Hội chứng mũi rỗng là một biến chứng hiếm gặp sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cuốn giữa và cuốn dưới được E. Kern và M. Stenkvist mô tả vào năm 1994 với tỷ lệ từ 8 – 22% số bệnh nhân thực hiện phẫu thuật này.
Đặc điểm chính của hội chứng mũi rỗng (ENS) là cảm giác nghẹt mũi trong khi hốc mũi rất rộng thậm chí có thể nhìn thấy vòm từ cửa mũi trước. Mức độ biểu hiện của hội chứng mũi rỗng nhiều khi không phụ thuộc vào kích thước cuốn dưới bị lấy bỏ và xuất hiện từ vài tháng đến vài năm sau phẫu thuật cắt cuốn dưới.
Cơ chế bệnh sinh của ENS là đa yếu tố và bao gồm:
– Những thay đổi trong luồng không khí sinh lý tầng, mặc dù không khí vào được hốc mũi nhưng rất khó vận chuyển ra cửa mũi sau để xuống họng mũi và dẫn vào phổi, vì thế người bệnh luôn cảm giác ngột ngạt, phải hít thật sâu.
– Sự gián đoạn chức năng niêm mạc do phần niêm mạc bị cắt để lại những lớp sẹo trên bề mặt, lớp thảm nhầy có chức năng làm sạch, làm ẩm không khí bị tổn thương, các mạch máu có chức năng sưởi ấm không khí bị giảm đáng kể nhất là cắt cuốn dưới toàn bộ.
– Cảm giác thần kinh bị suy giảm.
Điều này dẫn đến biểu hiện của các triệu chứng ENS như khó thở, khô mũi, nóng rát mũi, nghẹt mũi, cảm giác nghẹt thở và thậm chí là các rối loạn tâm thần kèm theo làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.
Phương pháp điều trị ENS đang được cập nhật từ các bác sĩ Tai Mũi Họng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự cải thiện các biểu hiện ngạt và khó thở khi sử dụng các vật liệu nhân tạo tái tạo giải phẫu mũi.
Một số trung tâm nghiên cứu hiện nay đang ứng dụng tế bào gốc trung mô trưởng thành (MSC) từ các nguồn gốc mô khác nhau và tế bào gốc có nguồn gốc từ mào thần kinh (NCSC) để cấy ghép vào khu vực sàn mũi và cuốn dưới để có thể kích thích tái tạo mô niêm mạc thông qua việc tiết ra các yếu tố dinh dưỡng, chuyển hóa trực tiếp vào tế bào biểu mô và có tác dụng ức chế miễn dịch rõ rệt. Mặt khác, NCSC dựa trên đặc tính bảo vệ thần kinh cao của chúng có thể phục hồi cấu trúc và chức năng thần kinh dẫn đến cảm giác bình thường ở bệnh nhân ENS. Các nghiên cứu ứng dụng này đều chỉ ra có thể giúp cải thiện đáng kể triệu chứng ENS.
Việc ghép tế bào gốc có thể được hiện thực hóa bằng hai cách chính. Đầu tiên là sự biệt hóa trực tiếp của tế bào gốc cấy ghép dưới tác động của các yếu tố môi trường cụ thể như thiếu oxy và viêm. Tế bào gốc trung mô (MSC) có khả năng chuyển hóa trong tế bào biểu mô niêm mạc, trong khi tế bào gốc có nguồn gốc từ mào thần kinh (NCSC) có thể hình thành tế bào thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, một lượng rất nhỏ, khoảng 1 – 3% tế bào gốc được cấy ghép có thể biệt hóa. 95% tiềm năng điều trị của tế bào gốc được thực hiện theo cách gián tiếp thông qua việc tiết ra rất nhiều yếu tố cận tiết và các túi ngoại bào. Các yếu tố bài tiết có nguồn gốc từ MSC thúc đẩy quá trình tân mạch, tác dụng chống viêm điều hòa miễn dịch, tác dụng chống apoptotic và chống xơ hóa, đồng thời giảm căng thẳng oxy hóa tạo môi trường thuận lợi cho quá trình tái tạo niêm mạc. Đặc biệt, NCSC có đặc tính bảo vệ thần kinh mạnh mẽ, do đó, tiêm NCSC cục bộ ở bệnh nhân mắc hội chứng mũi trống rỗng cũng có thể kích thích phục hồi thần kinh bằng cách hỗ trợ dinh dưỡng hoặc tái hòa nhập trực tiếp vào mô bị tổn thương. MSC: Tế bào gốc trung mô; NCSC: Tế bào gốc có nguồn gốc từ mào thần kinh.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội