Ngày 14/12/1990, tại Đại hội đồng Liên hợp Quốc (theo Nghị quyết số 45/106) đã chỉ định ngày 1/10 hằng năm là Ngày Quốc tế Người cao tuổi (NCT), bắt đầu từ ngày 1/1/1991), Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ những ngày đầu. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã quan tâm đến Ngày Quốc tế NCT (1/10) hằng năm bằng những việc làm thiết thực.
Ngày Quốc tế NCT (1/10)
Năm 2024, kỷ niệm lần thứ 34 Ngày Quốc tế NCT (1/10/1991 – 1/10/2024) (theo cách tính của Liên hợp Quốc). Ngày 14/12/1990, tại Đại hội đồng Liên hợp Quốc (theo Nghị quyết số 45/106) đã chỉ định ngày 1 tháng 10 hằng năm là Ngày Quốc tế NCT, bắt đầu từ ngày 1/1/1991), Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ những ngày đầu. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã quan tâm đến Ngày Quốc tế NCT (1/10) hằng năm bằng những việc làm thiết thực; Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg, ngày 25/4/2015, lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.
Khái quát về Ngày Quốc tế NCT (1/10)
Liên hợp Quốc đã sớm chú ý tới các vấn đề liên quan đến NCT và đã tổ chức Đại hội thế giới lần đầu tiên trong lịch sử loài người vào tháng 10/1982, tại Tp. Viên, Thủ đô nước Cộng hòa Áo. Đại hội đã phân tích sâu sắc mọi khía cạnh về NCT; chỉ ra tiềm năng quí giá của NCT; khẳng định tuổi thọ tăng và khẳng định NCT là nhân tố quan trọng của sự phát triển. Đại hội đã trịnh trọng tuyên bố: “Cần bảo đảm không một hạn chế nào, mọi quyền lợi của NCT theo đúng Tuyên ngôn về Quyền con người của Liên hợp quốc”. Đại hội lịch sử này đã thông qua Chương trình hành động quốc tế dài hạn về NCT (Nghị quyết số 37/51); Phát động Năm Quốc tế NCT (1982); Thông qua biểu tượng “Cây đa” biểu trưng của NCT. Năm 1991, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 46/91 về “Những nguyên tắc thuộc đạo lí đối với người cao tuổi” làm cơ sở để xây dựng mọi chương trình hành động quốc tế và từng quốc gia; đồng thời ra Nghị quyết số 45/106 năm 1990, lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm là Ngày Quốc tế NCT, bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 1991 và đã chính thức thông báo cho tất cả các quốc gia trên thế giới.
(Ảnh minh họa)
Bằng việc đề ra Ngày Quốc tế NCT, Liên hợp quốc mong muốn mọi người nhận thức rõ hơn về một thực tế về NCT, thấy rõ khả năng to lớn của NCT đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng xã hội. Đồng thời cũng lưu ý cho cộng đồng trên toàn thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ, đó là sự hóa già của dân số và trong tương lai không xa về “Kỷ nguyên của người cao tuổi”.
Nội dung của Ngày Quốc tế NCT được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh: Các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên Hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ, đang chuẩn bị kế hoạch hoạt động sâu rộng để đánh dấu Ngày Quốc tế có ý nghĩa trọng đại này. Nội dung và lĩnh vực hoạt động nhân Ngày Quốc tế NCT, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia, có thể đề cập đến các lĩnh vực cụ thể đó là: Sự cống hiến của NCT trong khoa học; văn học, nghệ thuật; thể thao và phát triển xã hội; những hoạt động hữu ích trong phạm vi gia đình, cộng đồng, học đường và thương mại; bên cạnh việc biểu dương những đóng góp trong nhiều lĩnh vực đối với cộng đồng, cũng cần đề cập đến nghĩa vụ của xã hội cộng đồng đối với NCT, nhất là những người đang gặp khó khăn trong đời sống do tuổi cao, sức yếu.
Đây là một quyết định có tầm quốc tế quan trọng, là biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của cả nhân loại đến một hiện tượng mới, đó là sự gia tăng nhanh chóng của dân số NCT, cần thống nhất hành động vì quyền lợi của NCT và vì sự tiến bộ chung của cả nhân loại.
Năm 2002, Đại hội đồng thế giới lần thứ 2 được tổ chức tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha đã thông qua Kế hoạch hành động quốc tế Madrid về NCT (MIPPA) nhằm ứng phó với già hóa dân số chỉ ra những cơ hội và thách thức của già hóa dân số trong thế kỷ 21. Hướng tới sự phát triển của một xã hội cho mọi lứa tuổi.
Kế hoạch tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: NCT và sự phát triển; Nâng cao sức khỏe và hạnh phúc khi về già; Đảm bảo môi trường hỗ trợ cho NCT. Tại Điều 17 của MIPAA công nhận và nhấn mạnh vai trò của các cấp, các chính phủ và cách tiếp cận toàn của xã hội đối với việc thực hiện, đánh giá với vấn đề già hóa dân số.
