BSCKII. Đoàn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ (M8), Viện Sức khỏe tâm thần cho biết: “Qua thực tế tiếp nhận bệnh nhân đến khám tại Viện, trên 50% người bệnh có vấn đề rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại. Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm gấp 4 lần so với người không mất ngủ”…
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Khi gặp vấn đề về giấc ngủ, nếu không được thăm khám, can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. BSCKII. Phạm Công Huân (Phòng M8, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho biết: gần đây các bác sĩ tiếp nhận một giáo viên tên T.T.H.T, 42 tuổi, đến khám vì mất ngủ triền miên suốt 3 tháng. Theo chia sẻ của chồng bệnh nhân, trong cuộc sống hàng ngày chị T. sống nội tâm, chi li, cầu toàn, dù quan tâm tới người khác nhưng ít chia sẻ. Cuộc sống gia đình hoàn toàn bình thường nhưng khoảng một năm trở lại đây, chị có biểu hiện ngủ ít, lúc đầu ngủ 4-5 tiếng/ngày, gần đây chỉ ngủ 1-2 tiếng/ngày, trằn trọc không sâu giấc.
“Dù có thời gian để nghỉ ngơi nhưng tôi nằm mãi không ngủ được. Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhưng tôi vẫn sinh hoạt, làm việc được nên không đi khám, chỉ thi thoảng mua trà thảo dược về uống để ngủ ngon hơn nhưng không hiệu quả”, chị T. chia sẻ. Gần đây, chị T. ngủ ít và khó vào giấc ngủ hơn, thường sau khi lên giường 2-3 tiếng mới bắt đầu ngủ được. Giấc ngủ chập chờn, chị thường thức giấc nhiều lần trong đêm. Buổi trưa dù có thời gian, chị T. muốn ngủ bù nhưng không ngủ được nên buổi chiều làm việc thì uể oải, buồn ngủ, đau đầu. “Gần đây tôi mệt mỏi hơn, không tập trung vào công việc, dễ nổi cáu vô cớ, ăn kém ngon miệng, sụt 2 kg trong 2 tháng. Đặc biệt, tôi còn sợ, không dám ngủ chung giường với chồng, vì chồng ngủ ngáy. Lúc đầu tôi nghĩ đây là nguyên nhân khiến tôi mất ngủ, nhưng khi ngủ riêng tôi vẫn không thể ngủ được”, chị T. kể. Sau khi đi khám ở địa phương rồi dùng thuốc một tháng không đỡ, nhiều đêm vẫn thức trắng, chị tới Viện Sức khỏe tâm Quốc gia thăm khám. Bác sĩ Huân cho biết, kết quả thăm khám cho thấy chị T. mắc Hội chứng mất ngủ, với biểu hiện điển hình như khó vào giấc, giấc ngủ không sâu, thức giấc sớm và không ngủ lại được. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp với liệu pháp thư giãn, luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý. Hiện bệnh nhân ổn định, ngủ được tốt hơn, cảm xúc hành vi phù hợp, ăn uống tốt hơn.
BSCKII. Đoàn Thị Huệ cho biết: Rối loạn giấc ngủ thường xảy ra cùng với các tình trạng bệnh thể chất và sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn nhận thức. Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt tỉ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh. Theo bác sĩ Huệ, rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy với sức khỏe thể chất và sức khoẻ tâm thần như mệt mỏi, căng thẳng, kém tập trung, suy giảm hiệu quả làm việc, học tập… Do vậy, khi có các biểu hiện của mất ngủ như khó vào giấc, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, thức dậy sớm và không ngủ lại được… thì cần đi khám để điều trị kịp thời. Để phòng mất ngủ, mọi người cần lưu ý vệ sinh giấc ngủ từ không gian phòng ngủ, giường chiếu, chăn gối luôn đảm bảo sạch sẽ, chú ý các tiếng ồn trong thời gian ngủ, luôn giữ tinh thần thư thái để dễ đi vào giấc ngủ hơn, tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ…
Nguyên nhân và cách phòng ngừa rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng rối loạn liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng học tập, làm việc và xã hội. Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất. Các nghiên cứu cho thấy những năm gần đây, có khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng… Trong đó, 5% – 6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu. “Mất ngủ có mối liên quan chặt chẽ với trầm cảm, lo âu. Mất ngủ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại. Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm gấp gần 4 lần so với người không mất ngủ”.
Nguyên nhân của mất ngủ có thể liên quan đến nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính, như bệnh tim và tiểu đường. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh thể chất hoặc các bệnh lý hệ thần kinh, như suy tim sung huyết, viêm xương khớp và bệnh Parkinson… Ngoài ra, có một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các tác nhân khác như: Rượu, caffeine, theobromine, methyl xanthenes…
Đáng lo ngại là tình trạng rối loạn giấc ngủ đồng bệnh lý với rối loạn tâm thần. Bác sĩ Đoàn Thị Huệ thông tin, 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có một rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Để điều trị rối loạn giấc ngủ, theo các bác sĩ, bệnh nhân cần được hướng dẫn về thói quen ngủ lành mạnh, tạo thói quen ngủ đúng quy tắc. Bên cạnh đó, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp thể dục, tránh sử dụng các chất kích thích…
Một biện pháp điều trị chứng mất ngủ có thể kể đến là liệu pháp thư giãn. Theo đó, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn thở bằng cơ hoành, phản hồi sinh học, hình ảnh và thiền định. Bệnh nhân thực hiện bài tập hít thở sâu, sau đó là căng và thư giãn xen kẽ các nhóm cơ (ví dụ: cánh tay, cổ, lưng, chân) trên toàn cơ thể, hướng dẫn chú ý đến cảm giác thư giãn sau quá trình so với cảm giác căng thẳng trước đó và thực hành kỹ thuật này một lần trong ngày và trước khi đi ngủ.
Theo Bệnh viện Bạch Mai