Theo Ths.BS Tạ Việt Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Khám và điều trị sản phụ khoa, Cơ sở 2 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội:
Thuốc tránh thai đã ra đời từ những năm 1950 và hiện vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, phát triển để giúp phụ nữ có thể chủ động trong việc tránh thai. Theo thống kê, có tới 1/2 phụ nữ trên thế giới có dùng thuốc tránh thai. Tuy nhiên, đây là vấn đề luôn được nhiều chị em quan tâm và tìm kiếm phương án để tránh rắc rối, tránh phải lo lắng. Mục đích là để “cuộc chơi” được vui và trọn vẹn hơn.
Có hai loại thuốc tránh thai hay được sử dụng và bán ở hiệu thuốc mà không cần kê đơn đó là loại dạng vỉ 21 hoặc 28 viên. Thuốc sẽ phát huy tác dụng một cách hiệu quả nếu người sử dụng uống đều đặn và đúng cách. Đáng chú ý, hiện thuốc tránh thai có hàm lượng hormone ngày càng giảm, chỉ ở mức đủ để phát huy tác dụng tránh thai. Dạng thuốc được sử dụng nhiều nhất là thuốc viên có estrogen kết hợp với progesterone.
Đối với viên thuốc chỉ có progesterone: Thuốc uống liên tục trong 28 ngày, không có thời gian ngừng, được ưu tiên trong trường hợp tránh thai sau sinh hoặc trong những trường hợp không dung nạp hoặc có chống chỉ định với estrogen.
Hiện có rất nhiều loại thuốc tránh thai xuất hiện trên thị trường.
Cơ chế tác dụng của thuốc tránh thai là “khóa” 3 điểm mấu chốt của cơ chế thụ thai:
– Làm ngưng rụng trứng;
– Làm dày, đặc lớp chất nhày cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng gặp trứng;
– Làm biến đổi niêm mạc tử cung, làm mỏng niêm mạc tử cung.
Có rất nhiều ưu điểm của thuốc tránh thai được các bác sĩ và hãng dược phẩm công bố như ngăn chặn khối u, nhanh chóng hành kinh lại sau khi ngừng dùng thuốc (không làm khó có con), giảm mất máu kinh, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều chị em lại không tin những thông tin này. Không ít người lại tin những lời truyền tai hay trải nghiệm của một ai đó trên mạng xã hội. Điều này rất nguy hiểm vì đó là thông tin không được kiểm chứng.
Thuốc tránh thai khi sử dụng có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn. Trường hợp xuất hiện một số dấu hiệu sau thì nên xem xét ngừng sử dụng hoặc đổi loại thuốc tránh thai khác cho phù hợp.
– Buồn nôn, nhức đầu, tăng cân, bứt rứt, khó chịu, cảm giác nặng ở chân.
– Tức nhẹ ở vú, ra máu giữa chu kỳ, giảm mức độ và độ dài kỳ kinh, chậm kinh hoặc mất kinh, thay đổi ham muốn tình dục.
– Khó chịu ở mắt ở người đeo kính áp tròng.
– Một số tác dụng không mong muốn hiếm gặp có thể phải ngừng thuốc như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; huyết khối tĩnh mạch (tắc mạch phổi, tắc mạch chi); tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành; rối loạn lipid máu (tăng triglyceride hoặc tăng cholesterol); đái tháo đường, đau vú nghiêm trọng, u vú lành tính, adenoma tuyến yên tiết prolactin (thường được phát hiện khi thấy tiết quá nhiều sữa); đau đầu nghiêm trọng và chóng mặt bất thường, thay đổi thị lực, rối loạn thần kinh; u gan, vàng da ứ mật, sạm da.
Mặc dù thuốc tránh thai có thể dễ dàng mua ở hiệu thuốc mà không cần đơn, nhưng trước khi sử dụng, chị em cần có bước khám kiểm tra sức khỏe chung, cụ thể cần:
– Khám vú để xem có hạch hay u không.
– Khám tổng thể, đo huyết áp, kiểm tra chức năng tim mạch, kiểm tra tình trạng phân bố mỡ ở các khu vực da.
– Khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Việc lựa chọn thuốc phụ thuộc vào tuổi, tiền sử bản thân và gia đình, các yếu tố tim mạch, bệnh lý hiện có, nguy cơ quên uống thuốc và hậu quả có thể xảy ra, các thuốc hiện đang dùng của bệnh nhân.
Để xác định ảnh hưởng của thuốc tránh thai đến hoạt động toàn cơ thể cần kiểm tra theo lộ trình. Lần đầu tiên phải được thực hiện thời điểm 3 tháng sau khi bắt đầu kê đơn, sau đó 6 tháng một lần (đo huyết áp và cân nặng, làm các xét nghiệm tổng thể như chức năng gan thận, mỡ máu, đường huyết, khám vú, khám phụ khoa). Sau đó giám sát 1 lần/ 2 năm cho phụ nữ dưới 35 tuổi và 1 lần/năm cho phụ nữ trên 35 tuổi.
Theo Bệnh viện phụ sản Hà Nội