Từ năm 2002 đến năm 2022, Liên hợp quốc đã tổ chức đánh giá lần thứ tư Kế hoạch Hành động Quốc tế Madrid về NCT:
– Đánh giá cao sự tăng thêm tuổi thọ ở nhiều vùng trên thế giới như là một thành tựu quan trọng của loài người… Sự chuyển đổi nhân khẩu học đó đang buộc tất cả các quốc gia phải mở rộng các cơ hội, đặc biệt là các cơ hội cho NCT thực hiện được tiềm năng của họ để tham gia vào tất cả các mặt của đời sống;
– Cam kết loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử bao gồm phân biệt vì lí do tuổi già. Thừa nhận NCT cũng phải được hưởng một cuộc sống đầy đủ, có sức khoẻ, được an toàn và tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá và chính trị của xã hội mình;
– Khẳng định thế giới hiện đại đã đạt được sự giàu có và năng lực công nghệ chưa từng có và đang tạo ra các cơ hội phi thường đảm bảo cho con người đạt được một tuổi già mạnh khoẻ hơn, với cuộc sống đầy đủ hơn. NCT có thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, có thể đóng góp có hiệu quả hơn cho cộng đồng của mình và cho sự phát triển của xã hội;
– Tiềm năng của NCT là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương lai. Điều đó làm cho xã hội có thể tin cậy vào các kỹ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng tăng của NCT, không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn tham gia tích cực vào việc nâng cao cuộc sống của toàn xã hội;
– Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia, thuộc bất cứ lĩnh vực nào của xã hội, cá nhân và tập thể, tham gia cống hiến cho mục tiêu bình đẳng cho con người ở mọi lứa tuổi.
Trên cơ sở đề ra nội dung, chương trình hành động cụ thể qua từng giai đoạn trong tiến trình phát triển của xã hội, chủ đề hành động cho từng năm với Ngày Quốc tế NCT, các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ đã nỗ lực, kiên trì bền bỉ hoạt động đóng góp cho sự phát triển của xã hội loài người. Từ năm 2001 đến nay, Ngày Quốc tế NCT luôn được gắn từng năm với các chủ đề khác nhau, nhưng tựu chung đều gắn NCT tới một xã hội tương lai, bình đẳng, cống hiến, phát triển…
Chủ đề Liên hợp quốc về Ngày Quốc tế NCT 1/10/2024
Năm 2024, Kỷ niệm lần thứ 34 Ngày Quốc tế NCT, Liên hợp quốc đưa ra chủ đề: “Ageing With Dignity: The Importance Of Strengthening Care And Support Systems For Older Persons Worldwide”. Tạm dịch: “Già đi với phẩm giá: Tầm quan trọng về tăng cường hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho người cao tuổi trên toàn thế giới”.
Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu và đang định hình lại xã hội trên toàn thế giới. Tuổi thọ trung bình đã vượt quá 75 tuổi ở một nửa số quốc gia trên thế giới, dài hơn 25 năm so với năm 1950.
Đến năm 2030, số người già được dự đoán sẽ đông hơn giới trẻ trên toàn cầu và tăng nhanh nhất ở các nước đang phát triển. Sự thay đổi nhân khẩu học này đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh chăm sóc, bao gồm nhiều nhu cầu về hỗ trợ có trả phí và không trả phí trong môi trường chính thức và không chính thức.
Khi dân số già đi, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc và hỗ trợ xã hội toàn diện đã tăng lên đáng kể, đặc biệt đối với những người lớn tuổi mắc các bệnh như chứng mất trí nhớ. Để ghi nhận những thách thức và cơ hội này, lễ kỷ niệm lần thứ 34 Ngày Quốc tế NCT của Liên hợp quốc tập trung vào chủ đề: “Ageing With Dignity: The Importance Of Strengthening Care And Support Systems For Older Persons Worldwide”. Tạm dịch: “Già đi với phẩm giá: Tầm quan trọng về tăng cường hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho người cao tuổi trên toàn thế giới”.
Sự kiện Ngày Quốc tế NCT năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động quy tụ các chuyên gia để thảo luận về chính sách, luật pháp và thực tiễn nhằm tăng cường hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho NCT. Sự cấp thiết để mở rộng các cơ hội đào tạo và giáo dục về lão khoa, giải quyết tình trạng thiếu nhân lực về chăm sóc sức khỏe và ghi nhận sự đóng góp của họ cho NCT.
Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nhân quyền của cả người chăm sóc và người được chăm sóc, thúc đẩy các phương pháp chăm sóc lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, niềm tin, nhu cầu và quyền riêng tư của NCT cũng như quyền tự đưa ra quyết định về việc được chăm sóc, đảm bảo cuộc sống cho NCT.
Thu Hằng (tổng hợp)