I. TỔNG QUAN VỀ TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN
Sụt cân là bệnh gì?
Sụt cân là tình trạng trọng lượng cơ thể giảm ít nhất 5% so với tổng cân nặng trong vòng 6 đến 12 tháng mà không do thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục, không bao gồm sụt cân do một bệnh lý đã biết hay do tác động của điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sụt cân ở một cơ thể khoẻ mạnh trước đó tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe cần được thăm khám tại cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân chính xác.
II. NGUYÊN NHÂN GÂY TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN
Nguyên nhân sụt cân do sự thay đổi môi trường sống hoặc căng thẳng quá mức, thường không nghiêm trọng và có thể cải thiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, triệu chứng sụt cân có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý cần được thăm khám ngay.
Các bệnh lý như ung thư (chiếm 15 – 37%), rối loạn tiêu hóa (10 – 20%) và các rối loạn tâm thần (10 – 23%) là nguyên nhân phổ biến gây sụt cân. Ngoài ra, có khoảng 25% trường hợp sụt cân không rõ nguyên nhân.
1. Các nguyên nhân chính gây sụt cân
Một số bệnh lý điển hình có thể là nguyên nhân chính gây sụt cân nhanh và bất thường như: Ung thư, bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần, nhiễm trùng, bệnh tim mạch,…
• Bệnh ác tính như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư tá tràng, ung thư phổi, lymphoma, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến,…
• Các bệnh lý tiêu hóa lành tính như loét dạ dày – tá tràng, bệnh celiac, bệnh viêm ruột,…
• Rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, các rối loạn liên quan ăn uống,…
• Bệnh nội tiết như cường giáp, đái tháo đường, suy thượng thận,…
2. Các loại thuốc và hóa chất liên quan đến sụt cân
Thuốc và các sản phẩm thảo dược có thể gây sụt cân bất thường, bao gồm:
• Lạm dụng chất gây nghiện như rượu, amphetamines, cocaine, opioid, thuốc lá,…
• Hội chứng ngưng thuốc: Ngưng thuốc sau khi sử dụng cần sa kéo dài hoặc các thuốc hướng tâm thần liều cao.
• Tác dụng phụ của các thuốc được kê toa như thuốc kháng virus, hóa trị trong điều trị ung thư, thuốc chống động kinh ở người đái tháo đường, thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp, NSAIDs,…
• Thảo dược hoặc các thuốc không kê toa như 5 hydroxytryptophan, nha đam, caffeine, cascara, chitosan, crôm, bồ công anh, cây ma hoàng, garcinia, glucomannan, guarana, guargum, thảo dược lợi tiểu, nicotine, pyruvate, cây ban Âu,…
3. Các triệu chứng đi kèm với tình trạng sụt cân
Các triệu chứng kèm theo sụt cân sẽ thay đổi tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh, bao gồm:
• Mệt mỏi: Gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như suy thượng thận, ung thư, bệnh thận mạn tính, trầm cảm, nhiễm trùng, viêm động mạch tế bào khổng lồ, hội chứng thận hư, bệnh u hạt.
• Sốt, ra mồ hôi trộm về đêm: Gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư, nhiễm trùng, viêm động mạch tế bào khổng lồ.
• Bệnh hạch bạch huyết: Gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như nhiễm trùng, ung thư, bệnh u hạt.
• Xuất huyết trực tràng, đau bụng mạn tính: Gợi ý bệnh ung thư đại – trực tràng.
• Ho, khó thở, ho máu: Gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư phổi, lao, bệnh u hạt, nấm phổi, nhiễm HIV / AIDS.
• Tiểu ra máu: Gợi ý bệnh ung thư thận hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
• Sợ nóng, run tay, lo lâu, vã mồ hôi: Gợi ý bệnh cường giáp.
• Khát nước quá mức và đi tiểu nhiều: Gợi ý bệnh đái tháo đường.
