Với khả năng bắt giữ đặc hiệu các phân tử Iod của các tế bào tuyến giáp, phương pháp Iod phóng xạ đã được ứng dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp hơn 70 năm nay.
Thậm chí, cắt tuyến giáp toàn bộ + uống xạ đã từng trở thành điều trị tiêu chuẩn cho tất cả trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Tuy nhiên, ngày nay Iod phóng xạ không còn được áp dụng thường quy cho những bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp. Kết luận này đã được khẳng định qua nghiên cứu của nhóm bác sĩ y học hạt nhân đến từ viện nghiên cứu Gustave Roussy – lâu đời và nổi tiếng của Pháp. Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine với tuổi đời hơn 200 năm. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về việc điều trị Iod phóng xạ ở nhóm bệnh nhân này.
Ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp là gì?
Theo Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA), ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp có tỷ lệ tái phát khoảng 1,6%. Các bệnh nhân được coi là ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp khi thỏa mãn các điều kiện sau:
– Ung thư tuyến giáp thể nhú với tất cả các điều kiện sau:
+ Không di căn tại chỗ hoặc xa;
+ Tất cả khối u về mặt đại thể đã được lấy bỏ;
+ Khối u không xâm lấn tại chỗ hoặc tại vùng;
+ Khối u không phải thể mô bệnh học tiến triển nhanh (thể tế bào cao, biến thể hobnail, biến thể tế bào cột);
+ Nếu Iod 131 được chỉ định, không có ổ di căn bắt xạ ngoài giường tuyến giáp trên xạ hình ở sau lần điều trị đầu tiên;
+ Không xâm nhập mạch;
+ Không di căn hạch qua khám, siêu âm hoặc ≤ 5 hạch vi di căn (đường kính lớn nhất dưới 2mm).
– Trong nhu mô tuyến giáp, ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú biến thể nang trong vỏ.
– Trong nhu mô tuyến giáp, ung thư tuyến giáp thể nang xâm nhập vỏ và không hoặc xâm nhập mạch tối thiểu (dưới 4 ổ).
– Trong nhu mô tuyến giáp, vi ung thư tuyến giáp thể nhú, đơn ổ hoặc đa ổ, bao gồm cả đột biến BRAF V600E (nếu biết).
Tỷ lệ tái phát theo các yếu tố nguy cơ?
Việc ước tính nguy cơ tái phát luôn là một bài toán khó, bởi mỗi người bệnh sẽ có những đặc điểm bệnh khác nhau. Đôi khi một bệnh nhân lại có kết hợp nhiều yếu tố nguy cơ đi kèm.
Ngay cả các nghiên cứu lớn trên thế giới cũng chỉ đưa ra được những con số tương đối, bởi lẽ chúng ta chỉ có thể tính toán một số các yếu tố quan trọng nhất định mà không thể tính toán được toàn bộ các yếu tố hiện hữu xung quanh bệnh nhân.
Dưới đây là bảng ước tính nguy cơ tái phát theo từng yếu tố nguy cơ ở nhóm ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp, theo ATA 2015.
Điều trị Iod ở nhóm ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp liệu có cần thiết?
Để trả lời cho câu hỏi này, một nghiên cứu đã được xuất bản năm 2022 bởi các bác sĩ Pháp trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine – có thể coi là một trong những tạp chí y khoa nổi tiếng nhất thế giới năm 2022.
Nghiên cứu này tiến hành so sánh ngẫu nhiên trên hơn 776 bệnh nhân. Kết quả cho thấy trong số 730 bệnh nhân được theo dõi và đánh giá tại thời điểm 3 năm, tỷ lệ không tái phát ở nhóm không điều trị bổ trợ Iod là 95,6% và tỷ lệ không tái phát ở nhóm điều trị bổ trợ Iod là 95,9%. Sự chênh lệch là 0,3%, tuy nhiên con số này không có khác biệt có ý nghĩa thống kê sau các phép toán khoa học. Do đó chúng ta thấy, việc không điều trị Iod phóng xạ cho nhóm bệnh nhân này vẫn đảm bảo được kết quả điều trị so với nhóm có điều trị Iod phóng xạ.
Tương ứng là tỷ lệ xuất hiện các biến cố bất lợi ở hai nhóm cũng tương đương nhau với sự khác biệt chỉ là 0,3% (4,4% ở nhóm theo dõi đơn thuần và 4,1% ở nhóm có điều trị Iod phóng xạ). Có 14 bệnh nhân cần được điều trị thêm với các biện pháp như phẫu thuật lại, điều trị Iod phóng xạ, hoặc cả hai (4 bệnh nhân ở nhóm theo dõi và 10 bệnh nhân ở nhóm điều trị Iod 131).
Mặt khác, thống kê chất lượng cuộc sống sau điều trị của 2 nhóm cũng khá tương đồng với nhau, tuy nhiên nhóm điều trị Iod 131 thì hiện tượng khô mắt cũng gặp tương đối thường xuyên.
Tình trạng có đột biến gen BRAF V600 xuất hiện tương đối phổ biến với tỷ lệ 50% các bệnh nhân, tuy vậy nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ giữa đột biến này và tỷ lệ bệnh tái phát.
Chi tiết hơn về đối tượng bệnh nhân của nghiên cứu
Bệnh nhân trên 18 tuổi, ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nhú, thể nang và tế bào ái toan), u đa nhân ung thư từ dưới 1cm (đường kính mỗi nhân từ dưới 1cm, và tổng đường kính các nhân từ dưới 2cm); hoặc nhân ung thư lớn hơn 1cm và nhỏ hơn từ dưới 2cm; các nhân chưa phá vỏ, giải phẫu bệnh sau mổ chưa có di căn hạch hoặc hạch không xác định (do không vét hạch – nhưng không có hạch qua thăm khám và đánh giá trong mổ). Nghiên cứu không bao gồm các thể ung thư tiến triển nhanh như ung thư thể nhú (biến thể tế bào cao, tế bào sáng, tế bào cột, hoại tử lan rộng) và ung thư thể kém biệt hóa.
Tất cả bệnh nhân đều được tiến hành cắt toàn bộ tuyến giáp sau đó có hoặc không điều trị Iod phóng xạ.
Kết luận từ nghiên cứu
Trên các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thuộc nhóm nguy cơ thấp, liệu pháp Iod phóng xạ có hiệu quả sau điều trị tương đồng với biện pháp chỉ theo dõi đơn thuần. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả ủng hộ quan điểm chỉ theo dõi đơn thuần sau phẫu thuật ở nhóm bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp.
TS.BS Nguyễn Xuân Hậu – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội