Omega-3 giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ béo phì
Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Menopause cho thấy khi phụ nữ trước và sau mãn kinh tiêu thụ nhiều omega-3 hơn từ chế độ ăn uống, họ nhận được lợi ích từ việc tăng cường bảo vệ chống lại sự phát triển ung thư vú.
Axit béo Omega-3 là loại chất béo không bão hòa đa (còn được gọi là PUFAs – Polyunsaturated fatty acids), được biết là có tác dụng chống viêm và hỗ trợ chức năng miễn dịch bình thường. Có một số loại như axit a-linolenic (ALA), axit eicosapentaenoic (EPA), axit docosapentaenoic (DPA) và axit docosahexaenoic, với DHA và EPA (các loại được tìm thấy trong dầu cá) được biết đến nhiều nhất.
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định xem có mối liên hệ nào tồn tại giữa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ trưởng thành và việc tiêu thụ chất béo không bão hòa đa, đặc biệt là omega-3 hay không. Nghiên cứu bao gồm hơn 3.100 người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi về tần suất tiêu thụ thực phẩm và các cuộc khảo sát liên quan đến sức khỏe.
Kết quả cho thấy rằng việc sử dụng lượng omega-3 (đặc biệt là từ các nguồn hải sản) cao hơn, có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú ở cả phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Dưới đây là thông tin chi tiết về những phát hiện chính của nghiên cứu:
– Mối liên quan giữa nguy cơ ung thư vú và lượng chất béo không bão hòa đa trong chế độ ăn uống thể hiện rõ nhất ở phụ nữ tiền mãn kinh và phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hoặc đã bị ung thư vú.
– Giảm nguy cơ ung thư vú có liên quan đáng kể với việc tăng lượng tiêu thụ omega-3 ở phụ nữ béo phì / thừa cân chứ không phải ở phụ nữ có cân nặng bình thường.
Làm thế nào để cung cấp được nhiều Omega-3 hơn trong chế độ ăn uống?
Nhiều người trưởng thành, đặc biệt là những người ăn theo chế độ hiện đại, chế biến sẵn, thường không tiêu thụ đủ chất béo omega-3. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ quá nhiều omega-6, có trong dầu thực vật và nhiều thực phẩm đóng gói là rất phổ biến.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của việc tiêu thụ chất béo lành mạnh (bao gồm cả axit béo omega-3) một cách thường xuyên. Việc sử dụng omega-3 đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu là có tác dụng giúp bảo vệ khỏi các vấn đề sức khỏe sau:
– Cholesterol cao;
– Huyết áp cao (tăng huyết áp);
– Bệnh tiểu đường type 2;
– Viêm khớp;
– Thoái hóa điểm vàng;
– Các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác;
– Loãng xương…
Vậy làm thế nào để chế độ ăn của chúng ta giàu chất béo lành mạnh omega-3?
Cơ thể con người không thể tự tạo ra chất béo omega-3, do đó cần phải tiêu thụ từ các nguồn thực phẩm. Các nguồn tốt nhất bao gồm cá béo, các loại hạt và các sản phẩm thực phẩm bổ sung.
Các loại thực phẩm và nguồn cung cấp omega-3 tốt nhất, bao gồm:
– Cá béo: Cá hồi đánh bắt tự nhiên, cá mòi, cá thu, cá cơm, cá ngừ…;
– Các loại hạt: Hạt lanh, hạt chia, hạt cây gai dầu và quả óc chó. Lưu ý rằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật có nhiều loại axit béo omega-3 được gọi là ALA, vì vậy chúng ta sẽ cần ăn nhiều hơn để có được hiệu quả tương tự như các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật;
– Lòng đỏ trứng;
– Natto (một món ăn truyền thống của Nhật Bản làm từ hạt đậu tương lên men).
Chúng ta cũng có thể bổ sung omega-3 chất lượng cao từ các sản phẩm bổ sung như dầu cá, viên nang mềm. Liều lượng từ 250 đến 500 miligam EPA và DHA kết hợp mỗi ngày.
Omega-3 làm tăng nồng độ estrogen hay omega-3 ngăn chặn estrogen?
Các nghiên cứu đã tìm thấy các kết quả phức tạp, mẫu thuẫn và cần phải bàn luận khi đánh giá tác động của omega-3 đối với mức estrogen. Nhìn chung, những chất béo lành mạnh này dường như có lợi cho mức độ estrogen ở phụ nữ trưởng thành. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy việc bổ sung omega-3 cùng với vitamin D3 làm giảm estrogen ở phụ nữ tiền mãn kinh, điều này có thể giúp chống lại các bệnh ung thư liên quan đến hormone.
Một nghiên cứu khác cho thấy vai trò chống ung thư tiềm năng của omega-3 thông qua tác động lên tín hiệu estrogen. Omega-3 có thể ngăn chặn các tế bào ung thư vú phát triển theo cách chuyển đổi estrogen tăng sinh.
Nghiên cứu cho thấy EPA và DHA có thể có hiệu quả trong việc giúp chống lại ung thư vú do một số cơ chế khác, bao gồm giảm các dẫn xuất lipid tiền viêm, ức chế viêm và sản xuất cytokine, đồng thời giảm tín hiệu của thụ thể yếu tố tăng trưởng.
Omega-3 có tốt cho bệnh nhân ung thư không? Bệnh nhân ung thư có được dùng dầu cá omega-3 không?
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân ung thư có thể bổ sung omega-3. Một số nghiên cứu cho thấy dầu cá có thể giúp cải thiện kết quả điều trị ung thư ở những bệnh nhân đang chiến đấu với một số loại ung thư. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đang hóa trị có thể được khuyên tránh sử dụng dầu cá.
Tổng hợp các bằng chứng cho thấy chất béo không bão hòa đa omega-3 có thể tạo ra tác dụng chống khối u bằng cách thay đổi thành phần lipid của màng sinh chất. Nói cách khác, những chất béo này có thể bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương, bị ung thư hóa và ngăn chặn sự lây lan.
Lối sống giúp phòng chống bệnh ung thư vú
Ngoài việc ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung omega-3 và tránh thực phẩm chế biến sẵn, chúng ta cần có lối sống khoa học để phòng chống bệnh ung thư vú. Dưới đây là một số điều cần thực hiện:
– Tập thể dục đều đặn mỗi ngày;
– Không uống quá nhiều rượu, bia;
– Không hút thuốc lá;
– Hạn chế tiếp xúc với hóa chất và chất gây ung thư, chẳng hạn như kim loại nặng và chất ô nhiễm môi trường. Một số chất gây ung thư đã được biết đến bao gồm amiăng, niken, cadimi, radon, vinyl clorua, benzen…
– Kiểm soát sự căng thẳng, vì căng thẳng mãn tính ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và cũng làm tăng sản xuất “hormone căng thẳng”, có liên quan đến thừa cân, béo phì và các loại bệnh tật;
– Tránh tình trạng thiếu ngủ, cần ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ và có giấc ngủ ngon.
Theo kết quả của nghiên cứu nói trên, khi phụ nữ béo phì và phụ nữ tiền mãn kinh sử nhiều chất béo omega-3 lành mạnh, sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn. Bởi vậy, việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng và lối sống khoa học, lành mạnh là rất quan trọng để phòng chống bệnh ung thư. Trong đó, chúng ta nên bổ sung vào chế độ ăn uống các loại thực phẩm như cá béo, hạt dinh dưỡng – những thực phẩm giàu chất béo lành mạnh omega-3, cũng như sử dụng thêm các loại sản phẩm như thực phẩm bổ sung.
BS. Nguyễn Thùy Ngân – Viện nghiên cứu phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam