Thế nào là hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai?
Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là sự chèn ép cơ học bất thường của chóp xoay và túi hoạt dịch trong khoang dưới mỏm cùng vai. Quá trình này lặp đi lặp lại sẽ gây các tổn thương cho các cấu trúc, ban đầu là thiểu dưỡng rồi tiếp đến là viêm, thoái hóa, hoại tử và xơ hóa, có thể dẫn đến rách bán phần hoặc hoàn toàn gân cơ trên gai.
Phương pháp phổ biến để điều trị hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là điều trị bảo tồn bao gồm điều trị nội khoa và phục hồi chức năng. Điều trị phẫu thuật được đặt ra khi điều trị bảo tồn không thành công. Bên cạnh đó sau phẫu thuật nếu không được quản lý và có một chiến lược tập phục hồi chức năng phù hợp, bệnh nhân sẽ rất dễ bị cứng và hạn chế vận động trở lại của khớp vai.
Phục hồi chức năng và điều trị
Mục đích của phục hồi chức năng cho người bệnh sau phẫu thuật nội soi hẹp khoang dưới mỏm cùng vai
– Kiểm soát đau, sưng nề và các biến chứng sau mổ.
– Bảo vệ vùng mổ.
– Khôi phục lại tầm vận động khớp vai và cơ lực của đai vai, chi trên.
– Độc lập trong sinh hoạt hàng ngày.
– Quay trở lại cuộc sống bình thường và hoạt động thể thao giải trí…
Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng. Giai đoạn ngay sau phẫu thuật (0 – 14 ngày sau phẫu thuật)
– Vận động chủ động, tăng cường cơ lực (khuỷu tay, cổ tay, bàn ngón tay).
– Vận động xương bả vai: Nâng/hạ vai; xoay xương bả vai.
– Vận động thụ động, có trợ giúp, tiến tới chủ động gập và dạng vai, xoay trong/ngoài vai đến khả năng chịu được của người bệnh.
– Các bài tập tự kéo giãn: bao gồm bao khớp sau, bó trên cơ thang và cơ ngực lớn.
– Chườm lạnh vai 10 đến 15 phút cách 2h để giảm đau, sưng nề và chống viêm.
– Hướng dẫn bệnh nhân và người chăm sóc đeo đai Desault và bảo vệ khớp đúng cách.
– Giai đoạn sau phẫu thuật 2 – 6 tuần.
– Tiếp tục tập thụ động theo tầm vận động: bài tập quả lắc, tập với gậy, trượt tay trên bàn, tiến tới trượt tay trên tường, bài tập kéo giãn với gậy ở tư thế nằm hoặc đứng.
– Tập chủ động kháng lại trọng lực (AROM): nằm sấp kéo tạ, duỗi vai, dạng vai theo mặt phẳng ngang, nằm nghiên xoay ngoài vai.
– Giai đoạn sau phẫu thuật 6 – 12 tuần
– Tiếp tục các bài tập theo tầm vận động để lấy lại toàn bộ ROM.
– Tập tăng sức mạnh cơ: với tạ hoặc dây chun.
– Tập mạnh cơ theo nhịp điệu: tập cân bằng khớp vai có kháng trở theo nhịp điệu, tập cảm thụ bản thể.
– Giai đoạn sau phẫu thuật 3 tháng
– Tiếp tục cải thiện sức mạnh, sức bền.
– Tập chống đẩy.
– Có thể bắt đầu tập tạ với huấn luyện viên.
– Dần quay lại với môn thể thao yêu thích.
Các điều trị khác
– Kết hợp thuốc điều trị chống viêm giảm đau, giảm phù nề.
– Hai tuần sau phẫu thuật có thể điều trị kết hợp bằng các phuơng pháp vật lý trị liệu: hồng ngoại, điện xung, điện phân…
– Khi vận động khớp vai, nếu khớp vai sưng nề nhiều, giảm cuờng độ tập, chuờm lạnh khớp vai.
Theo dõi và tái khám
– Lần đầu: sau phẫu thuật 2 tuần. Các lần tiếp theo cách 1 tháng.
– Khám đến 6 tháng sau phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức