Hiệp hội Phòng chống Tăng huyết áp Thế giới (World Hypertension League) từ năm 2005 đã lấy ngày 17 tháng 5 hàng năm là Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp (THA) với mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh THA và tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp.
Theo báo cáo Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (STEP) năm 2021, tỷ lệ mắc THA ở người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên là 26,2%. Trong đó, nhóm tuổi từ 50 đến 69 tuổi có tỷ lệ mắc THA cao nhất với 51,9%. THA tiến triển âm thầm và gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, bệnh mạch vành, suy tim, tổn thương thận và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao mắc THA nên sàng lọc bằng cách đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần. THA là bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả thông qua việc tích cực thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều khi không có chỉ định của bác sỹ.
(Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh)
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp năm 2024 với chủ đề “Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống khỏe”, các thông điệp chính được đưa ra như sau:
1. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
2. Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình.
3. Thực hiện giảm muối (dưới 5g muối/ngày) ngay hôm nay để có một cơ thể khỏe mạnh.
4. Đọc kỹ hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng.
5. Tăng cường tiêu thụ các loại rau, củ, trái cây: các thực phẩm giàu chất xơ.
6. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường, muối, chất béo bão hòa.
7. Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng, chống thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh