Bạn có được chẩn đoán mỡ trong máu cao không? Đã đến lúc bạn cần thay đổi chế độ ăn và lối sống để giảm cholesterol và giảm nguy cơ bị bệnh tim. Để tốt cho tim mạch, ngoài uống thuốc giảm lượng Cholesterol theo toa bác sĩ, bạn cần thay đổi chế độ ăn và vận động nhiều hơn. Những mẹo đơn giản sau có thể giúp bạn kiểm soát lượng mỡ trong máu.
Mỡ tốt, mỡ xấu
Cơ thể cần một lượng nhỏ cholesterol để đảm bảo các chức năng . Nhưng trong chế độ ăn, chúng ta dung nạp khá nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, hai chất này đều tăng nồng độ mỡ xấu LDL. Cholesterol dạng LDL có thể gây ra mảng bám tích tụ trong động mạch dẫn đến bệnh tim. Ngược lại, HDL là loại cholesterol tốt giúp loại trừ những loại mỡ xấu trong máu. Trong chế độ ăn, bạn cần giảm lượng LDL và tăng HDL.
Giới hạn khẩu phần ăn
Nhiều người Mỹ có những bữa ăn rất thịnh soạn, những khẩu phần như vậy nhiều gấp đôi lượng được khuyến nghị tốt cho sức khỏe. Điều này góp phần làm tăng cân và tăng mỡ máu. Sau đây là chiêu dễ thực hiện nhằm giúpo bạn nhớ ăn đến mức nào là đủ: Hãy dùng chính tay của mình làm thước đo.
- Một lượng thịt hay cá nằm gọn trong lòng bàn tay của bạn là lý tưởng.
- Về trái cây, bạn chỉ cần tiêu thụ một lượng vừa bằng nấm đấm.
- Các loại rau củ nấu chín, gạo hay mì ống chỉ cần tiêu thụ một lượng bằng một bụm tay.
Thức ăn có lợi cho tim
Rau củ và trái cây là nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Nhóm thực phẩm này không những chứa các chất chống oxy hóa mà còn hỗ trợ giảm lượng LDL khá hiệu quả. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày, bạn nên bổ sung nhiều rau củ, trái cây tươi từ 5 đến 9 lần trong một ngày, điều này cũng giúp giảm lượng thực phẩm nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, cách này còn giúp bạn giảm huyết áp và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Ngoài ra, thực phẩm giàu sterols thực vật như bơ, sữa chua, và các loại thực phẩm khác có thể giúp bạn giảm lượng LDL trong máu.
Thực phẩm từ sông nước
Một chế độ ăn tốt cho tim là có cá trong thực đơn, 2 lần một tuần. Tại sao vậy? Trong thịt cá ít chất béo bão hòa và giàu axit béo omega-3 tốt cho sức khỏe. Axít này làm giảm lượng triglycerides, một loại chất béo trong máu. Axit béo omega-3 giúp giảm lượng cholesterol, làm chậm lại quá trình tích tụ mảng bám ở động mạch. Hãy ăn những loại cá giàu chất béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi. Bạn có thể nấu cá theo nhiều kiểu nhưng không nên chiên phi lê cá vì như vậy sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Hãy bắt đầu ngày mới với ngũ cốc
Một bát yến mạch hay ngũ cốc nguyên hạt mang nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe của bạn cả ngày. Chất xơ và tinh bột hợp chất trong ngũ cốc giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, cho nên bạn sẽ không bị cám dỗ ăn nhiều vào bữa trưa. Ngũ cốc giúp bạn giảm hàm lượng LDL (cholesterol xấu) và còn giúp giảm cân. Những loại ngũ cốc nguyên hạt gồm gạo, bắp, gạo nâu và lúa mạch.
Ăn các loại hạt tốt cho sức khỏe của tim
Bạn thèm ăn vặt? Một nắm hạt là món quà vặt ngon miệng lại giúp giảm hàm lượng cholesterol. Hạt giàu chất béo không bão hòa đơn, chất này giúp giảm cholesterol xấu như LDL nhưng lại không gây hại gì cho HDL (cholesterol tốt). Những nghiên cứu gần đây phát hiện những người ăn khoảng 1 ounce hạt (28,35 gram) 1 ngày thì ít nguy cơ bệnh tim. Các loại hạt giàu chất béo và calo, vì vậy chỉ nên ăn chừng một nắm tay là đủ. Tốt nhất, nên ăn các loại hạt không bọc đường và sôcôla.
Chất béo không bão hòa bảo vệ tim mạch
Tất cả chúng ta cần một ít chất béo trong bữa ăn, vào khỏang 25% đến 35% của lượng calo hằng ngày. Quan trọng là loại chất béo nào chúng ta cần nạp cho cơ thể. Các chất béo không bão hòa ở trong dầu hạt cải, ô liu, và dầu cây rum giúp giảm lượng LDL và tăng lượng HDL trong máu. Chất béo bão hòa như bơ, dầu cọ và chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng lượng LDL. Tuy là chất béo tốt nhưng chúng cũng chứa nhiều calo, vì thế bạn cần tiêu thụ trong chừng mực.
Ăn nhiều đậu và ít khoai tây
Bạn cần tinh bột để sản sinh năng lượng, nhưng chỉ một số loại tốt cho cơ thể so với các loại khác. Những loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt như gạo nâu, hạt quinoa, bột mì nguyên chất có nhiều chất xơ nhưng lượng đường ít. Những thực phẩm này làm giảm cholesterol và giúp bạn no lâu. Trong khi, các loại tinh bột khác như bánh mì trắng, khoai tây trắng, gạo trắng và mì ống làm tăng lượng đường trong máu rất nhanh, bạn cảm thấy mau đói và ăn nhiều hơn.
Biên dịch từ nguồn WebMD
(Nhóm biên dịch y khoa – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin)