Từ thực tế điều trị trên thế giới…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng hậu Covid-19 xuất hiện ở người bệnh thông thường khoảng 3 tháng kể từ lúc nhiễm bệnh. Các triệu chứng này thường kéo dài ít nhất 2 tháng và không được giải thích bằng các bệnh lý khác, bao gồm:
– Toàn thân: Mệt mỏi kéo dài, sụt cân, bứt rứt, cảm giác sức khỏe kém hơn trước, hay vã mồ hôi.
– Hô hấp: Ho khan kéo dài, tức ngực, khó thở đặc biệt khi gắng sức, ngáy và ngưng thở khi ngủ.
– Tim mạch: Đau ngực, tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim.
– Thần kinh: Chóng mặt, đau nhức các cơ, mỏi cơ, mau quên, khó tập trung, không suy nghĩ được (hiện tượng não sương mù), đau đầu và đột quỵ.
– Tâm thần: Lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, hoảng sợ.
– Da: Nổi ban đỏ ở da, sưng và đỏ các ngón tay và chân, chấm xuất huyết ở da, rụng tóc.
– Tiêu hóa: Biếng ăn, đau họng, khó tiêu, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, nôn, buồn nôn.
– Tai mũi họng: Ù tai, nghe kém, mất mùi, mất vị giác, khó nói.
– Xương khớp: Đau khớp, phù chân, rối loạn vận động.
– Mắt: Đỏ mắt.
– Vấn đề kinh nguyệt.
Qua kinh nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh… Bác sĩ mắc Covid-19 cũng chịu hậu quả này
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 300.000 người từng mắc Covid-19 được xuất viện. 2/3 trong số này có nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt hàng loạt di chứng mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, giảm sự tập trung… Các bất thường không chỉ liên quan hệ hô hấp mà còn liên quan đến xáo trộn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức… diễn ra đối với cả nhân viên y tế.
Tháng 8/2021, khi đang tham gia điều trị các bệnh nhân hậu Covid-19, Bác sĩ K.T. (31 tuổi), khoa Tim mạch 3, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP Hồ Chí Minh) phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Vì sớm được tiêm hai mũi vaccine, chỉ điều trị ít ngày, bác sĩ T. đã khỏi bệnh. Nhưng đến tuần thứ tư sau nhiễm, Bác sĩ T bắt đầu xuất hiện vấn đề về trí nhớ.
Có lúc bệnh nhân đã khai bệnh, Bác sĩ T. khám xong lại quên cho thuốc hoặc tư vấn. Tần suất công việc bị ảnh hưởng trầm trọng, khiến bác sĩ này phải báo cáo lãnh đạo khoa, để giảm tải công việc. Ngoài ra, nhịp tim Bác sĩ T cũng nhanh bất thường, chỉ cần leo cầu thang khoảng 2 lầu hoặc làm gì nhanh vội là đều thấy mệt và phải thở gắng sức. “Tôi phải tập vật lý trị liệu phổi một tháng sau nhiễm và uống thuốc hỗ trợ thần kinh. Dù hiện tại có cải thiện hơn nhưng trí nhớ vẫn còn bị ảnh hưởng” – Bác sĩ T kể.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hiền Cẩm Thu, trưởng khoa Tim Mạch 3, Bệnh viện Nguyễn Trãi nhớ lại, có thời điểm Bác sĩ T. gần như không nhớ gì, đến nỗi quên cả viết phác đồ điều trị, đi học nâng cao chuyên môn cũng nghe trước quên sau, giống như “người trên mây”. Bác sĩ T có dấu hiệu điển hình của hội chứng “sương mù não”: kém tập trung, suy giảm trí nhớ, lơ mơ tinh thần, gặp khó khăn trong công việc.
Nguyên nhân tình trạng này sau nhiễm Covid-19 có thể do viêm não, tổn thương phổi gây thiếu oxy não, rối loạn tự miễn dịch hoặc do căng thẳng, làm việc quá sức… Bác sĩ T cho biết, từ lúc phòng khám hậu Covid-19 của Bệnh viện thành lập tháng 9/2021, chị cũng gặp các trường hợp bị ảnh hưởng đến trí nhớ tương tự mình. Nhất là ở người già, vì độ tuổi cao thì thành mạch xơ cứng và thường có bệnh nền (huyết áp, tiểu đường gây mỡ máu, xơ vữa mạch máu não…).
Lại có nhiều trường hợp bệnh nhân dù trước đó trẻ khỏe nhưng sau khi nhiễm bệnh không thể chơi các môn thể thao vận động nhiều, tập thể dục cường độ cao cũng không được. Bác sĩ T khuyến cáo: Ba tháng đầu, bệnh nhân hậu Covid-19 không nên vận động mạnh. Kể cả quan hệ vợ chồng cũng cần hạn chế, vì lúc này bệnh nhân sẽ gắng sức nhiều, khiến nhịp tim nhanh, dễ dẫn đến thiếu oxy não, khó thở.