• Đau xương (không liên quan đến hoạt động, đau chủ yếu về ban đêm): gợi ý bệnh lý ung thư như đa u tủy xương, di căn xương từ ung thư vú, tuyến tiền liệt hoặc ung thư phổi.
• Nhức đầu hoặc các triệu chứng thị giác và đau cơ ở người lớn tuổi: Gợi ý bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ.
• Đau khớp: Gợi ý bệnh viêm nội tâm mạc, viêm động mạch tế bào khổng lồ.
• Đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt khi thay đổi tư thế: Gợi ý bệnh suy thượng thận.
• Đau bụng: Gợi ý tình trạng thiếu máu, bệnh đái tháo đường, nhiễm giun sán.
• Cổ chướng: Gợi ý nguyên nhân nghiện rượu, hội chứng thận hư.
• Sốt: Gợi ý nguyên nhân gây ra bởi các bệnh lý như ung thư, các rối loạn viêm.
• Phù: Gợi ý bệnh thận mạn, hội chứng thận hư.
• Rối loạn giấc ngủ, giảm ham muốn tình dục, buồn rầu: Gợi ý tình trạng trầm cảm.
III. PHƯƠNG TIỆN CHẨN ĐOÁN TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN
Việc đầu tiên để chẩn đoán chính xác tình trạng sụt cân là xác định xem bệnh nhân có thật sự bị sụt cân không. Đánh giá bệnh nhân sụt cân không chủ ý nên được cá thể hóa, dựa trên các phát hiện thu được từ thăm hỏi bệnh sử và khám lâm sàng.
• Trong trường hợp sụt cân <5% cân nặng bình thường có thể được theo dõi, khoảng cách theo dõi có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và bệnh lý đi kèm của người bệnh.
• Trường hợp sụt cân ≥5% cân nặng bình thường và có các bất thường khi hỏi tiền sử bệnh hoặc thăm khám cần được chỉ định cận lâm sàng để xác định chẩn đoán nghi ngờ.
Vậy nên, để tiếp cận và chẩn đoán triệu chứng sụt cân chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện theo trình tự 3 bước sau đây:
• Bước 1: Xác định tình trạng sụt cân.
• Bước 2: Khám lâm sàng.
• Bước 3: Cận lâm sàng chẩn đoán.
1. Xác định tình trạng sụt cân
Do có nhiều trường hợp người bệnh than phiền bị sụt cân nhưng khi cân đo lại không thấy có giảm cân. Do đó, việc xác định sụt cân cần xem xét 3 yếu tố sau:
* Mức độ sụt cân
– Dao động cân nặng bình thường trong ngày: 1 – 2%.
– Dao động cân nặng bình thường từ ngày này qua ngày khác: có thể tới 2,2 kg.
– Sụt cân có ý nghĩa lâm sàng: ít nhất 5% trong vòng 6 tháng.
* Phương pháp xác định có sụt cân
– Dùng cân nặng
* Khoảng thời gian xảy ra sụt cân: Trong vòng 6 – 12 tháng vừa qua.
2. Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước sau khi bác sĩ thu thập thông tin bệnh lý, chi tiết tình trạng sức khỏe, các biểu hiện, triệu chứng, dấu hiệu, tần suất xuất hiện triệu chứng liên quan đến triệu chứng sụt cân.
Bác sĩ sẽ tập trung kiểm tra thể chất, các dấu hiệu sinh tồn bao gồm đo nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp, cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Ngoài ra, thực hiện khám tổng quát, bao gồm kiểm tra tim, phổi, bụng, răng miệng, hệ thống thần kinh, trực tràng (gồm kiểm tra tuyến tiền liệt và xét nghiệm tìm hồng cầu trong phân),… và các yếu tố ảnh hưởng khác.
3. Cận lâm sàng chẩn đoán
Ở bệnh nhân ghi nhận sụt cân ≥5% cân nặng bình thường và bệnh sử hoặc khám lâm sàng có bất thường, cần làm thêm xét nghiệm để xác định chẩn đoán nghi ngờ.
