Tỷ lệ mắc ung thư ngày càng gia tăng, đặc biệt là sự trẻ hóa của ung thư đang trở thành mối lo ngại của rất nhiều người. Tầm soát ung thư trọn gói là kế hoạch cần được thực hiện để giúp phòng ngừa cũng như phát hiện từ đầu nguy cơ mắc bệnh để đưa ra biện pháp chữa trị cụ thể, tăng cơ hội chữa khỏi và sống sót cho bệnh nhân.
1. Tổng quát chung về khám tầm soát ung thư
1.1. Tầm soát ung thư là gì?
Khám tầm soát ung thư là áp dụng các thủ thuật, phương pháp y tế vào việc hỗ trợ phát hiện sớm các tế bào trong cơ thể bị tổn thương, các bệnh lý ác tính dựa trên biểu hiện bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm kéo dài cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Tế bào ung thư trong cơ thể
1.2. Tầm quan trọng của tầm soát ung thư sớm
Theo thống kê từ Viện nghiên cứu phòng chống ung thư tại Việt Nam, có hơn 68.000 ca mắc ung thư mới vào năm 2000, năm 2010 con số lên đến 126.000 ca và dự kiến 190.000 vào năm 2020. Số người chết vì ung thư tăng lên chóng mặt và nguyên nhân chủ yếu do người bệnh quá chủ quan sức khỏe, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn.
Do đó, Tầm soát ung thư là biện pháp giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư, tiêu diệt mầm mống tổ chức ung thư khi chưa kịp di căn và xâm lấn ra xung quanh các cơ quan khác hoặc chưa có biểu hiện ra bên ngoài. Việc phát hiện sớm và kịp thời loại bỏ các tế bào gây ung thư gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thành công lên đến 90%, kéo dài tuổi thọ của người mắc bệnh, giảm chi phí điều trị và không ảnh hưởng đến các chức năng khác. Đồng thời, người bệnh cũng có tâm lý thoải mái hơn khi khám chữa bệnh. Bước khám tầm soát này là việc làm cần thiết và thiết yếu đối với mỗi người dù đang trong trạng thái khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao.
Theo các chuyên gia y tế và các bác sĩ khuyến cáo, việc kiểm tra và sàng lọc ung thư cần được thực hiện ít nhất 1-2 năm/lần, theo định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
1.3. Ai nên tầm soát ung thư?
Theo Bộ Y tế, mỗi người dân đều nên có ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Thông thường, khám sàng lọc và tầm soát ung thư nhắm vào đối tượng có triệu chứng của bệnh hoặc dễ mắc ung thư. Những đối tượng dưới đây nên tầm soát ung thư sớm vì họ là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư:
- Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.
- Người có thành viên trong gia đình từng mắc ung thư.
- Người có bệnh mãn tính liên quan đến gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng…
- Người ít vận động, có chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học.
- Người làm việc trong môi trường ô nhiễm.
- Người thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, chán ăn.
Dưới đây là một số ung thư phổ biến thường gặp ở Việt Nam thường được nhiều người lựa chọn sàng lọc và tầm soát.
- Ung thư vú: Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao, nên đi chụp X-quang tuyến vú định kỳ để kiểm soát và phòng ngừa các tế bào ung thư vú có cơ hội phát triển.
- Ung thư cổ tử cung: loại ung thư thường xảy ra với phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào, nên đi tầm soát ung thư 1 năm/lần.
- Ung thư đại trực tràng: sử dụng phương pháp nội soi để tìm ra các tế bào gây ung thư
- Ung thư phổi: thường xảy ra đối với những đối tượng hay hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, đa phần là ở nam giới.
- Ung thư tuyến tiền liệt: nam giới từ 40 tuổi trở lên nên đi tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.
Hãy thực hiện tầm soát ung thư sớm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình.
1.4. Phân biệt khám tầm soát ung thư và khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khoẻ định kỳ: là khám tổng thể, khái quát về tình trạng sức khỏe của bản thân, được các bác sĩ tư vấn và sàng lọc kết quả thông qua quá trình thăm khám bệnh, nhằm tìm ra những thương tổn bên trong cơ thể hoặc các bệnh lý, để từ đó đưa ra phương thức điều trị hợp lý, chuẩn xác. Khám sức khỏe định kỳ là bước vô cùng quan trọng nếu muốn bảo vệ sức khỏe và phòng chống các bệnh tật có thể gây biến chứng lâu dài, có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính.
Sàng lọc phát hiện, tầm soát ung thư sớm:thực hiện các xét nghiệm đặc biệt nhằm phát hiện ra mầm mống ung thư, hoặc khi khối u còn rất nhỏ, khuyến khích thực hiện ở những người chưa có dấu hiệu, vì khi người bệnh có dấu hiệu, thường là khi ung thư đã lây lan sang các mô lân cận, và cơ hội điều trị không còn tốt như giai đoạn đầu.
2. Gói khám tầm soát ung thư bao gồm những gì?
2.1. Tầm soát ung thư gồm những bước nào?
Bước 1: Khám lâm sàng
Đây là việc làm cơ bản để tầm soát ung thư. Giống với kiểm tra sức khỏe thông thường, trong bước khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát, hỏi thăm và nhận định sức khỏe của bạn. Bạn bị đau ở đâu? Cơ thể có những biểu hiện lạ gì? Đây sẽ là các căn cứ để bác sĩ sắp xếp các loại xét nghiệm phù hợp nhất.
Bước 2: Thực hiện một số xét nghiệm cơ bản
Sau khi đã khám lâm sàng, bạn sẽ được sắp xếp làm một số kiểm tra, xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa,…
Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh
Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ cho thăm dò bằng phương pháp chuẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp XQ, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…
2.2. Các xét nghiệm cho một số loại tầm soát ung thư phổ biến
Tùy từng loại biểu hiện, từng loại kiểm tra ung thư mà các xét nghiệm sẽ có sự khác biệt. Do đó, để trả lời cho câu hỏi: tầm soát ung thư hết bao nhiêu tiền, chúng ta cần hiểu rõ các loại xét nghiệm cần làm.
-
Tầm soát ung thư vú: siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm CA 15 – 3,…
-
Tầm soát ung thư phổi: Chụp X – quang lồng ngực. Nếu có khối u, bạn sẽ cần chụp CT để xác định vị trí, xét nghiệm máu,… Maker ung thư phổi: NSE, Cyfra 21-1…
-
Tầm soát ung thư vòm họng: Sinh thiết, nội soi vòm họng, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm máu,…
-
Tầm soát ung thư đại tràng: Nội soi đại tràng, siêu âm kết hợp chụp CT ổ bụng, xét nghiệm máu, sinh thiết tế bào,…
-
Tầm soát ung thư cổ tử cung: nội soi cổ tử cung, sinh thiết khi cần,…
-
Tầm soát ung thư dạ dày: nội soi dạ dày, siêu âm, sinh thiết tế bào, chụp X-quang hoặc cắt lớp trong trường hợp phát hiện khối u. Ngoài ra, bạn có thể sẽ được chỉ định xét nghiệm máu.
-
Tầm soát ung thư gan: Với ung thư gan, bạn cần làm một loại xét nghiệm riêng biệt gọi là AFP. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được chỉ định làm một số loại xét nghiệm khác như X-quang, siêu âm,…
3. Một số thông tin lưu ý khi khám tầm soát ung thư
Để có 1 buổi thăm khám nhanh chóng và hiệu quả nhất, chúng ta cần lưu ý 1 số vấn đề dưới đây:
- Nên nhịn ăn và không uống nước ngọt, cà phê, rượu bia, các chất có gas, chất kích thích…trong vòng 12 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm.
- Không nội soi khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt (đối với nữ)
- Không quan hệ tình dục trước khi thăm khám được diễn ra (đối với nữ)
- Trước khi tiến hành siêu âm, nên uống nhiều nước và nhịn tiểu
4. Tầm soát ung thư hết bao nhiêu tiền?
Vậy tầm soát ung thư hết bao nhiêu tiền? Đây là vấn đề được rất nhiều người băn khoăn hiện nay. Tùy từng loại kiểm tra, từng loại xét nghiệm mà mức giá sẽ có sự khác biệt, có thể từ hơn 1 triệu cho đến vài triệu.
Tùy tình trạng cơ thể bạn, xét nghiệm nhiều hay ít, tùy bệnh viện mà mức giá sẽ khác nhau. Bạn cần tìm hiểu kỹ, có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn địa chỉ khám tầm soát ung thư.
Với những thông tin trên hy vọng các bạn đã nắm rõ về bước khám tầm soát ung thư và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.