3 là acid béo no, 1/3 acid béo không no có một nối đôi, 1/3 acid béo không no có nhiều nối đôi. Lưu ý là nên sử dụng ít cholesterol, khoảng dưới 300mg/ngày.
- Chất bột đường (Glucid): Nên chiếm 60 – 65% tổng năng lượng cả ngày.
- Nước: Người bệnh gout nên uống > 2 lít/ngày.
- Cung cấp đầy đủ vitamin và muối khoáng.
2.2. Hướng dẫn lựa chọn thực phẩm cho người bệnh gout
Thực phẩm nên dùng
- Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Gạo, ngô, phở, mì gạo, … khoai củ: Khoai lang, khoai tây, khoai môn, khoai sọ, sắn, miến, …
- Các loại rau xanh: Bí xanh, rau ngót, rau dền.
- Các loại quả chín ngọt: Lê, táo, nho ngọt, mít, dưa hấu, …
- Các thực phẩm có hàm lượng purin thấp: Ngũ cốc, bơ, đường, sữa, pho mát, rau quả, …
- Các loại nước uống có bicarbonate (nước khoáng, …).
Thực phẩm hạn chế dùng
- Các thực phẩm có hàm lượng purin cao: Nước luộc thịt, nước hầm xương, nấm, măng tây, phủ tạng động vật: gan, bầu dục, tim, …
- Các loại quả có vị chua: Cam chua, xoài xanh, cóc, me, nho chua…
Thực phẩm không nên dùng:Không sử dụng rượu, bia, chè, cà phê,…
2.3. Hướng dẫn cách chế biến thực phẩm cho người bệnh gout
Khi ăn thịt cá thì nên ăn ở dạng luộc, hấp và bỏ nước luộc, hoặc muốn ăn xào, rán cũng nên luộc qua nếu có thể được. Không sử dụng nước hầm xương.
Một số lưu ý khác:
- Trường hợp cần giảm cân cần giảm từ từ, nếu giảm cân quá nhanh sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm.
- Tránh ăn no quá nhất là vào buổi tối vì bữa ăn nhiều năng lượng là yếu tố stress để hình thành acid uric
Bảng 1: Hàm lượng purin trong 100g thực phẩm
Nhóm I
( 0–15mg)
|
Nhóm II
(50-150mg) |
Nhóm III
(trên 150mg) (Thực phẩm nên tránh) |
Nhóm IV: Thức uống có khả năng gây đợt gout cấp và gout mạn |
Ngũ cốc
Bơ, dầu mỡ Đường Trứng Sữa Phomat Rau, quả Các loại hạt |
Thịt nạc
Cá Hải sản Gia cầm Đậu đỗ |
Óc
Gan Bầu dục Nước luộc thịt Nấm Măng tây |
Rượu
Bia Cà phê Chè đặc |
Theo Bệnh viện trường ĐH Y dược Huế