Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ ion hóa năng lượng cao để tiêu diệt diệt tế bào ung thư, đồng thời bảo vệ tối đa các mô lành xung quanh vị trí u và là một trong những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh ung thư. Xạ trị ngoài là phương pháp điều trị không xâm lấn sử dụng hệ thống máy gia tốc chiếu chùm tia bức xạ tới vị trí khối u, vì vậy khi xạ trị ngoài, không cần cách ly sau khi điều trị.
Các loại ung thư phổ biến ở trẻ em
Khác với người lớn, các loại bệnh ung thư thường xảy ra ở trẻ em là:
• Khối u não và tủy sống
• U nguyên bào thần kinh
• U nguyên bào thận
• Lymphoma
• Sarcoma
• U nguyên bào võng mạc
• Ung thư xương
(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Những lưu ý chăm sóc bệnh nhân khi điều trị xạ trị
Tác dụng phụ xuất hiện sớm
Tác dụng phụ sớm xuất hiện dưới 90 ngày từ khi bắt đầu xạ trị:
-Mệt mỏi: Trẻ có thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi nhẹ. Đa phần trẻ xạ vùng não thường nôn nhiều sau xạ, nên cần theo dõi sát để có phương án chăm sóc, điều trị phù hợp.
-Viêm da xạ trị với các biểu hiện như: Thay đổi màu sắc da, bong tróc, phồng rộp, chảy máu…
-Rụng tóc tại vị trí điều trị: thường xuất hiện ở vùng gáy.
-Viêm niêm mạc miệng, nhiễm trùng niêm mạc miệng, lưỡi, đau rát họng, miệng.
-Mất hoặc giảm vị giác khi ăn, khô miệng, đau, thay đổi giọng nói.
-Ngoài ra, đa số trẻ sau xạ có thể sụt cân trong quá trình điều trị.
Tác dụng phụ xuất hiện muộn
-Tác dụng phụ muộn xuất hiện trên 90 ngày khi bắt đầu xạ trị.
-Khô miệng và sâu răng.
-Thay đổi khả năng nghe: giảm thính lực.
-Xơ cứng da, mô dưới da vùng xạ trị.
Những thay đổi sau xạ trị
-Thay đổi màu sắc da, ban đỏ, mẩn ngứa, rát nhẹ hoặc có thể bong da khô.
– Trẻ đau rát tăng lên, bong trợt da ẩm tại các vị trí là nếp gấp hoặc bị cọ sát nhiều.
– Viêm da xuất tiết mở rộng hơn ngoài những vùng nếp gấp, loét > 2cm.
– Hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, hoại tử da hoặc loét lan rộng tổn thương lớp cơ, xương, chảy máu vùng da chiếu xạ.
Dự phòng và chăm sóc da cho trẻ khi xạ trị
Bảo vệ da
-Mặc áo mềm mại, chất cotton, thấm hút mồ hôi.
-Mặc áo rộng, tránh cọ sát cổ áo vào da vùng xạ trị. Có thể mua các loại áo chuyên biệt dành riêng cho người bệnh xạ trị tại các cửa hàng thiết bị y tế.
-Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào da vùng xạ (đặc biệt là khoảng thời gian 10h- 15h). Che kín vùng da xạ bằng áo chống nắng, khăn khi đi ra ngoài.
-Không dán băng dính lên vùng da chiếu xạ.
-Bôi kem bảo vệ phóng xạ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng các loại kem dưỡng da khác. Làm sạch da bằng nước muối sinh lý trước khi bôi kem.
-Thoa kem nhẹ nhàng xung quanh vùng da xạ, thoa một lớp mỏng, không thoa chồng chéo nhau ngày 2-3 lần. Thoa kem trước xạ trị 1-2h hoặc sau khi xạ xong 1h. Không thoa kem ngay trước khi xạ trị.
Vệ sinh da
-Không chà sát da vùng xạ trị, không gãi, không xoa hay chạm nhiều vào da vùng xạ trị, giảm ma sát một cách tối đa nhất.
-Dùng khăn mềm để vệ sinh, thấm khô da vùng xạ khi tắm.
-Không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh.
-Nên dùng các loại sữa tắm dành cho trẻ em.
Chăm sóc răng miệng
Viêm niêm mạc là biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Nó có thể xuất hiện tại lưỡi, môi, lợi, sàn miệng và vòm gây ra các khó khăn về ăn, nói, nuốt, thở thường xảy ra ở tuần thứ 2-3 sau khi bắt đầu xạ trị và tổn thương thường hồi phục sau 8-10 tuần sau kết thúc xạ trị.
Viêm niêm mạc miệng bao gồm các triệu chứng sau:
– Đau nhẹ, xuất hiện ban đỏ
– Loét, đau nhưng người bệnh vẫn nuốt được thức ăn rắn
– Đau nhiều, ban đỏ và ổ loét lan rộng, người bệnh không thể ăn được
– Đau dữ dội, không thể ăn được, nguy hiểm đến tính mạng
4. Dự phòng và chăm sóc răng miệng khi điều trị xạ trị
Vệ sinh răng :
-Vệ sinh răng, miệng sạch sẽ sau khi ăn, trước khi ngủ. Sử dụng bàn chải nhỏ lông mềm.
-Vệ sinh và giữ ẩm khoang miệng. Uống nhiều nước hoặc uống nước thường xuyên để luôn giữ ẩm cho miệng.
-Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Súc miệng bằng nước sát khuẩn theo chỉ định của Bác sĩ .
-Thường xuyên kiểm tra răng miệng hằng ngày để nhận biết và phòng ngừa các dấu hiệu của nhiễm khuẩn miệng …
-Khám răng định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Chế độ ăn cho bệnh nhi xạ trị
Khi điều trị xạ trị, hầu hết các bệnh nhi thường mệt mỏi ăn kém, đều cảm thấy đau rát miệng, giảm hoặc mất vị giác. Vì vậy trẻ thường có nguy cơ giảm cân trong quá trình điều trị. Dưới đây một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhi xạ trị
-Ăn đồ ăn mềm lỏng, nguội, dễ tiêu như :cháo, súp, sữa…. Chia nhỏ bữa ăn, ngày 5 – 6 bữa.
-Đối với trường hợp suy kiệt, hấp thu kém vẫn ăn qua đường miệng cần bổ sung sữa dành cho người bệnh ung thư.
-Đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là các chất đạm, protein tránh giảm cân >10 % trọng lượng cơ thể.
-Thay đổi cách chế biến thức ăn để người bệnh không bị nhàm chán. Hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo 25-30 Kcal/ kg cân nặng/ ngày.
-Bổ sung các loại vitamin, uống nhiều nước.
-Theo dõi cân nặng hàng tuần.
CNĐD: Nguyễn Thị Thuỳ – Khoa Nhi. Bệnh viện TWQĐ 108