Ở bệnh viện quá lâu cũng gây ám ảnh
Chị BH làm việc tại phòng điều dưỡng của Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, chị ở lại bệnh viện chống dịch. Tháng 8/2021, sau khi phát hiện mắc Covid-19, chị được đưa vào khoa Nhiễm, điều trị 2 tuần lễ bằng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm, thuốc trị viêm phổi. Vì thời điểm này chưa có thuốc đặc trị, chị cũng hơi lo lắng.
Chưa kịp mừng sau khi đã có kết quả âm tính, ở chị H đã xuất hiện tình trạng hụt hơi và sức bền giảm sút thấy rõ thời gian đầu sau nhiễm. Ngoài ra, bệnh mất ngủ của chị tiếp tục tái phát như thời điểm trước khi dương tính SARS-CoV-2. Hậu Covid-19, chị phải áp dụng các bài tập hỗ trợ hô hấp liên tục và phải đi kiểm tra sức khỏe toàn diện. Hiện tại dù đã gần 6 tháng khỏi bệnh, chị H. cho rằng mình chỉ hồi phục khoảng 90% thể trạng trước đây.
Sau khi đã trải qua việc trở thành F0 và gánh chịu di chứng, chị H khuyên mọi người dù đã tiêm đủ mũi vaccine vẫn không được chủ quan mà phải luôn tuân thủ “5K” để phòng bệnh, có chế độ ăn lành mạnh, dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, phải có thói quen tập thể dục, luyện tập bài tập tăng cường sức cơ, đặc biệt là cơ hô hấp, vì sẽ giúp ích rất nhiều nếu chẳng may nhiễm bệnh.
Cũng từng tham gia điều trị Covid-19 tại khoa Hồi sức cấp cứu – Chống độc (ICU) của Bệnh viện Nguyễn Trãi nên khi phát hiện nhiễm bệnh vào ít ngày trước, Bác sĩ HN không quá lo lắng. Anh chỉ có triệu chứng nhẹ, cảm sốt, mất mùi và âm tính chỉ sau một tuần lễ.
Theo bác sĩ HN, các trường hợp bệnh nền, béo phì là những bệnh nhân trong quá trình điều trị và cả thời điểm “hậu Covid-19” đều có khả năng biến chứng nặng. Ngoài ra, điều dễ khiến bệnh nhân ám ảnh nhiều nhất là việc bị giữ lại điều trị quá lâu.
“Có thời điểm theo quy định, F0 phải cách ly điều trị đến 21 ngày dù không có triệu chứng nặng, thậm chí đã xét nghiệm âm tính, khiến tinh thần bệnh nhân bị ảnh hưởng. Do đó, bệnh viện và người điều trị hãy cố gắng cho bệnh nhân về sớm nhất, khi đã hồi phục hoặc đủ điều kiện cách ly tại nhà. Mọi người hãy cố gắng suy nghĩ lạc quan, tích cực, thường xuyên tập thể dục, sống lành mạnh” – Bác sĩ HN chia sẻ kinh nghiệm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, ngoài di chứng điển hình là xơ phổi (chiếm 71%), các triệu chứng dấu hiệu “sương mù não” (mất ngủ, giảm trí nhớ) chiếm gần 40% trường hợp.
Với những bệnh nhân này, bệnh viện sẽ điều các chuyên gia tâm lý hỗ trợ điều trị, với liệu trình 2 tuần. Chuyên gia sẽ hỏi bệnh sử và tham vấn để ổn định tinh thần cho bệnh nhân. “Đa số bệnh nhân đều cải thiện tốt sau liệu trình điều trị tâm lý. Chúng tôi không muốn bệnh nhân lệ thuộc vào thuốc, nên chỉ có các trường hợp quá nặng, không còn cách nào khác thì mới điều trị bổ sung bằng các thuốc hỗ trợ giấc ngủ” – Bác sĩ Sang cho biết.
Bác sĩ Sang cảnh báo thực trạng nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 vẫn rất chủ quan, cứ tưởng các triệu chứng như hụt hơi, suy giảm thể lực là nhẹ, sẽ tự lướt qua, mà không biết mình có thể gặp nguy hiểm. Thay vào đó, bệnh nhân nếu thấy biến chứng bất ngờ phải đi bệnh viện ngay để được phát hiện, can thiệp, xử lý kịp thời.
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (phó chủ tịch liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh), nếu sau khi khỏi Covid-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám, để cơ thể tiếp tục tự điều chỉnh, phục hồi.
Những người hậu Covid-19 khi khó thở cần bình tĩnh, kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, chanh có mùi hương. Người bị rụng tóc cần bổ sung vitamine, khoáng chất (nhất là kẽm), Bcomlex. Mệt mỏi thì nên gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý.
