Tại Việt Nam, bệnh mạch vành cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Do đó việc phát hiện sớm và kịp thời khám bệnh mạch vành là điều vô cũng quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro, biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Vậy khám bệnh mạch vành được diễn ra như thế nào, có phức tạp không?
Đầu tiên hãy cùng tìm hiểu bệnh mạch vành là gì?
Bệnh mạch vành là bệnh của các động mạch nuôi tim hay còn được gọi với cái tên là bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh suy động mạch vành hoặc bệnh suy mạch vành. Bệnh mạch vành xảy ra khi xuất hiện tình trạng lòng động mạch vành bị hẹp một phần hoặc tắc nghẽn làm hạn chế lượng máu đến nuôi dưỡng cơ tim do sự tích tụ các mảng xơ vữa bám bên trong thành mạch. Càng nhiều mảng bám tích tụ, lòng động mạch vành càng thu hẹp và lượng máu chảy qua càng ít. Cuối cùng, lưu lượng máu đến tim bị giảm dẫn đến cơn đau thắt ngực.
Nếu mạch vành bị tắc hoàn toàn sẽ gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp. Ngược lại, nếu mảng xơ vữa tích tụ trong nhiều năm gây hẹp lòng mạch vành một phần, người bệnh có thể không biết tình trạng của mình cho đến khi xuất hiện những cơn đau thắt ngực hoặc cơn nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.
Khi nào cần đi khám bệnh mạch vành?
Hãy chủ động đi thăm khám bệnh mạch vành sớm để kịp thời điều trị tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu bạn hay người thân đang gặp phải các dấu hiệu bệnh dưới đây:
– Xuất hiện cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức.
– Có cảm giác như tim bị đè nén, thắt chặt, bóp nghẹt, cảm thấy nặng ngực, khó thở khi gắng sức, gặp căng thẳng, stress, xúc động hay tức giận…
– Đau vùng sau xương ức hoặc ở chính giữa vị trí của tim, đau ngực trái thường lan lên cổ, vai trái, cánh tay và bàn tay trái.
– Cơn đau thắt ngực kéo dài trong khoảng vài phút, thường là dưới 15 phút và hiếm khi xảy ra chỉ vài giây.
– Cơn đau giảm đi khi ngồi nghỉ ngơi.
– Chóng mặt, nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn và yếu
– Người mệt mỏi, thở khó khăn
– Người hay bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, tim đập không đều.
Những đối tượng nào cần đi khám bệnh mạch vành sớm?
– Những người bị mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, xơ cứng bì,…
– Người bị rối loạn chuyển hóa lipid, tăng cholesterol máu.
– Nhóm những người cao tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành hơn, cụ thể nam trên 50 tuổi và nữ trên 55 tuổi.
– Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm, như trong gia đình có cha, anh em trai mắc bệnh trước 55 tuổi; hoặc mẹ hay chị em gái mắc bệnh mạch vành trước 65 tuổi.
– Người thừa cân béo phì, có chỉ số BMI >23
– Những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc phải tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài.
– Người có lối sống ít vận động thể lực.
– Những người thường xuyên bị stress, căng thẳng quá mức có thể gây tổn hại cho động mạch, tăng quá trình viêm, tăng xơ vữa mạch máu, thúc đẩy bệnh mạch vành tiến triển.
– Những người có chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, đường, thịt mỡ, thức ăn chiên rán, đồ ăn đóng hộp chứa nhiều muối và chất bột.
Nếu bạn hay người thân đnag gặp phải các triệu chứng hay năm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành, thì hãy chủ động thăm khám bệnh mạch vành sớm để kịp thời phát hiện và điều trị.
Vậy khám bệnh mạch vành được diễn ra như thế nào?
Thăm khám lâm sàng
Người bệnh sẽ được thăm khám trực tiếp với bác sỹ chuyên khoa tim mạch, cùng với đó là trả lời các câu hỏi của bác sỹ đưa ra về bệnh sử, có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,… hay không. Người bệnh nên mô tả chi tiết, cụ thể về tình trạng bệnh mình đang gặp phải sẽ giúp ích rất nhiều cho bác sĩ trong việc đưa ra định hướng chẩn đoán bệnh của họ. Sau khi nghe tim phổi của người bệnh, để đưa ra chẩn đoán lâm sàng bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ dựa trên bệnh cảnh cơn đau thắt ngực của người bệnh. Một cơn đau thắt ngực được gọi là điển hình khi có đầy đủ 3 yếu tố:
– Đau vùng sau xương ức kiểu bóp nghẹt hoặc đè nặng trong thời gian ngắn, không kéo dài quá vài phút, đau có thể lan lên cổ, xương hàm, bả vai và lan xuống cánh tay.
– Cơn đau xuất hiện khi gắng sức hoặc gặp stress căng thẳng.
– Giảm đau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch vành.
Khi cơn đau thắt ngực chỉ có 2 trong 3 yếu tố trên được gọi là cơn đau thắt ngực không điển hình. Nếu chỉ có ≤1 trong 3 yếu tố trên thì đây là cơn đau thắt ngực không đặc hiệu.
Và để đưa ra được chẩn đoán xác định bệnh mạch vành, bác sỹ sẽ yêu cầu người bệnh làm thêm một số xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết giúp phục vụ cho chẩn đoán bệnh.
Các phương pháp khám cận lâm sàng
Để khám bệnh mạch vành chính xác nhất, bác sỹ sẽ chỉ định cho người bệnh làm các cận lâm sàng bao gồm:
Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)
Điện tâm đồ là phương pháp đơn giản và thường được sử dụng nhất để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành. Điện tâm đồ có thể cho thấy các biểu hiện thiếu máu cơ tim hay hoại tử cơ tim, các biến chứng của bệnh mạch vành như dày thành tim, giãn buồng tim, rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên có khá nhiều trường hợp có bệnh mạch vành mà điện tâm đồ lại không biến đổi. Do đó điện tâm đồ gắng sức thường được sử dụng bằng cách cho người bệnh đạp xe đạp hoặc tập trên thảm lăn. Ngoài ra, đo điện tâm đồ Holter cũng có thể được sử dụng giúp theo dõi điện tim của người bệnh liên tục suốt 24 giờ để tìm các dấu hiệu bất thường nếu có giúp chẩn đoán bệnh mạch vành.
Siêu âm tim
Siêu âm tim là một phương pháp an toàn và không xâm lấn. Siêu âm giúp khảo sát được vận động các vùng của tim và phát hiện các bất thường vận động như giảm động, vô động hoặc loạn động khi vùng đó thiếu máu cơ tim, đo được phân suất tống máu (EF) thất trái nhằm đánh giá chức năng thất trái toàn bộ. Ngoài ra, siêu âm Doppler tim còn giúp ta khảo sát được dòng chảy và lưu lượng máu đến tim, phát hiện sớm tình trạng hở van 2 lá do thiếu máu cơ tim hay đo được áp lực động mạch phổi. Bên cạnh đó, các biến đổi về sự đổ đầy thất, lưu lượng động mạch khi gắng sức và nghỉ ngơi cũng đánh giá được nhờ siêu âm tim. Do đó, siêu âm tim là cận lâm sàng vô cùng cần thiết giúp chẩn đoán bệnh mạch vành mà người bệnh cần thực hiện.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm sinh hóa máu giúp định lượng được các thành phần như Glucose, Cholesterol, Triglycerid, HDL-C, LDL – C, hoạt độ AST (GOT), ALT (GPT), Creatinin, Ure, Calci toàn phần, Axit uric, CRP hs, proBNP, FT4, TSH, từ đó đánh giá sơ bộ được tình trạng của các bệnh lý mạn tính hoặc cấp tính mà người bệnh đang mắc phải như có đang bị rối loạn chuyển hóa lipid, suy thận, nhiễm trùng, rối loạn chức năng tuyến giáp, đái tháo đường, xơ gan, gout… hay không. Định lượng Troponin T, CK – MB giúp đánh giá nhanh tình trạng nhồi máu cơ tim. Hay có sự bất thường về nồng độ K+, Na+,…
Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) mạch vành
Chụp CT- scan mạch vành là một phương pháp chẩn đoán dựa trên hình ảnh nhằm kiểm tra tình trạng mạch vành và phát hiện được những bất thường, bệnh lý liên quan đến mạch vành nếu có như tắc, hẹp, huyết khối, xơ vữa,… Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định chụp CT-scan có hoặc không tiêm thuốc cản quang. Từ đó, dựa vào những hình ảnh ghi lại được mà bác sĩ sẽ quan sát và đánh giá được tình trạng của hệ động mạch vành, đồng thời kiểm tra xem có tổn thương nào không.
Thông tim và chụp động mạch vành
Thông tim và chụp động mạch vành là biện pháp hiện đại nhất để chẩn đoán bệnh mạch vành. Thủ thuật này được tiến hành trong phòng tim mạch can thiệp với các thiết bị chụp mạch và màn huỳnh quang tăng sáng hiện đại. Qua đường động mạch quay hoặc động mạch đùi, bác sĩ sẽ đưa một ống thông lên tim của người bệnh để vào nhánh động mạch vành. Qua ống thông đó bác sỹ sẽ tiêm một dung dịch đặc biệt là chất cản quang vào động mạch vành giúp cho phép bác sỹ nhìn thấy hình dạng, kích thước mạch vành trên màn huỳnh quang, từ đó đánh giá vị trí hẹp và mức độ hẹp của mạch vành.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh và diễn biến của bệnh mạch vành mà bác sỹ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ tim, chụp xạ hình tưới máu cơ tim (SPECT, PET) để phát hiện các tổn thương mạch vành.
Sau khi thực hiện đầy đủ các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết phục vụ cho việc chẩn đoán bệnh mạch vành kết hợp với dữ liệu thăm khám lâm sàng trước đó mà bác sỹ có thể đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh cuối cùng là người bệnh có đang mắc bệnh mạch vành hay không và ở mức độ nào, có cần can thiệp ngoại khoa hay điều trị nội trú hay không.
Dù hiện nay số người bệnh mắc bệnh mạch vành chủ yếu xảy ra ở nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi, nhưng những người trẻ tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy độ tuổi mắc bệnh mạch vành đang ngày càng giảm dần, do đó hãy chủ động phòng ngừa và thăm khám bệnh mạch vành khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường liên quan đến căn bệnh này càng sớm càng tốt. Bởi căn bệnh mạch vành này thường hình thành và diễn tiến trong thời gian rất dài, theo từng ngày trong rất nhiều năm.
Theo suckhoecongdongonline.vn