Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá ở nước ta là ngăn ngừa hút thuốc lá ở giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, học sinh.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nước ta quy định rõ: “Cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá và cơ sở giáo dục (trường học) là một trong những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên”, bởi thuốc lá có nhiều tác hại đối với trẻ em, học sinh nói riêng và mọi người, dân nói chung.
Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người
Khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, chia ra làm 4 nhóm chính: nicotine, monoxit carbon (khí CO), các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá, các chất gây ung thư.
Nicotine là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Nicotine được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi. Người hút thuốc trung bình đưa vào cơ thể 1 đến 2 mg nicotine mỗi điếu thuốc hút. Hút thuốc lá đưa nicotine một cách nhanh chóng đến não, trong vòng 10 giây sau khi hít vào.
Tác dụng gây nghiện của nicotine chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương với sự có mặt của các thụ thể nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh bao gồm dopamin, serotonine, noradrenaline được phóng thích. Chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như là cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn.
Monoxit carbon (khí CO) có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 210 lần oxy. Khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu. Ái lực của hemoglobine hồng cầu với CO mạnh gấp 210 lần so với O2 và như thế sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển O2 vì đã gắn kết với CO. Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng.
Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày-lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.
Các chất gây ung thư trong khói thuốc lá có khoảng 70 chất như hợp chất thơm có vòng đóng, Benzopyrene hay các Nitrosamine. Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u.
Như vậy, thuốc lá chứa thành phần nicotine và rất nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người: Gây nghiện và ảnh hưởng tới hệ thần kinh; Gây các bệnh lý đường hô hấp (tắc nghẽn phổi mãn tính, suy giảm chức năng phổi, tổn thương phổi, viêm phổi lipit, viêm tiểu phế quản tắc nghẽn…); Bệnh lý tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tử vong); Tăng nguy cơ gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u; Gây chấn thương (các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và phát nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng ở miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm, cổ.
Khói và hơi thuốc lá còn là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe của người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em. Người không hút thuốc bị cao huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao thậm chí có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi hít khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động góp phần gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm do bệnh tim và ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim ở những người hít khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc cao hơn khoảng 25-30%. Hút thuốc thụ động còn thúc đẩy bệnh tật. Trẻ em sinh ra từ người hút thuốc có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn trẻ em sinh ra từ người không hút thuốc.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sử dụng các loại chất gây nghiện khác như rượu, bia, ma túy.
Ảnh hưởng tới môi trường sống
Phá rừng để trồng thuốc lá không những làm thoái hóa đất và giảm khả năng hỗ trợ các cây tròng khác của đất mà còn tạo các chất thải độc hại và gây ô nhiễm rác thải. Thuốc lá góp phần vào biến đổi khí hậu và giảm khả năng chống chịu với khí hậu. Ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra khí nhà kính làm trái đất nóng lên và phá hủy các hệ sinh thái. Khí thải CO2 chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây nên những biến đối khí hậu tác động đến chính con người. Với các thiết bị của thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Rác thải bộ phận điện tử của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần. Thêm vào đó, thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có rất nhiều thành phần: nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch…., quy trình dỡ bỏ, phân loại… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém.
Ảnh hưởng tới an sinh xã hội, kinh tế và sự phát triển bền vững
Hút thuốc lá làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí liên quan đến sử dụng thuốc lá ảnh hưởng tới đói nghèo và phát triển bền vững. Các hãng thuốc lá đưa ra nhiều sản phẩm với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất). Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp. Tính trong các hộ gia đình nghèo, một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo.
Tác hại trực tiếp của thuốc lá đối với trẻ em, học sinh
Ở độ tuổi học sinh, cơ thể đang trong quá trình phát triển, nếu tiếp cận thường xuyên với khói thuốc lá các em sẽ bị các chất độc tàn phá một cách nhanh chóng. Điển hình nhất là các bệnh về phổi: ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi làm suy giảm chức năng phổi. Ngoài ra, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, đột quỵ, và các vấn đề về huyết áp.
Do chất Nicotine trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, tập trung, và tư duy logic của học sinh. Hơn nữa, những học sinh hút thuốc lá thường có khả năng học kém hơn, có động cơ học tập thấp, và thường xuyên vắng học hơn học sinh không hút thuốc lá.
Nicotine là chất gây nghiện mạnh, và việc bắt đầu hút thuốc ở lứa tuổi học sinh tăng nguy cơ trở thành người nghiện. Nghiện thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và tâm trạng của học sinh.
Việc hút thuốc lá có thể gây stress và ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Nó cũng có thể tăng cường nguy cơ mắc các vấn đề tâm thần như trầm cảm và lo âu.
Học sinh hút thuốc lá thường có khả năng thể chất kém hơn so với những học sinh không hút thuốc. Điều này có thể làm suy giảm sự linh hoạt và khả năng tham gia vào hoạt động học tập các môn thể dục, thể thao hay vận động thể chất ở học sinh.
Hút thuốc lá có thể tạo ra rào cản trong mối quan hệ xã hội của học sinh, do nhiều người không ưa mùi khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Nhìn chung, hút thuốc lá không chỉ là một vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, trí lực, sự phát triển và sự thành công của học sinh. Việc giáo dục và hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng có vai trò quan trọng giúp học sinh nhận thức được những tác hại của thuốc lá và “nói không với hút thuốc lá”.
PGS.TS.BS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam
Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người