Đái tháo đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa phức tạp, được đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose huyết kéo dài do sự suy giảm tiết insulin, kháng insulin.
Sự gia tăng glucose mạn tính này gây ra những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein và lipid, dẫn đến tổn thương ở nhiều cơ quan, đặc biệt là tim mạch, thận, mắt, và hệ thần kinh. Do đó, tầm soát phát hiện sớm bệnh đái tháo đường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Tại sao cần tầm soát đái tháo đường?
Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, và nhồi máu cơ tim. Chi phí điều trị và chăm sóc các biến chứng này là một gánh nặng lớn cho hệ thống y tế và an sinh xã hội. Điều đáng lo ngại là đái tháo đường típ 2 thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh khó nhận biết cho đến khi xuất hiện biến chứng. Việc phát hiện sớm qua tầm soát định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao hiệu quả điều trị.
(Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh)
Ai nên tầm soát đái tháo đường?
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, những người trưởng thành không có triệu chứng nhưng có nguy cơ cao nên thực hiện xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Các đối tượng này bao gồm:
– Người có tiền sử gia đình mắc đái tháo đường.
– Người thừa cân, béo phì (BMI lơn hơn hoặc bằng 23 kg/m2).
– Người có thói quen uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất.
– Người có tiền sử rối loạn đường máu lúc đói, rối loạn dung nạp glucose.
– Huyết áp cao (trên hoặc bằng 140/90 mmHg ở người lớn).
– Mỡ máu (Lipid máu) bất thường.
– Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng trên 4 kg.
– Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Các phương pháp tầm soát đái tháo đường
Các phương pháp tầm soát đái tháo đường bao gồm xét nghiệm đường huyết lúc đói, nghiệm pháp dung nạp đường (đo đường huyết sau 2 giờ uống 75g đường glucose). Việc thực hiện các xét nghiệm này định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.
Tầm soát phát hiện sớm đái tháo đường là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mỗi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên thường xuyên tầm soát đái tháo đường để phát hiện và quản lý bệnh kịp thời. Việc này không chỉ giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh