Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ?
Theo GLOBOCAN 2020, ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 trong các bệnh lý ung thư về tỷ lệ mới mắc và đứng thứ 2 về tỷ lệ tử vong. Đa số ung thư đại trực tràng do polyp đại trực tràng gây nên. Ngày nay, nội soi đại trực tràng là công cụ hữu hiệu nhất để phát hiện sớm và xử lý các polyp có nguy cơ ung thư hoá góp phần hạn chế gia tăng tỷ lệ bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Những đối tượng cần tầm soát ung thư đại trực tràng?
Những người có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao là đối tượng từ 50 tuổi trở nên, đặc biệt nhóm người trên 70 tuổi; những người có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng. Đối với đối tượng này cần nội soi đại tràng toàn bộ.
Những người khác khi có triệu chứng: gầy sút nhanh, đau bụng, đầy tức bụng, đại tiện nát lỏng, phân có máu… có thể tiến hành xét nghiệm FIT (Fecal immunochemical test), nếu FIT dương tính sẽ tiến hành nội soi đại tràng toàn bộ.
Thời gian giữa các lần soi đại tràng lao bao lâu?
Sau lần soi đầu tiên bệnh nhân sẽ được đánh giá các yếu tố nguy cơ
– Đối tượng có yếu tố nguy cơ cao và có các đặc điểm sau: Có ít nhất 3 u tuyến; Có ít nhất 1 u tuyến lớn hơn 1cm; Có u tuyến nhú hoặc ống nhú; U tuyến có loạn sản độ cao; Polyp có răng cưa lớn hơn 1cm.
– Thời gian nội soi lại có thể ngắn hơn nếu chất lượng của cuộc nội soi trước kém hoặc dấu hiệu nguy cơ cao hoặc một số đặc điểm của lần nội soi trước: cắt polyp không hoàn toàn, tình trạng bệnh nhân, tiền sử bệnh tật
– Nội soi 10 năm 1 lần và test tìm máu trong phân (FOBT- fecal occult blood test) ít nhất mỗi 2 năm.
– Nội soi tiếp trong vòng 1 năm nếu bệnh nhân có ít nhất 5 u tuyến.
Theo khuyến cáo của Hàn Quốc những bệnh nhân soi lại sau 5 năm nếu như soi lần 1 không có polyp và nguy cơ thấp. Soi lại đại tràng 3 năm với đối tượng nguy cơ cao, trừ những trường hợp lưu ý nêu trên.
Đối tượng bệnh nhân ung thư đại trực tràng đã phẫu thuật
– Bệnh nhân trước khi phẫu thuật chưa soi hết đại tràng, ví dụ: mổ do tắc nghẽn thì nên soi lại đại tràng sau 3-6 tháng.
– Nếu bệnh nhân đã soi đại tràng, toàn bộ đại tràng trước phẫu thuật, cần soi lại sau 1 năm: nếu kết quả bình thường nên soi lại sau 3 năm nữa. Nếu kết quả soi lần 2 bình thường thì nên soi lại 5 năm/lần. Nếu phát hiện ra adenoma, soi lại định lỳ hằng năm.
– Xét nghiệm định kỳ CEA định kỳ 3-6 tháng/lần trong 2 năm, sau đó mỗi 6 tháng cho tới 5 năm. Chụp CT ngực, bụng và tiêu khung hàng năm trong vòng 5 năm
Tầm soát ở những đối tượng đặc biệt
– Những người có tiền sử gia đình UTĐTT và polyp đại trực tràng
Cần nội soi đại tràng tầm soát khi 40 tuổi
– Hội chứng đa polyp tuyến gia đình (FAP)
Nội soi đại tràng 1-2 năm/lần bắt đầu từ năm 10 tuổi và liên tục ở những người mang gen đột biến
Cần tầm soát soi dạ dày khi polyp đại tràng xuất hiện hoặc khi 25-30 tuổi
– Hội chứng Lynch (Ung thư đại trực tràng không đa polyp di truyền)
Nội soi đại trực tràng 1-2 năm/lần, năm 20-25 tuổi
Nội soi dạ dày từ 30 tuổi nhắc lại 2-3 năm/lần
– Đối tượng có khả năng mắc hội chứng ung thư di truyền
Có >10 u tuyến 1 lần thăm khám, nên nội soi trong vòng 3 năm sau khi cắt polyp
Ung thư đại trực tràng hoặc nhiều polyp tuyến ở họ hàng bậc 1, dưới 60 tuổi hoặc họ hàng bậc 1 ở mọi lứa tuổi có liên quan đến hội chứng Lynch: nên nội soi 3-5 năm từ 40 tuổi hoặc sớm hơn 10 tuổi so với trường hợp trẻ nhất 10 tuổi
– Bệnh lý ruột viêm (IBD gồm viêm loét đại trực tràng chảy máu và Crohn)
Nội soi đại tràng với sinh thiết phát hiện loạn sản mỗi 1-2 năm, bắt đầu từ 8-10 năm sau khi khởi phát
Sinh thiết chỗ hẹp hoặc khối u
Cắt polyp nếu có
– Hội chứng Peutz Jegherz
Nội soi toàn bộ dạ dày- đại tràng mỗi 2-3 năm/lần bắt đầu sau tuổi thiếu niên
Tầm soát tổn thương ruột non bằng chụp MRI, siêu âm 1-2 năm/lần, bắt đầu 30 tuổi
– Hội chứng đa polyp thanh thiếu niên (JPS)
Nội soi đại tràng mỗi 1-3 năm, bắt đầu từ 15 tuổi
– Hội chứng đa polyp răng cưa (SPS)
Nội soi đại tràng 1-3 năm/lần
ĐD. CK1. Lê Thị Thuận – Khoa điều trị bệnh ống tiêu hoá (A3A),
Viện điều trị các bệnh tiêu hoá, Bệnh viện TWQĐ 108