Giảm 1 phần 3 thời gian điều trị lao kháng thuốc/ lao đa kháng, biến cố bất lợi nhờ phác đồ điều trị mới WHO (BPaL/BPaLM).
Ngày 14/9/2023, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia phối hợp với Tập đoàn Johnson & Johson tổ chức hội thảo đào tạo y khoa liên tục “Quản lý biến cố bất lợi liên quan đến điều trị lao kháng thuốc sử dụng phác đồ mới WHO (BPaL/BPaLM)”.
Hội thảo đã thu hút được gần 100 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 400 đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến. Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường công tác chia sẻ, cập nhật những thông tin khoa học mới nhất liên quan đến các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới trong điều trị bệnh lao kháng đa thuốc cho các bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng tại Bệnh viện Phổi Trung ương cũng như các Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao & Bệnh phổi trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bệnh nhân lao bị kháng thuốc như: người bệnh ngay từ đầu đã bị lây nhiễm loại vi khuẩn lao kháng thuốc hoặc do uống thuốc không đủ hiệu lực để tiêu diệt vi khuẩn lao tạo điều kiện cho chủng kháng thuốc phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do bệnh nhân lao không tuân thủ theo đúng phác đồ và thời gian điều trị. Việc điều trị bệnh lao kháng thuốc phức tạp hơn và tốn kém hơn so với bệnh lao nhạycảm hay lao tiềmẩn, nhưng hiện thuốc điều trị lao kháng thuốc được Chương trình Chống lao Quốc gia cung cấp miễn phí theo hệ thống tới tận địa phương nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu.”
Với phác đồ điều trị mới BPaL/BPaLM, người mắc bệnh lao kháng thuốc/lao đa kháng thuốc sẽ được rút ngắn thời gian điều trị từ 9-20 tháng xuống chỉ còn 6-9 tháng. Hiệu quả điều trị đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đạt kết quả tốt với hơn 80% tỷ lệ điều trị thành công.
Hội thảo đã đưa ra các báo cáo bổ ích để hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia, hướng dẫn quản lý lâm sàng lao kháng thuốc được áp dụng hiệu quả, đặc biệt trong việc quản lý biến cố bất lợi một cách chủ động và an toàn cho người bệnh lao kháng thuốc tới các Bác sĩ, Dược sĩ, nhân viên y tế tại các Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi cũng như bệnh viện đa khoa trên cả nước. Từ đó, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tăng cường năng lực, tự quản lý tốt bệnh nhân lao kháng thuốc nội và ngoại trú, giảm nguồn lây lan lao kháng thuốc ra cộng đồng, tiến tới đạt được mục tiêu Chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Hướng dẫn mới của WHO nêu bật những cải tiến trong các lựa chọn điều trị cho những người mắc bệnh lao kháng đa thuốc hoặc kháng rifampicin. Khuyến nghị áp dụng một phác đồ điều trị trong vòng 6-9 tháng bằng các thuốc đường uống bao gồm: Bedaquiline, pretomanid, linezolid và moxifloxacin (BPaLM). Phác đồ điều trị BPaLM được thiết kế để điều trị cho những người mắc bệnh lao đa kháng thuốc không có kháng fluoroquinolones. BPaLM mang lại kết quả điều trị tốt, rút ngắn đáng kể thời gian điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nhằm mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035, Chương trình Chống lao Quốc gia đã xây dựng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật quốc gia nhằm đảm bảo tiếp cận xu hướng chẩn đoán và điều trị mới, nâng cao năng lực mạng lưới phòng chống lao và hệ thống chẩn đoán lao và điều trị lao kháng thuốc trên toàn quốc.
Hiện nay Việt Nam là 1trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 172.000 người mắc lao mới, trong đó ước tính khoảng 9.200 bệnh nhân lao kháng Rifampicin/đa kháng thuốc.
Theo Bệnh viện Phổi TW