Trung tâm Tiêu hoá – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp bằng kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD).
Xử trí thành công ca bệnh phức tạp
Tháng 8 vừa qua, bệnh nhân nữ 46 tuổi đi khám vì đau bụng hạ sườn phải, buồn nôn. Bác sĩ Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật chỉ định nội soi dạ dày và phát hiện có một tổn thương kích thước 4x7cm chiếm 1% chu vi tá tràng. Papilla nằm trong tổn thương theo dõi u tuyến lớn tá tràng.
Bệnh nhân đã được sinh thiết tổn thương với kết quả giải phẫu bệnh là u tuyến ống nhung mao loạn sản độ cao. Kết quả siêu âm nội soi cho thấy tổn thương nằm tại vị trí Dll tá tràng, chỗ dày nhất đo được là 2,8mm, lớp hạ niêm mạc vùng tổn thương tá tràng chưa đứt đoạn.
Ekip xử trí thành công ca bệnh phức tạp cho bệnh nhân bằng kỹ thuật ESD
Sau khi cân nhắc thận trọng, hội chẩn và thảo luận với bệnh nhân, gia đình về phương án điều trị, ThS.BS Nguyễn Thanh Nam và ThS.BS Hoàng Văn Chương đã quyết định cắt u tuyến lớn tá tràng bằng kỹ thuật ESD (Kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi – Endoscopic Submucosal Dissection) nhẳm bóc tách toàn bộ nguyên khối tổn thương. Đây là kỹ thuật khó vì tá tràng có lớp cơ mỏng, dễ thủng khi can thiệp cắt khối tá tụy nhằm loại bỏ hết tổn thương.
Bệnh nhân được ekip thầy thuốc xử trí thành công cắt trọn khối u bẳng kỹ thuật ESD. Tổn thương bao quanh Papilla nên bệnh nhân đồng thời được đặt stent mật ruột, hậu phẫu nhẹ nhàng. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh là u tuyến nhú loạn sản độ cao, ung thư tại chỗ, diện cắt âm tích.
Kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) và những áp dụng tối ưu tại bệnh viện Bạch Mai
Để tìm hiểu thêm về ưu thế của kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi và những ứng dụng tối ưu tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã trao đổi nhanh với ThS.BS Hoàng Văn Chương – Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, người đã cùng ThS.BS Nguyễn Thanh Nam thực hiện thành công cắt u tuyến lớn tá tràng ca bệnh nêu trên.
PV: Xin bác sĩ cho biết những khó khăn và thách thức khi trong phát hiện, điều trị ca bệnh này?
ThS.BS Hoàng Văn Chương: Bệnh nhân có u tuyến kích thước lớn ở tuyến tá tràng. Can thiệp cắt hớt dưới niêm mạc ở tá tràng khó hơn vị trí khác do cố định và điều khiển đầu dây soi khó hơn. Lớp cơ tá tràng mỏng rất dễ thủng.. Tổn thương lan vào papilla nên cắt sẽ phức tạp hơn
PV: Những lợi thế của kỹ thuật ESD trong điều trị bệnh đường tiêu hoá?
ThS.BS Hoàng Văn Chương: Kỹ thuật ESD có những ưu điểm sau:
Bảo tồn tối đa cơ quan: ESD cho phép cắt bỏ chính xác khối u, chỉ tác động đến lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc, giúp bảo tồn tối đa cấu trúc và chức năng của cơ quan. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cơ quan như tá tràng, nơi mà việc cắt bỏ một phần có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu hóa.
Ít xâm lấn: So với phẫu thuật mở, ESD là một thủ thuật ít xâm lấn hơn, gây ra ít tổn thương cho các mô xung quanh và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Hồi phục nhanh: Bệnh nhân thường hồi phục nhanh chóng sau khi thực hiện thủ thuật ESD, có thể xuất viện sớm và nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.
Chẩn đoán chính xác: Trong quá trình thực hiện ESD, các mẫu mô bệnh phẩm được lấy để xét nghiệm, giúp chẩn đoán chính xác loại bệnh và giai đoạn bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Hiệu quả điều trị cao: ESD có hiệu quả điều trị cao đối với các khối u sớm đường tiêu hóa, giúp loại bỏ hoàn toàn khối u và ngăn ngừa tái phát.
Ít đau đớn: Bệnh nhân thường cảm thấy ít đau đớn hơn so với phẫu thuật mở, nhờ vào việc sử dụng thuốc giảm đau và kỹ thuật gây tê tại chỗ.
Chi phí thấp hơn: So với phẫu thuật mở, ESD thường có chi phí thấp hơn do không yêu cầu gây mê toàn thân và thời gian nằm viện ngắn hơn.
Hình ảnh khối u trên nội soi
ESD có thể điều trị cho các trường hợp:
Tổn thương loạn sản: ESD là phương pháp điều trị hiệu quả cho các trường hợp tổn thương loạn sản, giúp loại bỏ hoàn toàn tổn thương và ngăn ngừa ung thư hóa.
Ung thư giai đoạn sớm: ESD có thể điều trị triệt để các khối u sớm, chưa xâm lấn quá sâu vào lớp dưới niêm mạc.
Các tổn thương tiền ung thư khác: ESD cũng được áp dụng để điều trị các tổn thương tiền ung thư khác như polyp lớn, polyp có nguy cơ ác tính cao.
PV: Xin BS cho biết những nhóm người nên tầm soát thường xuyên?
ThS.BS Hoàng Văn Chương:
Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa: Nếu trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, dạ dày, thực quản, bạn nên tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn.
Người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều: Những thói quen này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Người béo phì, ít vận động: Tình trạng béo phì và ít vận động liên quan đến nhiều bệnh mãn tính, trong đó có ung thư đại trực tràng.
Người mắc các bệnh viêm đường tiêu hóa mãn tính: Viêm dạ dày mãn tính, bệnh lý ruột viêm như crohn, viêm loét đại trực tràng chảy máu… có thể tăng nguy cơ ung thư hóa.
Người trên 40-45 tuổi: Độ tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư càng lớn.
Tần suất nội soi: Người có nguy cơ cao: Nên nội soi định kỳ 1-2 năm/lần. Người bình thường: Có thể nội soi 5 năm/lần, bắt đầu từ tuổi 45.
PV: Những dấu hiệu nào cần chú ý để người bệnh phải kiểm tra đường tiêu hóa thưa bác sĩ ?
ThS.BS Hoàng Văn Chương: Người bệnh cần chú ý những dấu hiệu sau
Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài: Thay đổi thói quen đi đại tiện bất thường.
Đau bụng âm ỉ, khó chịu: Đau bụng không rõ nguyên nhân, đặc biệt là vùng bụng dưới.
Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu.
Máu trong phân: Có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc chỉ phát hiện được qua xét nghiệm phân.
Sụt cân không rõ nguyên nhân: Giảm cân đột ngột, không ăn uống được nhiều.
Mệt mỏi, thiếu máu: Do mất máu mãn tính qua đường tiêu hóa.
Theo Bệnh viện Bạch Mai