Bệnh nhân có bệnh sử hoặc khám lâm sàng liên quan đến kém hấp thu nên được đánh giá thích hợp.
Khi bệnh sử và khám lâm sàng không giúp gợi ý chẩn đoán, cận lâm sàng chẩn đoán cơ bản sẽ giúp đưa ra chẩn đoán trong phần lớn trường hợp.
Các xét nghiệm sâu hơn được chỉ định tùy thuộc vào kết quả của các xét nghiệm ban đầu.
Xét nghiệm:
Các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm phân có thể được bác sĩ yêu cầu.
• Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): Xác định nồng độ hồng cầu, bạch cầu giúp bác sĩ đánh giá tổng thể và phát hiện các rối loạn bao gồm nhiễm trùng đường tiêu hóa, xuất huyết đường tiêu hóa, thiếu máu. Ngoài ra, các xét nghiệm máu có thể được bác sĩ chỉ định, bao gồm:
• Đánh giá lượng đường trong máu: Glucose và HbA1c.
• Xét nghiệm sinh hóa máu: Điện giải đồ, Calci máu, chức năng gan và thận.
• Đánh giá chức năng tuyến giáp.
• Độ lắng máu hoặc CRP.
• Xét nghiệm HIV.
• Xét nghiệm viêm gan siêu vi C ở người bệnh có yếu tố nguy cơ.
• Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá thành phần các chất trong nước tiểu hoặc phát hiện tổn thương thận giai đoạn sớm.
• Xét nghiệm phân: Giúp phát hiện máu ẩn trong phân của tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa, tìm ra những gene biến đổi có dấu hiệu là ung thư đại – trực tràng, xét nghiệm phân gồm có 3 loại là gFOBT, FIT và DNA.
Nội soi ống tiêu hóa: Nội soi tiêu hóa là phương pháp thông dụng và có độ chính xác cao để chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa.
Chẩn đoán hình ảnh: Các chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán nguyên nhân gây ra triệu chứng sụt cân, bao gồm:
• Chụp X-quang ngực.
• Chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực hoặc bụng.
• Chụp cộng hưởng từ (MRI).
• Siêu âm tim có thể được bác sĩ chỉ định để kiểm tra các bất thường ở tim, chẩn đoán các bệnh lý nhiễm trùng của màng ngoài tim như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng gây sụt cân.
• Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) là phương pháp sử dụng trong chẩn đoán bệnh lý ung thư, xác định mức độ xâm lấn của tế bào ung thư hoặc theo dõi hiệu quả điều trị.
IV. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG SỤT CÂN
Phương pháp điều trị triệu chứng sụt cân sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các phương pháp điều trị nhằm cải thiện các triệu chứng, kiểm soát biến chứng và điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh cần thăm khám nhiều lần mới tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.
Phương pháp điều trị triệu chứng sụt cân:
Các phương pháp điều trị sụt cân bất thường, không chủ đích phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
• Sụt cân do rối loạn tiêu hóa như mắc bệnh viêm ruột (IBD) điều trị bao gồm sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị chế độ ăn kiêng được cung cấp qua ống dinh dưỡng hoặc các dưỡng chất sẽ được tiêm vào tĩnh mạch giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
• Sụt cân do rối loạn nội tiết như bệnh cường giáp, đái tháo đường,… bác sĩ kê toa thuốc .
• Chẩn đoán sụt cân do mắc bệnh ung thư, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, vị trí tế bào ung thư, tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Ung thư giai đoạn tiến triển, khó để điều trị bác sĩ có thể giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách thực hiện các thủ thuật làm giảm nhẹ triệu chứng.
BS CKII. Nguyễn Văn Hòa – Khoa khám bệnh TYC Bệnh viện TWQĐ 108