Vừa qua, Khoa Răng hàm mặt – Mắt – Tai mũi họng, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) tiếp nhận trường hợp của chị P.T.M.T, 36 tuổi, trú tại xã Sông Khoai vào viện vì sưng đau vùng răng mới nhổ ở phòng khám nha khoa tư nhân.
Qua hỏi bệnh, thăm khám được biết, cách ngày vào viện 3 hôm, chị T có đến nhổ răng khôn tại một phòng khám tư nhân, sau khi về nhà chị T thấy đau nhiều tại vùng răng mới nhổ, đau tăng lan lên đầu kèm theo sốt dùng thuốc không đỡ nên vào viện. Tình trạng của chị T được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán: Nhiễm trùng ổ răng 3.8 sau nhổ răng. Ngay sau đó, chị T đã được điều trị tích cực, kháng sinh, giảm đau cũng như được hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách. Hiện tại, sức khỏe của chị T ổn định, vùng răng bị nhiễm trùng không còn đau và dễ chịu hơn nhiều.
Trước đó, Khoa Răng hàm mặt – Mắt – Tai mũi họng cũng tiếp nhận trường hợp tương tự của anh Đ.X.K, 26 tuổi, trú tại xã Hiệp Hòa, Tx Quảng Yên, Quảng Ninh vào viện vì sốt, sưng, đau nhức khó chịu tại vùng răng mới nhổ ở 1 phòng khám nha khoa tư nhân.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân
Trường hợp của anh K, một ngày sau khi được nhổ răng 2.8 và 3.8 tại 1 phòng khám nha khoa tư nhân, anh bị sốt và đau nhức dữ dội vùng răng mới nhổ nên đã quyết định vào viện thăm khám. Anh được chẩn đoán bị áp xe quanh ổ răng 2.8 và 3.8, rất may mắn anh đã đến bệnh viện sớm. Tại Khoa Răng hàm mặt – Mắt – Tai mũi họng, bác sĩ đã tiến hành trích, loại bỏ mủ vùng áp xe tránh sưng viêm nặng hơn, làm sạch vùng răng miệng kết hợp kháng sinh, kháng viêm, giảm đau giúp anh thoát khỏi cơn đau hành hạ khó chịu.
Anh K cho biết: ‘‘Anh hiện làm công nhân thời gian hạn chế, xin nghỉ rất khó, mặt khác anh ngại phải chờ đợi và cũng không muốn nằm viện nên khi được giới thiệu đến phòng khám tư nhân, thấy chi phí hợp lý đồng thời sau khi nhổ xong sẽ được về nhà luôn nên anh đã lựa chọn làm ở phòng khám ngoài, không may gặp phải trường hợp như vậy…”. Vẫn còn rất nhiều trường hợp giống như 2 trường hợp nêu trên mà Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên thường tiếp nhận.
Răng khôn (hay còn được gọi là răng hàm thứ 3) nằm ở phía trong cùng của khoang miệng. Răng khôn thường không cần nhổ nếu mọc hoàn toàn đúng vị trí sẽ không gây nguy hiểm hay biến chứng cho răng miệng. Tuy nhiên, khi răng khôn mọc lệch hoặc chưa mọc hoàn toàn trên bề mặt nướu có thể gây ra các vấn đề về răng miệng. Thức ăn và vi khuẩn có thể tích tụ quanh răng khôn, tạo thành mảng bám và có thể dẫn đến: Sâu răng, Bệnh nướu răng (hay còn gọi là viêm nướu hoặc bệnh nha chu), viêm quanh thân răng, viêm mô tế bào, áp xe, u nang và khối u lành tính.
Tình trạng nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh và nước súc miệng sát trùng. Nhưng khi bệnh trở nặng hoặc áp dụng các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nhổ răng khôn.
Phẫu thuật răng khôn là kỹ thuật khó, cũng là ca bệnh khó nhất trong các trường hợp phải nhổ răng, phẫu thuật răng khôn an toàn để tránh biến chứng xấu luôn là vấn đề được chú trọng. Vì vậy một trong những yếu tố yêu cầu phải thực hiện tốt đó là quy trình phẫu thuật. Quy trình phải được thực hiện theo quy trình chuẩn, tuân thủ nghiêm ngặt yếu tố vô trùng, trang thiết bị, máy móc hiện đại. Đặc biệt, đội ngũ y bác sĩ giỏi về chuyên môn, điều trị, chăm sóc xuyên suốt quá trình trước, trong và sau phẫu thuật giúp người bệnh hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm hay gặp phải khi nhổ răng khôn.
Mạnh Hà