Nghề dạy học được đánh giá là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thế nhưng, hiện nay, nghề cao quý ấy được cho là một trong những nghề áp lực nhất trong xã hội. Đó cũng chính là nguyên nhân những năm gần đây có không ít giáo viên đã sẵn sàng bỏ nghề sau bao năm đèn sách, gắn bó và cống hiến.
Vai trò của người thầy trong xã hội xưa
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, trong đó phải kể đến truyền thống hiếu học, “Tôn sư trọng đạo”. Người Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trải qua nhiều biến cố lịch sử thì truyền thống đó không bao giờ thay đổi. Truyền thống hiếu học, “Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp văn hóa mang đậm tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Coi trọng sự học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị của nền văn hóa giáo dục Việt Nam qua các thời đại. Người thầy luôn được xã hội tôn kính, là người được nhân dân gửi gắm niềm tin tuyệt đối về việc học hành và sự thành đạt của con em họ. Vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng, hình ảnh người thầy luôn tiêu biểu trong xã hội, nghề giáo được thừa nhận là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
(Ảnh minh hoạ: IT)
Dưới chế độ phong kiến, vị trí người thầy được xếp hàng thứ hai, sau vua và trên cả cha mẹ, vị trí của người thầy luôn được khẳng định và đã đi vào ca dao, tục ngữ: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi / Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”; “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy / Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu”; “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”…
Từ vị trí quan trọng của người thầy, của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, ông cha ta đã đúc kết thành quan niệm và trở thành đạo lý: “Lương Sư hưng Quốc” – nghĩa là một xã hội muốn hưng thịnh, phát triển thì xã hội đó phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học, phải coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đó chính là cái gốc, để làm nên sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Đạo lý ấy đã được người xưa gửi gắm qua ca dao và được truyền tụng từ đời này qua đời khác: “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Trong xã hội xưa, người thầy luôn được kính trọng, bởi họ thường xuyên dạy học trò phải tự soi mình để rèn luyện bản thân. Họ không chỉ dạy chữ, mà còn coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học trò của mình: “Tiên học lễ hậu học văn”, coi đó là gốc rễ của việc dạy và học, qua đó đào tạo thế hệ học trò vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc. Người thầy luôn đặt ra yêu cầu cao đối với học trò, như phải biết lễ nghĩa, thưa gửi khi gặp thầy, phải giữ chữ tín, đi đứng phải đúng mực, phải biết cách ứng xử trong gia đình, bạn bè và xã hội; biết đối nhân xử thế sao cho đúng nghĩa là người có học…
Đạo nghĩa và những nét đẹp trong mối quan hệ thầy – trò trong xã hội xưa hầu như không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực, mà xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục. Thậm chí, sự trách phạt của thầy cũng mang hàm lượng giáo dục cao. Thầy luôn là người giữ phẩm chất cao đẹp, trong sáng, không đòi hỏi hay ép buộc trò, gia đình học trò phải cung phụng, biếu xén bất cứ thứ gì; thầy luôn lấy giáo dục làm đầu và luôn coi sự thành đạt của trò là uy tín, tài năng đức độ của mình.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 02/9/1945. Sau khi nước ta giành được độc lập, ngành giáo dục và thế hệ các nhà giáo bước vào cuộc chiến “diệt giặc dốt”, từng bước khắc phục hậu quả nặng nề mà chế độ cũ để lại với hơn 90% dân số mù chữ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954 – 1975), các thế hệ nhà giáo đã lần lượt “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Những nhà giáo không tham gia xung phong nhập ngũ, họ ở lại quê hương, đơn vị tiếp tục sự nghiệp giáo dục của mình dưới áp lực của “mưa bom bão đạn”, tối tăm trong lòng đất mẹ, họ vừa là giáo viên, vừa là chiến sỹ cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà với tinh thần: “Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ, Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào,… Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sỹ”.
Những áp lực đối với “nghề cao quý” trong thời kinh tế thị trường
Kế thừa những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cho đến nay, vị trí, vai trò của giáo dục, của người thầy vẫn luôn được xã hội đánh giá cao, coi trọng và tôn kính. Kể từ khi lập nước đến nay, giáo dục và đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, coi trọng là “Quốc sách hàng đầu”, là động lực quan trọng hàng đầu góp phần vào sự phát triển của đất nước, từng bước đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Tuy nhiên, xét ở góc độ người thầy thì chưa bao giờ họ lại đứng trước nhiều áp lực như hiện nay. Hiện tượng hàng chục nghìn giáo viên bỏ nghề (trong đó có không ít giáo viên sau nhiều năm công tác, gắn bó) đã cho thấy những chính sách bất cập đối với giáo dục và đào tạo, chế độ ưu đãi dành cho giáo viên chưa thực sự xứng tầm và những áp lực mà họ đang phải gồng mình chống đỡ trong quá trình công tác.
