Tuỳ thuộc vào tính chất cuộc mổ cũng như sức khoẻ của người bệnh mà các bác sĩ sẽ cho ra viện sau một thời gian thích hợp. Đây cũng chính là thời điểm vết mổ cần được chăm sóc đúng cách để tránh bị nhiễm trùng, không gây các biến chứng, mau lành và đạt tính thẩm mỹ cao.
Để được như vậy, người bệnh và thân nhân cần biết cách chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật với một số quy tắc đơn giản sau:
Thời gian thay băng vết mổ
Các vết mổ thường được băng kín bằng các loại băng gạc vô trùng nhằm bảo giữ gìn vết mổ sạch sẽ và hạn chế các va chạm. Vào ngày xuất viện, nhân viên y tế (NVYT) sẽ hướng dẫn cụ thể cho người bệnh chính xác về thời điểm mà người bệnh có thể thay băng, cắt chỉ sau mổ. Hầu hết các vết mổ đều được nhân viên y tế thay băng trước khi ra viện và dặn dò, hướng dẫn những điều cần chú ý khi người bệnh có thể thay băng tại nhà hoặc đến các điểm chăm sóc y tế gần nhất về gian cần thay băng mới, thời gian cắt chỉ sau mổ.
Cách chăm sóc vết mổ:
Việc thay băng, làm sạch vết mổ và các vùng da xung quanh cần được thực hiện với bàn tay đã được rửa sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn và dùng bông băng, gạc vô trùng. Khi tháo băng cũ, cần làm nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật. Khi băng gạc cũ dính vào bề mặt vết mổ, có thể dùng gạc vô khuẩn nhúng dung dịch nước muối sinh lý nhẹ nhàng lau hoặc chấm nhẹ trên bề mặt vết thương, để gạc mềm và bóc dần ra.
Lau rửa vùng da xung quanh vết thương, lan rộng trong phạm vi bán kính khoảng 5cm. Cần tôn trọng nguyên tắc rửa từ trung tâm vết thương trước, vùng da xung quanh sau; từ vết thương sạch trước sau đó đến vết thương chảy dịch, bẩn sau. Tuyệt đối không làm theo trình tự ngược lại vì dễ gây lây nhiễm cho vết mổ.
Không sử dụng chất tẩy rửa da, xà phòng kháng khuẩn, rượu, iốt hoặc oxi già. Nếu áp dụng với vết thương sạch sau phẫu thuật, vết thương đang lành da, chúng có thể tiêu diệt các mô hạt và làm trì hoãn quá trình lành vết thương. Ngoài ra, không được bôi bất kỳ loại kem dưỡng da, kem giữ ẩm hoặc dầu, dung dịch thảo dược nào ngoại trừ khi đã có chỉ định của bác sĩ.
Nhân viên y tế hướng dẫn NB thay băng khi ra viện
Cần giữ gìn vết mổ khô:
Những ngày sau khi ở viện về, trong trường hợp vệ sinh cơ thể, nên tắm rửa dưới vòi hoa sen trong thời gian ngắn và che chắn kỹ cho vùng phẫu thuật, không để nước bẩn, xà phòng rơi vào. Tuyệt đối không tắm bồn hay ngâm người vì khi vết thương bị ngâm trong nước, biểu bì da có khuynh hướng mềm ra, làm hở đường chỉ khâu, tạo điều kiện thuận vi khuẩn thường trú trên da hoặc vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào vết mổ.
Sau khi tắm, nhanh chóng lau khô người và lau nhẹ nhàng vùng da xung quanh vết thương bằng khăn sạch. Đồng thời có thể thực hiện thay băng vết mổ ngay sau đó trong trường hợp băng bẩn hoặc ướt do tắm.
Khi nào vết mổ cắt chỉ được?
Nếu vết mổ được khâu kín bằng chỉ tự tiêu, người bệnh sẽ không phải quay lại bác sĩ lần nữa vì chúng sẽ tự mất sau 7 đến 10 ngày.
Ngược lại, với các loại chỉ nilon, hoặc các loại ghim bấm ngoài da, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để cắt chỉ, tháo ghim theo hẹn. Thời gian phổ biến để tháo chỉ khâu của vết thương sau phẫu thuật dao động trong khoảng 7 đến 15 ngày, tùy thuộc vào vị trí cơ thể bạn đã thực hiện phẫu thuật.
Khi nào cần phải quay lại gặp bác sĩ?
Người bệnh cần đến tái khám sớm hoặc liên hệ với phẫu thuật viên nếu thấy vết mổ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau đây:
+ Đau tại vết mổ tăng lên
+ Vết mổ sưng nóng, đỏ.
+ Chảy máu, chảy mủ
+ Tăng tiết dịch, có mùi hôi
+ Bung chỉ khâu; hoặc chân chỉ có chảy dịch mủ
+ Vùng da xung quanh vết mổ phù nề, sưng đau hay ấn thấy phập phồng.
+ Toàn thân mệt mỏi, lừ đừ; Nhiệt độ cơ thể vượt quá 38,5 độ trong hơn 4 giờ.
Những biểu hiện trên gợi ý vết mổ sau phẫu thuật có thể đã bị nhiễm trùng. Việc điều trị lúc này không thể tiếp tục tại nhà mà cần phải đến cơ sở y tế thay băng và đánh giá vết mổ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thêm kháng sinh toàn thân, hoặc phải cắt chỉ ngắt quãng để thăm dò nguy cơ nhiễm trùng vết mổ từ bên trong.
Do đó, việc biết cách chăm sóc, theo dõi vết mổ sau phẫu thuật là một điều quan trọng góp phần giúp cho cơ thể mau hồi phục bệnh tật, đồng thời sớm phát hiện, xử trí các diễn biến bất thường. Các quy tắc trên đây vô cùng đơn giản nhằm giúp mọi người có thể hiểu và áp dụng thuận tiện tại nhà để vệ sinh vết thương cho chính mình hay của người thân cho gia đình.
ThS ĐD. Nguyễn Thị Lệ Ngọc
Khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện CTCH
Bệnh viện TWQĐ 108