Sỏi đường tiết niệu có thể gây tắc hệ thống tiết niệu, gây nhiễm trùng làm tổn thương chức năng của thận, đặc biệt ở người tuổi cao. Sỏi tiết niệu là một bệnh gặp chủ yếu ngoài tuổi trung niên, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới và là bệnh hay tái phát.
Những triệu chứng chính
Đường tiết niệu gồm thận (2 quả thận), niệu quản (2 niệu quản), bàng quang và niệu đạo, sỏi đường tiết niệu có thể ở bất vị trí nào của đường tiết niệu.
Bệnh có thể diễn biến dữ dội hoặc âm thầm, có trường hợp tình cờ phát hiện qua siêu âm ổ bụng hay chụp cắt lớp (CT) vì một bệnh khác.
Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng, đau và mỏi vùng thắt lưng, nhất là vùng bụng phía bên có sỏi. Đau bụng có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn hay chướng bụng. Đau vùng thắt lưng có khi âm ỉ nhưng có khi cơn đau dữ dội mà thường gọi là cơn đau quặn thận (đau lăn lộn không thể ngồi, nằm yên được).
Cơn đau quặn thận thường do sỏi tắc ở đài, bể thận hoặc sỏi đã di chuyển xuống niệu quản, nằm ở đó hoặc xuống bàng quang. Cơn đau quặn thận xuất phát từ vùng thắt lưng, lan dọc theo đường đi của niệu quản đến vùng bẹn và vùng sinh dục, có thể kèm theo sốt, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu máu hay tiểu mủ…
Cận lâm sàng để chẩn đoán
Để chẩn đoán sỏi tiết niệu thì ngoài khám lâm sàng, tiền sử bệnh thì cần là các hình ảnh học để chẩn đoán:
– Siêu âm luôn được áp dụng. Ưu điểm của siêu âm là nhanh cho biết được số lượng, kích thước và vị trí của sỏi, và biết được tình trạng đường tiết niệu (đài bể thận, niệu quản giãn hay không, niêm mạc bàng quang có phù nề hay không…).
– Chụp X-quang bụng không sữa soạn (KUB), tuy nhiên hơn 10% sỏi tiết niệu thuộc loại không cản quang vì vậy khi chụp X-quang có thể không phát hiện thấy sỏi. Do đó, khi lâm sàng nghi là sỏi đường tiết niệu, chụp X-quang không thấy sỏi thì chưa nên kết luận là không có sỏi tiết niệu. Để khắc phục tình trạng này thì nên chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV) sẽ cho thấy hình ảnh sỏi tiết niệu hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để phát hiện phát hiện sỏi.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT), có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để chẩn đoán sỏi đường tiết niệu, ngoài ra CT còn giúp chẩn đoán được nhiều bệnh ký ngoại khoa khác trong ổ bụng.
– Xét nghiệm nước tiểu cho biết một số thông số liên quan đến sỏi đường tiết niệu, sỏi thuộc loại gì (sỏi canxi oxalat hay hay canxi phốt phát hay sỏi amoni-magie hay sỏi axít uric…). Xác định được trong nước tiểu có hồng cầu, bạch cầu…
– Trong những trường hợp cần thiết thì nuôi cấy nước tiểu để xác định có bị nhiễm khuẩn hay không và vi khuẩn gây bệnh thuộc loại gì, nhạy cảm với loại kháng sinh nào nhất.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
– Khi có đau vùng thắt lưng hoặc có kèm sốt, tiểu rắt, buốt, nước tiểu đục… Thì nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, để muộn có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: suy thận, sốc nhiễm trùng nhiễm độc…
– Đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác, có hướng điều trị và tư vấn cho người bệnh. Tùy từng loại sỏi, lứa tuổi, sức khỏe của người bệnh mà có những phương pháp điều trị thích hợp. Với phương châm là hết sỏi nhưng vẫn giữ được chức năng của hệ tiết niệu.
– Để phòng tránh bệnh, nên uống đủ nước (từ 1,5 đến 2 lít nước), nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao; chế độ ăn hợp lý, tránh thức ăn quá nhiều canxi, protein, oxalat, purin, thức ăn mặn… Đặc biệt, bệnh rất dễ tái phát, bệnh nhân đã phẫu thuật phải chú ý chế độ ăn; không nén nhịn khi buồn đi tiểu, uống khoảng 2 lít nước/ngày (trường hợp có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu dắt nên dùng sớm các loại lợi tiểu như râu ngô, mã đề…). Người dân sống ở vùng núi, đá vôi nên đun sôi nước trước khi sử dụng. Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, điều trị kịp thời tránh các biến chứng.
BS CKII Trịnh Hoàng Tín – Phó Trưởng khoa Ngoại Thận – Tiết Niệu
Bệnh viện Trưng Vương