Gạt bỏ những áp lực đời thường, cô giáo Đoàn Thị Hồng Gấm (Trường THCS Hoàng Diệu, Quận Lê Chân) luôn nở nụ cười mỗi khi lên lớp
Có lẽ áp lực đầu tiên đối với mỗi thầy cô giáo đó chính là chế độ chính sách tiền lương 3 năm qua (2020 – 2022) không hề tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong khi đó việc đổi mới chương trình giảng dạy, thi cử liên tục thay đổi với khối lượng công việc ngày càng nhiều, giá cả thị trường liên tục leo thang. Sau 3 năm không tăng lương, từ ngày 1/7/2023, lương cơ bản đối với cán bộ viên chức trong đó có giáo viên đã tăng thêm 20,5%. Tuy nhiên, so với mức leo thang của giá cả thị trường thì tốc độ tăng lương như vậy vẫn không làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người thầy. Từ đó dẫn tới hiện tượng, không ít các thầy cô giáo sau nhiều năm gắn bó với nghề “lái đò” đã sẵn sàng bỏ nghề để xin đi làm công nhân tại các khu công nghiệp với mức lương cao gấp nhiều lần lương giáo viên. Nhiều thầy cô tuy vẫn gắn bó với công việc giảng dạy, nhưng họ đã phải gồng mình làm thêm nhiều nghề khác để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình như: bán hàng online, shiper, “cò đất”, sale du lịch, bán vé máy bay, xe ôm grab, taxi, làm trang trại, buôn bán hàng nông sản từ quê ra thành phố,…
Đọc đến đây, có lẽ không ít người đặt câu hỏi là tại sao các thầy cô lại không “tranh thủ” dạy thêm để tăng thêm thu nhập? Họ có muốn và cũng xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của học sinh, phụ huynh, nhưng hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể nào mang tính pháp quy về vấn đề này, từ đó dẫn đến những hiểu sai về người thầy và nghề dạy học. Dạy thêm, học thêm đang trở thành vấn đề rất nóng của xã hội hiện nay và đó cũng là một áp lực vô cùng lớn đối với các thầy cô. Chương trình giáo dục phổ thông mới với lượng kiến thức nhiều, khó, với thời lượng học chính khóa chưa đáp ứng đủ, trong khi nhận thức của học sinh thì có hạn. Làm thế nào để bổ sung kiến thức cho học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là trăn trở không chỉ của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, mà còn là sự lo lắng của các bậc cha mẹ học sinh hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay đang có những bất cập cần có sự vào cuộc, tháo gỡ của các cơ quan chuyên môn.
Cô giáo Chu Lan Phương và học sinh lớp 7C5, trường THCS Hoàng Diệu (Lê Chân – Hải Phòng)
Một số chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao các nghề khác được phép làm thêm, điển hình như nghề thầy thuốc, bác sỹ họ được phép mở phòng khám tư mà thầy giáo lại không được phép mở lớp dạy thêm, lại cấm đoán, xử phạt? Trong khi việc học thêm là một nhu cầu tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh? Phải chăng cần có những quy định cụ thể mang tính pháp lý quy định việc dạy thêm của các thầy cô giáo?
Khi được hỏi về số năm công tác và mức lương đang được hưởng hiện nay, cô Nguyễn Thúy Hà, giáo viên dạy Tiếng Anh trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) trải lòng: Tôi đã công tác trong ngành giáo dục được 27 năm, đến nay tổng lương thực lĩnh hàng tháng là 9,6 triệu đồng. Với mức lương như vậy, hàng tháng gia đình cô phải tằn tiện chi tiêu trong sinh hoạt, nếu không sẽ bị âm. Trong khi đó, khối lượng công việc giảng dạy là rất lớn với nhiều áp lực từ sở, nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong xã hội, nghề dạy học được coi như một chuẩn mực đạo đức để áp đặt lên từng hành động, cử chỉ, việc làm và lời nói. Danh nghĩa người thầy được xã hội mặc định là không được quyền phạm sai lầm. Điều này hoàn toàn mang tính áp đặt và gây áp lực tâm lý đối với mỗi thầy cô giáo. Thực tế cho thấy, tuy là nhà giáo, nhưng họ cũng là một con người bình thường, là thành viên trong xã hội, có gia đình, có những lo lắng, âu lo cho bố mẹ, vợ chồng và các con, lo toan về cơm áo gạo tiền… “Với rất nhiều áp lực như vậy, lại cộng thêm bệnh thành tích trong giáo dục, từ đó không ít giáo viên rơi vào tình trạng mệt mỏi, khủng hoảng tâm lý, tuyệt vọng với nghề không còn niềm tin trong cuộc sống,…”, cô Hà nói.
Giáo viên mầm non được đánh giá là áp lực nhất và lương thấp nhất cô giáo trường mầm non Nhi Đức (Kiến An, Hải Phòng) đang hăng say giảng dạy cho các con 5 tuổi
Một cô giáo trường Mầm non Quán Trữ (Quận Kiến An, TP Hải Phòng) chia sẻ với phóng viên: Áp lực lắm anh ạ, lúc nào cũng căng như giây đàn ấy, mà lương lại thấp. Em công tác đến nay đã gần 20 năm, lương cơ bản được 6,4 triệu. Hàng ngày phải đi làm sớm từ 6h30 đã có mặt ở lớp quét dọn, lau nhà, sau đó đón trẻ, trưa hầu như không được ngủ, chiều đến 17h, thậm chí có những hôm muộn hơn mới được về. Đó là chưa kể những hôm họp chuyên môn, chuẩn bị các nội dung sinh hoạt chuyên đề thì còn về muộn nữa. Áp lực nhất đối với giáo viên mầm non là làm thế nào để dạy các con trong hoàn cảnh không được quát mắng, roi vọt? Một số phụ huynh họ tự cho mình một cái quyền truy vấn, tra hỏi giáo viên mỗi khi con họ chỉ bị xây xước một chút, thậm chí làm ầm lên, chụp ảnh tung lên mạng khi chưa tìm hiểu rõ sự việc?
Ngoài áp lực đồng lương, những người “lái đò” họ còn phải chịu thêm rất nhiều áp lực từ phía phụ huynh học sinh, cấp trên, dư luận xã hội. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề giáo dục lại “nóng” như hiện nay. Ngay từ đầu năm học mới, hàng trăm tờ báo, trang mạng tập trung cao độ phản ánh vấn đề thu tiền đầu năm học, dạy thêm – học thêm. Và một lần nữa những người làm “nghề cao quý” lại được xã hội đưa lên bàn cân? Nào là dạy thêm học thêm tràn lan; Lạm thu đầu năm học,… Chỉ cần một ý kiến nho nhỏ của phụ huynh học sinh phản ánh lên mạng về vấn đề dạy thêm – học thêm, thu tiền đầu năm là lập tức các báo “nhảy vào”, cơ quan chức năng ngành dọc vào cuộc thanh tra, các nhà trường và thầy cô có liên quan sẽ bị quay như chong chóng, gây tâm lý bất ổn đối với đội ngũ giáo viên, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học.
Cô giáo Phạm Thị Tiểu Thanh và học sinh lớp 8B1, Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân (Hải Phòng)
Một cô giáo trường THCS Hoàng Diệu (Quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ: Trong cuộc sống, không có ai là hoàn hảo cả, ai cũng có lúc mắc sai lầm, kể cả giáo viên chúng tôi cũng vậy. Trong quá trình giảng dạy không tránh khỏi những lúc có thể có sự mâu thuẫn với đồng nghiệp, phụ huynh và học trò về phương pháp dạy dỗ các con. Tuy nhiên, nguyện vọng của tất cả các thầy cô giáo đều mong muốn học trò của mình ngày càng tốt hơn, nhưng đôi khi cách làm của họ có thể chưa nhận được sự đồng tình, thông cảm, thấu hiểu từ phía nhà trường, phụ huynh và học sinh. Thậm chí có trường hợp dẫn đến những hiểu lầm không đáng có, để rồi xảy ra mâu thuẫn và những hậu quả đáng tiếc.
Anh Vũ Quý Tôn, một phụ huynh học sinh Trường THPT Đồng Hòa (Hải Phòng) đưa ra quan điểm rất hay: Thầy cô giáo và phụ huynh học sinh được ví như đôi vợ chồng, học sinh chính là đứa con chung của họ, nhà trường chính là môi trường sống. Để đứa con của mình phát triển hoàn thiện thì cả bố và mẹ phải hòa thuận, đoàn kết, quan tâm, đầu tư và môi trường sống phải được cải thiện khang trang sạch đẹp. Muốn vậy cần có sự chung tay của nhà trường, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Do vậy, mong muốn chung của các thầy cô giáo là cần nhận được sự tin tưởng, thấu hiểu và cảm thông của học sinh, phụ huynh, gia đình và xã hội đối với công việc giảng dạy của họ, để họ vững tâm công tác, cống hiến vì sự nghiệp “trồng người”.
Văn Chương