Người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen xuyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu Covid-19. Người có biểu hiện đau nhức xương khớp nên dùng thuốc xoa bóp, uống thuốc giảm đau, tăng cường vận động, tập luyện, làm việc nhà nhẹ nhàng. Chỉ nên đi khám hậu Covid-19 khi đã tăng cường nhiều giải pháp.
Nếu trọng lượng cơ thể tăng nhanh…
Bác sĩ Lê Thái Văn Thanh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) lưu ý thêm: Khi mắc Covid-19, nếu phải dùng thuốc kháng viêm chứa corticoid thì điều đó là rất cần thiết để cứu mạng. Sau khi ra viện, nếu thấy cân nặng tăng nhanh, cơ thể có dấu hiệu phù nề thì hãy uống nhiều nước để thuốc mau đào thải ra ngoài.
… và Thành phố Hà Nội
Chị H (30 tuổi) mới khỏi Covid-19 hơn 1 tháng. Khi mới mắc, chị tự tin điều trị ở nhà, vì chỉ sốt 38,5 độ C trong 2 ngày, đau người, mất khứu giác 5-6 ngày là âm tính trở lại. Nghỉ ngơi thêm một dạo, trở lại làm việc nhưng không ngờ bị hậu Covid-19 hành hạ.
Chị H kể: “Công việc của tôi chủ yếu phải nói. Trước khi mắc Covid-19, lắm lúc ngủ dậy tôi bị ngứa họng, muốn ho hắng nhưng chỉ một buổi sáng livestream bán hàng là lại ngọt giọng ngay. Sau khi thoát F0, tôi chỉ nói vài câu đã mệt, phải dừng để lấy hơi, sức khỏe giảm khoảng 30%”.
“Ai bảo mắc Covid-19 cũng xoàng thôi thì nên xem lại. Đừng vì thấy đa số bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng mà chủ quan, vì di chứng hậu Covid-19 cũng rất nặng nề. Tôi có người bạn sau khi mắc Covid-19 còn bị rụng tóc, mất ngủ, mùa đông nằm ngủ nhưng mồ hôi vã như tắm, chân tay thì lạnh”.
Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bộ Quốc phòng), nhiều người sau khi khỏi Covid-19 thì khỏe như vâm nhưng 1 tháng sau đó sức khỏe giảm sút, chỉ leo một đoạn cầu thang đã mệt, nói vài câu đã hụt hơi.
Ngoài các triệu chứng kể trên, theo Bác sĩ Hoàng, F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi khỏi bệnh có thể gặp các biểu hiện: bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động, khó ngủ. Nhiều người gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não: nặng đầu, váng đầu, đi lại như trên mây. Có nhóm người bị kém tập trung, nhớ nhớ quên quên điều vừa diễn ra; một số người bị hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, khó thở, trào ngược dạ dày.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), tuy chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề hậu Covid-19 nhưng có giả thiết cho rằng với F0 thể nhẹ sau khi khỏi bệnh, cơ thể sinh ra các kháng thể tự miễn gây ra tình trạng viêm; với bệnh nhân tương đối nặng thì có tình trạng đông máu, tắc mạch, rồi cục máu đông trôi đi, gây tình trạng tắc vi mạch nơi khác.
Theo Bác sĩ Hoàng, đây có thể là tình trạng hậu quả viêm toàn thân do Covid-19 phát tác sau khi bệnh nhân âm tính, kết hợp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật hậu Covid-19. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng. Tình trạng viêm toàn thân lan tỏa này khiến khả năng trao đổi chất của cơ thể giảm.
Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân vẫn còn. Tại các mạch máu lớn, tình trạng tăng đông có thể tạo nguy cơ đột quỵ, thuyên tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi… Tại các mạch máu nhỏ, tình trạng tăng đông khiến việc cung cấp máu, oxy cho các cơ quan, tổ chức trong cơ thể giảm đi.
Hai vấn đề “viêm toàn thân” và “rối loạn đông máu” ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh, gây rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu não. Lúc này khả năng điều chỉnh đường máu, điện giải (natri, kali, clo, canxi…) khiến khả năng co bóp của cơ, khả năng dẫn truyền thần kinh suy giảm nên bệnh nhân cảm thấy tay chân yếu, sức lực giảm, không còn sung sức như trước.
Ngoài những cách đối phó như các khuyến cáo kể trên, theo Bác sĩ Hoàng, cần dùng những loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ như vitamine, khoáng chất, các sản phẩm giúp giảm căng thẳng (phẩm chức năng có tác dụng an thần, tăng cường tuần hoàn não… nguồn gốc thảo dược). Nếu được điều trị tốt, các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật sẽ ổn định sau 3-4 tuần.
Phạm Đăng Nguyên (ghi)