Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một thể của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), là bệnh rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Để tránh tai biến cho cả mẹ và con, ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ thì các thai phụ bị ĐTĐTK cũng cần phải tuân theo những lưu ý về dinh dưỡng và vận động.
Về dinh dưỡng, phải thực hiện chế độ ăn uống của người bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, phải chú ý cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng, dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho người mẹ cũng như cho thai nhi phát triển.
Nên ưu tiên chọn các loại có chỉ số đường huyết thấp và hàm lượng chất xơ cao như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch, bột mì nguyên cám, ngũ cốc nguyên cám,… thay vì sử dụng gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây chiên/nghiền,…
Nhu cầu về protein hay còn gọi là chất đạm trong thời gian mang thai tăng lên. Mẹ bầu nên ăn thêm các thực phẩm như thịt, trứng, cá, đậu đỗ, sữa, hải sản, gạo, trái cây, rau,…
Đối với chất béo, nên chọn những thực phẩm cung cấp chất béo tốt như dầu olive, dầu hướng dương, bơ thực vật,… Hạn chế hoặc không dùng thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bơ, mỡ, nội tạng động vật.
Khi chế biến không nên nêm nhiều muối và đường vào món ăn, hạn chế các món chiên, xào nhiều dầu mỡ mà thay bằng đồ hấp, luộc. Thay vì ăn 3 bữa chính, hãy chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, tối ưu là 3 bữa chính/ngày và 2 – 3 bữa phụ/ngày. Lưu ý không nên bỏ bữa, không ăn quá no hoặc để quá đói, nên ăn đúng bữa, đúng giờ.
Ngoài ra, phụ nữ ĐTĐTK cần tập thể dục đều đặn, lựa chọn môn thể dục phù hợp theo sức của mình như đi bộ, bơi, yoga,… để giúp cơ thể điều hòa glucose trong máu.
Khi có thai cần đi khám thai đúng lịch, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra đường huyết để có thể có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Sở Y tế Bình Thuận