Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐ) ngày 27/11/2023, đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát biểu về mối liên kết giữa Phật Giáo với vấn đề sức khỏe con người và cộng đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam khóa I, II và III, chia sẻ: “Hai phạm trù về sức khỏe và giáo dục rất phù hợp với đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt, nó rất phù hợp với tinh thần, chủ trương, lối sống của đạo phật. Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam vinh dự được đồng hành cùng với Hội GDCSSKCĐ Việt Nam từ những ngày đầu, chúng tôi cảm thấy rằng, tôn chỉ, mục đích trong các hoạt động của Hội hết sức có ý nghĩa và nó cũng là mong muốn, nguyện vọng của người dân Việt Nam”.
Hoà thượng Thích Thọ Lạc cho biết, từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay, Đạo Phật được xem là một Tôn giáo nhập thể, luôn tích cực dấn thân vì lợi ích cho từng cá nhân cũng như cho lợi ích của toàn xã hội. Con đường đi đến giải thoát tối hậu của Phật giáo chính là con đường Trung đạo, nói cách khác, đó chính là con đường cân bằng giữa sức khỏe (thể xác) và trí tuệ (tinh thần).
Khi Đức Phật đi thăm hỏi và khuyên bảo các đệ tử của mình trên lộ trình tụ tập, có hai vấn đề Ngài luôn đặt ra hàng đầu là: Có được ít bệnh (về sức khỏe) và ít phiền não (về tinh thần) không? Điều đó cho thấy, với Đạo Phật, sự khỏe mạnh về thể xác và niềm vui về tinh thần đều quan trọng như nhau.
Đạo Phật là một tôn giáo đến để mà thấy, chứ không phải để mà tin. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Phật giáo luôn lấy giáo dục là phương thức căn bản để xây dựng con người. Con người muốn lời nói và việc làm của mình trở nên tốt và thánh thiện, thì trước hết phải có tư duy tốt và thánh thiện. Muốn có tư duy tốt và thánh thiện, không có con đường nào khác ngoài giáo dục mà nên. Phương châm “Duy tuệ thị nghiệp” của Phật giáo biểu hiện cho tư tưởng lấy trí tuệ là kim chỉ nam và nền tảng cho tất cả các pháp môn tu học của người tu hành.
Từ những ý tưởng trên, với Phật giáo, khỏe mạnh về thể xác và trí tuệ về tinh thần là hai “tư lương” quan trọng nhất trên lộ trình tu tập. Bỏ qua một trong hai yếu tố trên đều không đưa con người đến bến bờ giải thoát tối hậu. Cách thức để nhận diện hai nhân tốt trên chính là thông qua giáo dục. Khi con người hoạt động dựa trên sự nhận thức đúng đắn, thì mọi hoạt động của con người đều là đúng đắn, ngược lại, thiếu sự giáo dục, thì nhận thức có thể sai lầm. Khi nhận thức sai lầm, thì mọi hành động đều gây tổn hại đến thân thể, cũng như phiền não cho mình và người khác.
Hiện nay, nhiều căn bệnh nan y không có thuốc chữa mà nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết của chính con người cũng như những thói quen sinh hoạt không khoa học đang là mối quan tâm lo ngại chung của các cộng đồng xã hội. Những phương pháp tu tập của Đạo Phật như thiền quán, ăn chay… đang chung tay góp phần phòng ngừa và giống thiểu những căn bệnh do việc ăn uống thiếu điều độ và áp lực căng thẳng của cuộc sống gây ra.
Còn về lĩnh vực y tế sức khỏe cộng đồng, Phật giáo cũng ý thức rằng, con người ta có sức khỏe, thì mới có hạnh phúc, do đó luôn luôn hướng con người những phương pháp như ngồi thiền, tu dưỡng, lễ phật, tụng kinh,… tất cả những phương pháp này giúp cho họ tâm an. Khi tâm thanh tịnh, yên tĩnh cũng khiến cho con người được khỏe mạnh. Từ cái tâm yên tĩnh, thanh tịnh thì có thể phát huy được trí tuệ. Đấy cũng là phương pháp của nhà phật.
Hiện nay, ngoài việc chăm sóc về mặt nội tâm, để hướng con người đến đời sống, sức khỏe, thì các ngôi chùa ở Việt Nam hầu hết có môi trường rất trong sạch. Cho nên, khi kết hợp với Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam thường xuyên hướng dẫn cho cộng đồng thực hiện những bài thể dục thể thao, đồng thời, tổ chức những Câu lạc bộ Đạo Phật, để rèn luyện sức khỏe.
Hoà thượng Thích Thọ Lạc khẳng định: “Việc ra đời của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về vai trò to lớn của sức khỏe đối với đời sống con người, hướng tới mục tiêu ‘giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và mắc bệnh tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực’, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sự gặp gỡ nhau giữa tư tưởng của Phật giáo với những nhiệm vụ mà Hội GDCSSKCĐ Việt Nam đặt ra giúp cho chúng tôi, những tu sỹ Phật giáo nhiệt tình ủng hộ và sẵn sàng cống hiến hết khả năng của mình vì một thế giới khỏe mạnh, trí tuệ và nhiều niềm vui.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hoàn toàn hưởng ứng khẩu hiệu mà Hội GDCSSKCĐ Việt Nam đã đưa ra là “Đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, triển khai các hoạt động cụ thể, hình thành các cơ sở giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các cơ sở tôn giáo của Giáo hội, chăm lo sức khỏe và tinh thần cho nhân dân, phật tử”.
Nhân buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Hoà thượng Thích Thọ Lạc mong muốn Chính phủ, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để phát huy được những ý tưởng cao quý của Trung ương Hội, giúp Hội từng bước phát tiển, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thu Trang – Ảnh: Xuân Thắng