Phát triển y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là quan tâm hàng đầu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và chỉ rõ sức khỏe của mỗi người dân có quan hệ mật thiết đến sức mạnh của Quốc gia, Dân tộc, bởi vì: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe… “1. Sức khỏe của Nhân dân chính là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự nghiệp “Kháng chiến Kiến quốc” đi đến thắng lợi: “Sức khỏe của cán bộ và Nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”2.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Bản thân Người luôn là tấm gương sáng về tự rèn luyện sức khỏe bản thân. Thông qua các bài viết, bài nói của mình, Người đã khuyên tất cả mọi người hãy tập thể dục để rèn luyện thân thể coi đó là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước. Đồng thời chỉ ra lợi ích của việc luyện tập thể dục đối với mỗi người: “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái, trai, già, trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được … Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe … Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập.”3
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không chỉ là trách nhiệm riêng của mỗi người dân, của ngành y tế, mà nó còn là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và toàn xã hội. “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”4
Quan điểm về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Kế thừa, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách về công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân.
Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới đất nước, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) của Đảng đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra các chủ trương, chính sách nhằm phát triển ngành y tế góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị _Ảnh: VGP
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) khẳng định tầm quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, phát triển con người Việt Nam là nhiệm vụ trung tâm, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước: “Phát triển con người toàn diện … phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại,…”5.
Để thực hiện được điều đó, cần có chính sách phát triển dân số một cách hiệu quả: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng,…, nâng cao chất lượng dân số, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,… Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều được quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.”6
Văn kiện chỉ rõ nhiệm vụ trong thời gian tới là: “Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, nâng cao sức khoẻ cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Chăm lo phát triển về chất lượng,…”. Đồng thời khẳng định vai trò của y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân: “Tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, đảm bảo các dịch vụ cơ bản, người dân được quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh… Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Phấn đấu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%,… Tập trung phát triển mạnh y tế cơ sở, y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm, chưa trị kịp thời, hiệu quả các loại dịch bệnh mới. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người. Phát triển y học cổ truyền, gắn với y học hiện đại; nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng của các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền”7.
Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ y tế trong công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng việc xây dựng hệ thống y tế và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế gắn với việc thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, chủ động tiếp cận các chương trình y khoa tiên tiến trên thế giới: “Sắp xếp lại mạng lưới, mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu về cán bộ y tế phù hợp với quy hoạch phát triển ngành,… Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Đồng thời cần có chính sách đãi ngộ phù hợp, coi đây là một trong những giải pháp để cán bộ y tế yên tâm công tác và cống hiến: “Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở… và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,…”.
Một số thành tựu, hạn chế và giải pháp nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong tình hình mới
Những năm qua, nhờ thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: Các chỉ số cơ bản về sức khỏe của Việt Nam đều đạt được so với Mục tiêu Quốc gia, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; Tuổi thọ trung bình ngày càng tăng (năm 2023 đạt 73,7 tuổi); Mạng lưới y tế cơ sở được xây dựng, tổ chức trên phạm vi toàn quốc với gần 1.000 cơ sở y tế tuyến huyện, hơn 11.400 trạm y tế xã, phường, thôn bản. 90% số trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, 99,7% xã có cơ sở trạm, khoảng 80% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đây chính là lực lượng quan trọng góp phần từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Thực tiễn cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 những năm qua cho thấy, hệ thống y tế cơ sở đã phát huy vai trò to lớn của mình trong công tác hỗ trợ thu dung, điều trị, truy vết F0, F1, F2, kịp thời cách ly, ngăn chặn lây lan ra cộng đồng,… Nhờ mạng lưới y tế cơ sở hoạt động hiệu quả mà công tác khám, chữa bệnh tại địa phương ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, qua đó góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương; Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, công tác phòng chống các loại bệnh tật được triển khai hiệu quả; Số lượng đội ngũ y bác sỹ ngày càng tăng nhanh về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong tình hình mới: Số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 12,5 bác sỹ; số giường bệnh với tỷ lệ 32 giường/10.000 dân; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số,…
Bác sỹ Bệnh viện Mắt Hải Phòng đang khám cho bệnh nhân
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Sự phát triển của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân cả về số lượng và chất lượng; Sự gia tăng của các loại bệnh không lây nhiểm, nguy cơ gia tăng của tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, thương tích, sự xuất hiện của các bệnh dịch mới, bệnh lạ, nguy cơ bùng phát trở lại của các bệnh truyền nhiễm,…; Hiện tượng chênh lệch khá lớn giữa đồng bằng với miền núi, thành thị với nông thôn trong chăm sóc sức khỏe; Năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được thực hiện tốt tại hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt ở cấp trạm y tế xã, phường do thiếu trang thiết bị, thuốc, nhân lực mỏng, chuyên môn hạn chế…; Ngân sách và công tác xã hội hóa trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân còn hạn hẹp, chưa thực hiện rộng rãi; Nguồn nhân lực cung cấp cho các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, do áp lực công việc, lương thấp, cho nên có không ít cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc,…
Trong thời gian tới, để từng bước nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân các cấp, các ngành cần tập trung vào một số nội dung sau đây:
Một là, tăng cường và phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đưa công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân vào mục tiêu, kế hoạch, chương trình hành động của các địa phương, đơn vị, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục và luôn có tính thời sự.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo hành lang pháp lý cho công tác phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ba là, chăm sóc sức khỏe Nhân dân phải đi đôi với phát triển y tế, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới phát triển toàn diện hệ thống y tế, trước hết là y tế dự phòng. Từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Đẩy mạnh phát triển và quản lý ngành Dược và thiết bị y tế, bảo đảm cung cấp đủ thuốc cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Bốn là, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người.
Năm là, sắp xếp lại mạng lưới, mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo cán bộ y tế, đáp ứng nhu cầu phù hợp với quy hoạch phát triển ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế hiện nay.
Sáu là, thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Văn Chương
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 88.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 540.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.518.
- Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tập I, tr.47.
- ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐH toàn quốc lần thứ XIII, NXB.CTQGST, HN 2021, tập I, tr 151.
- ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐH toàn quốc lần thứ XIII, NXB.CTQGST, HN 2021, tập II, tr 136-137-138.